Chi tiết room tín dụng của 11 ngân hàng: MSB được cấp hạn mức cao nhất

Theo VNDirect, NHNN đã cấp hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng trong tuần vừa qua với MSB là ngân hàng được cấp hạn mức cao nhất. Đây là những ngân hàng có danh mục tín dụng đa dạng, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và thanh khoản dồi dào.

MSB được cấp hạn mức tín dụng cao nhất

Báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect cho biết, NHNN đã cấp hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng trong tuần vừa qua.

Theo đó, MSB đạt được hạn mức tốt nhất trong số các ngân hàng, chủ yếu do hệ số LDR thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Các ngân hàng khác được cấp room là HDBank (11%), ACB (9,8%), Vietcombank (9,8%), VIB (9,5%), Techcombank (9,5%), TPBank (9,1%), VPBank (9%), MB (9%), BIDV (8,3%), LienVietPostBank (8%).

Theo VNDirect, đây là những ngân hàng có danh mục tín dụng đa dạng, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh và thanh khoản dồi dào như Vietcombank, ACB, HDBank, MSB,..

 

Về tín dụng, các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% năm 2023 do thị trường bất động sản (BĐS) kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.

Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao do mức tăng tiền lương 20,8% có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng,… Thanh khoản hạn hẹp (dù đã có phần cải thiện) cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Theo số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% và cung tiền tăng rất chậm 0,05% so với cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, căng thẳng thanh khoản hệ thống đã diễn ra từ quý III/2022. Năm 2022 cung tiền M2 chỉ tăng 3,6% so với đầu năm (tính đến cuối tháng 11/2022); thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng 14,8% cho thấy áp lực về thanh khoản hiện hữu và hệ số dư nợ tín dụng/ vốn huy động (LDR) của các ngân hàng đều tăng đáng kể so với 2021.

 

NIM dự kiến sẽ thu hẹp do áp lực chi phí vốn tăng cao

Sang 2023, khi chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp. VNDirect cho rằng lợi suất tài sản (asset yield) khó có thể tăng đủ mạnh để bù đắp do lãi suất cho vay khó tăng mạnh khi chính phủ đang kêu gọi giảm lãi suất để chia sẻ gánh nặng cùng khách hàng.

Do đó theo các chuyên gia, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất. VietinBank, VPBank, TPBank, và MB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ trong năm nay.

Trên phương diện CASA, Techcombank, MB và Vietcombank là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống. Vietcombank là một trong số ít ngân hàng cải thiện được tỷ lệ CASA từ đầu năm, với động lực chính đến từ chính sách “zero-fee” ngân hàng đã triển khai từ đầu năm nay. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chi-tiet-room-tin-dung-cua-11-ngan-hang-msb-duoc-cap-han-muc-cao-nhat-20233912239306.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/