Chỉ số vốn hóa gia quyền (Capitalization-Weighted Index) là gì? Đặc điểm

Chỉ số vốn hóa gia quyền (tiếng Anh: Capitalization-Weighted Index) là một loại chỉ số thị trường với các thành phần chứng khoán riêng lẻ được tính theo tổng vốn hóa thị trường của chúng.

Chỉ số vốn hóa gia quyền (Capitalization-Weighted Index) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Smart Asset.

Chỉ số vốn hóa gia quyền

Khái niệm

Chỉ số vốn hóa gia quyền trong tiếng Anh là Capitalization-Weighted Index.

Chỉ số vốn hóa gia quyền là một loại chỉ số thị trường với các thành phần chứng khoán riêng lẻ được tính theo tổng giá trị vốn hóa thị trường của chúng. Vốn hóa thị trường sử dụng tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu đang lưu hành của một công ty. 

Vốn hóa được tính bằng cách nhân số cổ phiếu đang lưu hành với giá hiện tại của một cổ phiếu. Cổ phiếu đang lưu hành là những cổ phiếu thuộc sở hữu của các cổ đông cá nhân, tổ chức và cổ đông nội bộ của công ty.

Các thành phần có vốn hóa thị trường cao hơn sẽ có tỉ lệ trọng số cao hơn trong chỉ số. Ngược lại, các thành phần có vốn hóa thị trường nhỏ hơn có trọng số thấp hơn trong chỉ số. Chỉ số vốn hóa gia quyền còn được gọi là chỉ số giá trị thị trường gia quyền.

Cách tính Chỉ số vốn hóa gia quyền

Để tìm giá trị của một chỉ số vốn hóa gia quyền, phải nhân giá thị trường của từng thành phần với tổng số cổ phiếu đang lưu hành để đạt được tổng giá trị thị trường. Tỉ lệ giá trị của cổ phiếu trên tổng giá trị thị trường của các thành phần trong chỉ số cung cấp trọng số của công ty trong chỉ số. Ví dụ, có 5 công ty như sau:

Công ty A: 1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, giá hiện tại trên mỗi cổ phiếu là 45 USD.

Công ty B: 300.000 cổ phiếu đang lưu hành, giá hiện tại trên mỗi cổ phiếu là 125 USD.

Công ty C: 500.000 cổ phiếu đang lưu hành, giá hiện tại trên mỗi cổ phiếu là 60 USD.

Công ty D: 1,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, giá hiện tại trên mỗi cổ phiếu là 75 USD.

Công ty E: 1,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, giá hiện tại trên mỗi cổ phiếu là 5 USD.

Tổng giá trị thị trường của mỗi công ty sẽ được tính như sau:

Giá trị thị trường của công ty A = (1.000.000 x $45) = $45.000.000

Giá trị thị trường của công ty B = (300.000 x $125) = $37.500.000

Giá trị thị trường của công ty C = (500.000 x $60) = $30.000.000

Giá trị thị trường của công ty D = (1.500.000 x $75) = $112.500.000

Giá trị thị trường của công ty E = (1.500.000 x $5) = $7.500.000

Toàn bộ giá trị thị trường của các thành phần chỉ số bằng 232,5 triệu USD, trong đó trọng số mỗi công ty như sau:

Công ty A có trọng số 19,4% ($45.000.000/$232,5 triệu)

Công ty B có trọng số 16,1% ($37.500.000/$232,5 triệu)

Công ty C có trọng số 12,9% ($30.000.000/$232,5 triệu)

Công ty D có trọng số 48,4% ($112.500.000/$232,5 triệu)

Công ty E có trọng số 3,2% ($7.500.000/$232,5 triệu)

Mặc dù các công ty D và E có số lượng cổ phiếu tương đương ở mức 1.500.000, nhưng chúng tương ứng với tỉ trọng cao nhất và thấp nhất trong chỉ số, do mức giá của chúng khác nhau.

Ưu và nhược điểm của chỉ số vốn hóa gia quyền

1. Ưu điểm:

- Các chỉ số vốn hóa thị trường cung cấp thông tin về các công ty cả qui mô lớn và nhỏ.

- Các công ty lớn có trọng số lớn hơn thường cung cấp sự tăng trưởng ổn định cho chỉ số.

- Các công ty nhỏ có xu hướng có trọng số thấp hơn, điều này có thể làm giảm rủi ro nếu các công ty này không tồn tại.

2. Nhược điểm:

- Khi giá cổ phiếu tăng, một công ty có thể có trọng số quá cao trong một chỉ số.

- Các công ty có trọng số lớn hơn có thể có tác động không tương xứng đến hiệu suất của quĩ.

- Các nhà quản lí quĩ thường có thể thêm vào các cổ phiếu được định giá quá cao, tạo ra trọng số lớn hơn và hình thành bong bóng chỉ số.

(Theo Investopedia)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chi-so-von-hoa-gia-quyen-capitalization-weighted-index-la-gi-dac-diem-20200525200810267.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/