Châu Âu buông tay, châu Á sẽ trở thành thị trường chủ lực của dầu thô Nga

Ông Dan Yergin, Phó Chủ tịch S&P Global, dự đoán châu Âu sẽ trở thành thị trường chủ lực của dầu thô của Nga, sau khi lĩnh vực năng lượng của nước này bị phương Tây cấm vận.

Thị trường chủ lực mới của dầu thô Nga

Kể từ khi quân đội Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2, giá dầu thô thế giới đã bật tăng mạnh mẽ do lo ngại đứt gãy nguồn cung. Điều này đang gây áp lực lớn lên các nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.

Sau đó, Mỹ và Anh tuyên bố cấm nhập khẩu dầu thô của Nga. Dưới tác động của các lệnh cấm vận mà phương Tây giáng xuống, xuất khẩu dầu qua đường biển của Nga sụp đổ vì doanh nghiệp phương Tây sợ sự phản đối của công chúng.

Ngoài ra, khách mua cũng đối mặt với rắc rối tài chính và vấn đề logistics vì các ngân hàng đã cẩn trọng cắt tín dụng, chủ tàu không mua được bảo hiểm và chi phí vận chuyển leo thang.

Hơn nữa, mỗi lần lệnh trừng phạt được chỉnh sửa, doanh nghiệp phải nghiên cứu hàng trăm trang tài liệu pháp lý, khiến các thương vụ với Nga trở nên phức tạp hơn, công ty luật Holland & Knight cho biết.

Kết quả là dầu thô urals của Nga đang được giao dịch với mức giảm giá khoảng 30 USD/thùng nhưng vẫn ế khách. Một thương nhân dự đoán giá sẽ được chiết khấu đến 40 USD/thùng trong vòng một tuần.

Trái lại, giá dầu của các nước xuất khẩu năng lượng lớn khác lại tăng vọt lên mức chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ. So với cùng kỳ năm trước, giá “vàng đen” hiện nay đã cao hơn 80% và cực kỳ biến động kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu.

 Công nhân đi ngang qua các thùng dầu tại một trạm nạp ở thành phố Chennai, Ấn Độ. (Ảnh: AFP).

Trong bối cảnh giá dầu của Nga rẻ một cách hấp dẫn như vậy, hai nhà nhập khẩu dầu hàng đầu Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có động lực để mua thêm hàng. Chưa kể, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi với Moscow cũng khá bền chặt.

Chia sẻ với CNBC, ông Dan Yergin - Phó Chủ tịch S&P Global, cho hay: “Có vẻ như châu Á sẽ là thị trường chủ lực của dầu thô Nga, trong khi trước kia các sản phẩm của Nga thường tập trung về châu Âu”.

Vị chuyên gia nói thêm: “Tôi đã từng chia sẻ cách đây 5 tuần rằng Nga là một siêu cường quốc về năng lượng. Tôi nghĩ nước này vẫn sẽ là một nhân tố quan trọng trên thị trường, nhưng vị thế có giảm một chút so với trong quá khứ”.

Sự thèm muốn của Ấn Độ đối với dầu thô của Nga

Thông thường, Ấn Độ sẽ mua dầu thô từ Iraq, Arab Saudi, UAE và Nigeria, nhưng các nước này đều đã điều chỉnh giá bán cao hơn trong bối cảnh thị trường năng lượng bùng nổ. Các nguồn tin của CNBC cho biết lượng dầu thô mà Nga giao đến Ấn Độ đã gia tăng đáng kể kể từ đầu tháng 3.

“Như bạn đã biết, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 85% lượng dầu tiêu thụ trong nước. Do đó, nền kinh tế đất nước Nam Á đang đối mặt với một cú sốc khủng khiếp khi giá dầu bật tăng chóng mặt”, ông Yergin cho hay.

“Ấn Độ đang thảo luận với Nga về việc mua thêm dầu với mức chiết khấu cao, nhưng cần một hệ thống logistics phức tạp để vận chuyển 100 triệu thùng dầu mỗi ngày trên khắp thế giới. Định hình lại chuỗi cung ứng không phải chuyện dễ dàng”, Phó Chủ tịch S&P Global bày tỏ.

 

Ít nhất là trong ngắn hạn, Ấn Độ khó có thể mua nhiều dầu thô của Nga. Gần một nửa dầu nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Trung Đông. Vì vận chuyển từ Vùng Vịnh rẻ hơn rất nhiều nên mức chiết khấu của dầu urals phải tăng thêm nữa thì Ấn Độ mới mua nhiều hơn.

Ngoài ra, việc thanh toán hiện không thể được thực hiện bằng đồng USD nên Ấn Độ sẽ phải thử nghiệm với cơ chế đồng ruble - rupee. Điều này có thể gây ra một chút khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu dầu của hai bên.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/chau-au-buong-tay-chau-a-se-tro-thanh-thi-truong-chu-luc-cua-dau-tho-nga-2022331224011562.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/