Chính phủ trình Quốc hội thông qua Hiệp định EVFTA, sớm tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng hóa sau đại dịch

EU đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn nội bộ hiệp định. Như vậy EVFTA giờ chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn là có hiệu lực đối với cả EU và Việt Nam.

Sáng ngày 20/5, tại phiên khai mạc kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày báo cáo thuyết minh bổ sung về Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) của Chính phủ trước Quốc hội. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bên cạnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. 

Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lí nội bộ để Hiệp định này có hiệu lực. Hoặc hai bên cũng có thể thống nhất với nhau về một thời điểm khác để Hiệp định chính thức có hiệu lực. 

Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào ngày 12/2/2020 và Hội đồng châu Âu ký duyệt vào ngày 30/3/2020. Ngày 24/4 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã gửi công hàm thông báo chính thức với Việt Nam về việc EU đã hoàn tất thủ tục pháp lí cuối cùng theo qui trình phê chuẩn nội bộ của mình.

"Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU về thời điểm có hiệu lực của Hiệp định trên tinh thần là vào thời điểm sớm nhất nhằm tận dụng các cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã, đang và sẽ có những tác động bất lợi đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng", ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Chính phủ trình Quốc hội thông qua Hiệp định EVFTA, sớm tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng hóa sau đại dịch - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Nguồn: VTV

Với việc thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch COVID-19 thời gian vừa qua.

Đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.

Chính phủ dự kiến sẽ đưa việc đánh giá định lượng tác động của Hiệp định EVFTA một cách toàn diện gắn với bối cảnh dịch bệnh COVID-19, dự báo các xu hướng phát triển kinh tế quốc tế… vào Kế hoạch thực thi EVFTA để triển khai với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực để từ đó có những giải pháp đối phó phù hợp và kịp thời.

Về vấn đề liên quan đến Anh, khi Hiệp định EVFTA được kí kết, Anh vẫn là thành viên của EU và được coi là thuộc bên tham gia kí kết cùng Việt Nam. 

Theo Thỏa thuận Brexit, Anh sẽ có "giai đoạn chuyển tiếp" trước khi chính thức rời khỏi EU. Giai đoạn này bắt đầu từ ngày 1/2/2020 đến hết 31/12/2020 (và có thể gia hạn đến 24 tháng). 

Theo đó, nếu EVFTA có hiệu lực và được thực thi trong giai đoạn chuyển tiếp thì Anh vẫn được hưởng các cam kết Việt Nam dành cho EU trong khuôn khổ EVFTA và ngược lại.

Do vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn EVFTA thì cũng đồng ý áp dụng Hiệp định EVFTA đối với Anh (do Anh cũng là một bên tham gia kí kết EVFTA) cho tới hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31/12/2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).

Đối với giai đoạn sau thời gian chuyển đổi, để tránh bị gián đoạn thương mại, các cơ quan có liên quan của Việt Nam và Anh đã và đang thảo luận về khả năng hai bên đàm phán và kí kết một hiệp định thương mại tự do trên cơ sở kế thừa Hiệp định EVFTA với những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp về kĩ thuật và cân bằng lợi ích cho cả hai bên để áp dụng thay thế cho Hiệp định EVFTA khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc. 

Tuy vậy, việc thảo luận này là "không chính thức" vì Anh mới chỉ có được thẩm quyền đàm phán các hiệp định kể từ ngày 1/2/2020 và thực tế vẫn chưa triển khai được chính thức do dịch COVID-19; và Hiệp định EVFTA vẫn chưa được Quốc hội thông qua để chính thức có hiệu lực. 

Do vậy, dự kiến sau khi Quốc hội phê chuẩn EVFTA thì Việt Nam sẽ thảo luận "một cách chính thức" vấn đề đàm phán và kí kết một hiệp định song phương với Anh theo cách tiếp cận nêu trên.

Việc tiếp tục duy trì quan hệ thương mại tự do với Anh sau khi nước này rời khỏi EU sẽ góp phần củng cố và tăng cường trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh trong bối cảnh Anh đang là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại thị trường châu Âu với tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại bình quân là 17,8%/năm.

Tính đến tháng 12 năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Anh đạt 6,61 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 5,76 tỉ USD, nhập khẩu từ Anh đạt 856,7 triệu USD, thặng dư thương mại là 4,9 tỉ USD.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chinh-phu-trinh-quoc-hoi-thong-qua-hiep-dinh-evfta-som-tan-dung-co-hoi-xuat-khau-hang-hoa-sau-dai-dich-20200520114045083.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/