CEO Vĩnh Hoàn: Mục tiêu cuối cùng của marketing là để tăng giá bán sản phẩm

Theo các chuyên gia, xây dựng thành công thương hiệu thủy sản sẽ giúp nâng giá thành sản phẩm tiệm cận với chất lượng và kỳ vọng của doanh nghiệp nhưng đây là bước đi dài đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải có tính toán riêng.

Trong thời gian qua, dù là mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ đô, tuy nhiên, việc chưa xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc gia đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của các ngành hàng này.  

Tại hội thảo Thương hiệu cho thủy sản Việt diễn ra sáng 25/8, một vấn đề được đưa ra bàn luận đó là vì sao một sản phẩm chất lượng tốt tương ứng với giá thành cao nhưng lại gặp rào cản trong việc khó thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn.

Trả lời vấn đề này, bà Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC), cho rằng marketing chính là mục tiêu cuối cùng để tăng giá bán và giúp doanh nghiệp bán được số lượng sản phẩm nhiều hơn. 

"Câu chuyện làm sao để người tiêu dùng chấp nhận trả mức giá cao hơn, xứng đáng hơn và bền vững hơn, đồng thời phải duy trì liên tục sự lựa chọn này với sản phẩm, thì đó nằm ở khả năng cạnh tranh với đối thủ, cách xây dựng thương hiệu làm sao để được nhận diện tốt hơn để người tiêu dùng "trung thành" hơn và đây sẽ là bước đi dài đối với mỗi doanh nghiệp".

  Bà Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn (Ảnh: Như Huỳnh)

Theo bà Tâm, cá tra rất thuận lợi trong việc marketing, xây dựng thương hiệu và sự thuận lợi đó nằm ở ngay bản thân sản phẩm bởi đây là loài cá được đánh giá là sinh ra để nuôi trồng bền vững và khi trở thành sản phẩm cũng mang nhiều đặc tính nổi trội như cá phile thịt trắng không xương, không nặng mùi thủy sản, giá cả hợp lý, được nuôi trồng theo tiêu chuẩn bền vững của quốc tế.  

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dẫn chứng: "Ở Pháp, vì sao hai con hàu nuôi cạnh nhau nhưng một con bán 25 euro, một con lại bán 3 euro. Câu trả lời nằm ở marketing. Marketing đã tạo ra 22 euro cho cùng một sản phẩm".

Ở góc độ doanh nghiệp chuyên về truyền thông, ông Lê Quốc Vinh, chủ tịch HĐQT Lê Group, cho rằng không chỉ ở ngành thủy sản, sản phẩm Việt Nam nói chung thường bị coi là giá rẻ, đây là một "nỗi đau" và "nỗi đau" còn lớn hơn nhiều khi giá rẻ lại bị coi là không tốt và vì thế không được người tiêu dùng chọn mua. 

 Các diễn giả thảo luận các vấn dề tại hội thảo Thương hiệu thủy sản Việt sáng ngày 25/8. (Ảnh: Như Huỳnh)

"Bài toán của chúng ta là nâng giá lên phù hợp với kỳ vọng, đây là mục tiêu kinh doanh, marketing và doanh nghiệp cần phải tìm cách tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, giá trị cảm xúc cho người tiêu dùng để đẩy giá thành lên cao, thay vì hạ giá xuống. Hạ giá chính là con đường đi xuống "địa ngục" với doanh nghiệp", ông Vinh chia sẻ.

Cũng theo vị này, mặc dù ngành thủy sản Việt Nam đứng hàng top đầu thế giới nhưng vấn đề là làm thế nào để người tiêu dùng các nước không chỉ biết đến thủy sản Việt Nam về mặt khối lượng lớn mà còn phải có một cảm xúc tích cực, yêu thích sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Hiện nay ngành hàng cũng có nhiều thương hiệu lớn và bản thân các thương hiệu này sẽ đóng góp cho thương hiệu thủy sản toàn ngành và việc xây dựng này cần đạt nhiều mục tiêu.

Thứ nhất, cần tạo ra sự nhận diện bằng việc thu hút sự chú ý của công chúng qua những tin túc mới. Tiếp đến là gia tăng sự trung thành của khách hàng, làm cho khách hàng quay trở lại tự động bằng cách tạo ra sự trung thành không cần lý do; mở rộng thị trường, phát triển doanh số và cuối cùng khi sản phẩm càng mạnh, khách hàng càng tin tưởng thì việc ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới sẽ dễ dàng hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ceo-vinh-hoan-muc-tieu-cuoi-cung-cua-marketing-la-de-tang-gia-ban-san-pham-2022825161750806.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/