Châu Âu gặp vận may không tưởng trong cuộc khủng hoảng năng lượng

Thời tiết tốt và sự gia tăng đúng lúc của nguồn cung khí đốt có thể sẽ giúp châu Âu thoát khỏi cảnh suy thoái trong năm 2023.

(Ảnh minh họa: Financial Times). 

Thần may mắn mỉm cười

Du khách đến thăm Warsaw, Ba Lan vào thời điểm này trong năm thường sẽ không được tận hưởng thời tiết ấm áp gần 20°C. Cũng vào tháng 1, thành phố cảng Bilbao của Tây Ban Nha thường lạnh cóng chứ không ấm áp như bây giờ.

Nhưng mùa đông năm nay rất kỳ lạ. Trên khắp châu Âu, các kỷ lục về nhiệt độ liên tục bị phá vỡ. Giá năng lượng theo đó mà trượt dốc. Giá khí đốt tự nhiên tại trung tâm của châu lục đã giảm xuống bằng mức trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra.

 

Mùa thu dễ chịu đã cho các cơ sở dự trữ khí đốt ở châu Âu thời gian để kịp lấp đầy kho. Nhiệt độ ấm áp hiện tại cho phép họ “đổ đầy bình” lần nữa, mặc dù giờ đang là giữa mùa đông.

Tờ Economist cho biết vào thời điểm này của hai mùa đông trước, lượng khí đốt mà châu Âu rút ra khỏi các cơ sở dự trữ phải lớn gấp đôi mức hiện tại. Và các nhà khí tượng dự báo nửa còn lại của mùa đông năm nay cũng chỉ rét nhẹ.

Thời tiết tốt không phải vận may duy nhất của châu Âu. Nguồn cung khí đốt đang tăng lên trong bối cảnh các trạm khí tự nhiên hóa lỏng mới đi vào hoạt động. Mùa thu ẩm ướt và mùa đông lộng gió đã tiếp sức cho các nhà máy phát điện chạy bằng sức gió và nước.

Các nhà máy điện hạt nhân của Pháp đang dần quay trở lại lưới điện sau khi tạm ngừng hoạt động để bảo trì. Ông Lion Hirth, Giáo sư chính sách năng lượng của Trường Hertie tại Berlin, nhận xét: “Các tác nhân gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 đang đồng loạt giảm bớt”. Giá năng lượng ở châu Âu đã giảm về mức trước mùa hè.

Thoát khỏi bờ vực suy thoái?

Sự sụt giảm của giá năng lượng đã mang lại cho châu Âu cú hích kinh tế. Các chỉ báo tâm lý phục hồi trong hai tháng liên tiếp.

Bất chấp các dự báo u tối, sản lượng công nghiệp của Đức vẫn được giữ vững. Tỷ lệ thất nghiệp trên khắp châu Âu vẫn ở quanh mức thấp kỷ lục. Giới doanh nghiệp dự định thuê thêm nhân viên chứ không phải cắt giảm.

Các tổ chức dự báo liên tục nâng ước tính tăng trưởng của châu Âu. Ngân hàng Goldman Sachs đã rút lại nhận định rằng khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Sự thay đổi của thời tiết đang cứu lấy vận mệnh kinh tế của châu Âu.

Nhưng giờ vẫn là quá sớm để tuyên bố cái kết của cuộc khủng hoảng năng lượng. Giá khí đốt vẫn cao hơn hẳn mức bình thường.

Nhìn chung giá năng lượng ở châu Âu hiện nay vẫn đắt gấp đôi mức giá giữa năm 2021. Trước khi COVID-19 xuất hiện, khí tự nhiên ở châu có giá khoảng 10 euro/MWh, nhưng giờ thì bạn phải nhân con số đó lên 7,5 lần.

Ít có khả năng giá khí đốt sẽ giảm xuống sâu hơn nữa. Nhu cầu khí đốt của các ngành công nghiệp có thể sẽ tăng lên, nhà máy điện chạy bằng khí đốt có thể sẽ bắt đầu thay thế nhà máy đốt than.

Các cơ sở dự trữ của châu Âu đang chứa đầy khí đốt. Nhưng Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính châu Âu vẫn chưa có đủ dự trữ để đề phòng trường hợp mùa đông lạnh giá trong năm sau.

Nhu cầu khí đốt của châu Á đang đi lên và sẽ còn tăng cao hơn nữa trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc trở lại bình thường. Công ty tư vấn Timera Energy chỉ ra rằng thị trường khí đốt vẫn đang hoạt động gần hết công suất, đồng nghĩa với việc rất có thể thế giới sẽ chứng kiến những biến động giá mạnh.

Châu Âu sẽ cần phải tận dụng tối đa vận may hiếm có. Các nhà lãnh đạo có thể sử dụng cơ hội này để cân nhắc lại các chương trình hỗ trợ mà theo tờ Economist đánh giá là tốn kém và không hiệu quả. Họ nên sử dụng tiền để giúp đỡ những người dễ bị tổn thương và tập trung vào các khoản đầu tư năng lượng xanh.

Chính thời tiết ấm áp bất thường đã đem lại cho châu Âu khoảng thời gian nghỉ lấy sức. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ càng trở nên gay gắt hơn khi khủng hoảng năng lượng qua đi.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chau-au-gap-van-may-khong-tuong-trong-cuoc-khung-hoang-nang-luong-2023112151433466.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/