Câu chuyện về hai chiến trường tại Ukraine

Cuộc xung đột tại Ukraine sắp bước sang tháng thứ 3 nhưng Nga vẫn chưa đạt được những mục tiêu đã đặt ra, và tại nhiều khu vực, tiền tuyến dường như đang trở nên tĩnh lặng.

Theo CNN, sau nhiều tuần bắn phá, tuyến phòng thủ của Ukraine tại phía đông cũng đã dần bị tiêu hao. Nga bổ sung lực lượng để kiểm soát vùng Luhansk và Donetsk còn Ukraine đang cố gắng ngăn chặn và cắt đứt các cuộc tấn công.

Tại miền đông, ranh giới tự nhiên tạo bởi một con sông đã ảnh hưởng tới tiến độ của cả hai bên. Trong khi đó ở miền nam, Nga đã chiếm được một số phần lãnh thổ, đa số trong những ngày đầu của chiến dịch và Moscow đang cố gắng củng cố những khu vực này. 

Một quan chức Ukraine cho biết: “Nga không hề thay đổi chiến thuật. Họ phá hủy các thành phố rồi sau đó mới tiến quân”. 

Theo các quan chức Mỹ, Nga vẫn có gần 100 tiểu đoàn chiến thuật (BTG) tại Ukraine, và 20 tiểu đoàn ở bên kia biên giới. Mỗi BTG có khoảng 1.000 binh sĩ, nhưng Washington đánh giá rằng sức chiến đấu của nhiều tiểu đoàn đã yếu đi sau hai tháng xung đột. 

Chiến trường phía đông

Tại Luhansk và Donetsk, một trong những mục tiêu chính của chiến dịch quân sự, chưa có thành phố nào ngoại trừ Mariupol rơi vào tay Nga. Tuy nhiên, sau vài tuần pháo kích dữ dội, một loạt các thành phố bao gồm Severodonetsk và Rubizhne có thể là nạn nhân tiếp theo. 

Nga đang tạo thế gọng kìm từ hướng Popasna và Rubizhne, đe dọa tới Severodonetsk.

Dường như sự kháng cự của Ukraine tại Rubizhne đã kết thúc. Mất đi Rubizhne khiến cho Severodonetsk với khoảng 15.000 người vẫn còn đang trú ẩn gặp nguy hiểm. Nếu thất bại tại khu vực này, lực lượng Ukraine sẽ phải chuyển về một phòng tuyến mới.

Cuộc tấn công của Nga tại phía bắc không được thành công như tại hướng đông. Đây cũng chính là nơi có con sông Siverskyi Donets chảy qua. Dòng sông bắt đầu từ Nga và đi qua lãnh thổ Ukraine, tạo thành những đầm lầy, bãi bồi và hồ móng ngựa, cắt qua các vách đá phấn. Những đặc điểm địa lý trên khiến con sông trở thành cơn ác mộng cho bất cứ cuộc tấn công nào.

Hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái cho thấy Ukraine đã phá hủy ít nhất hai cầu phao trong 24 giờ qua. (Ảnh: CNN).

Nga đã cố và dường như thất bại trong việc xây dựng vài cầu phao qua sông nhằm bao vây quân đội Ukraine. Hình ảnh vệ tinh được CNN phân tích cho thấy ít nhất ba cầu phao đã bị phá hủy và lực lượng Nga phải chịu tổn thất nặng nề.

Lực lượng Nga bị tiêu diệt khi đang cố gắng vượt sông. (Ảnh: CNN).

Xa hơn về phía tây, có vẻ như Nga đã thành công trong việc vượt sông, tuy nhiên còn quá sớm để biết lực lượng qua sông có đủ quân số và duy trì được hay không. Kể từ khi chiếm được Izyum, Nga không có nhiều tiến bộ mặc dù đã kéo dãn đội hình của Ukraine. Mục tiêu chiến lược của Moscow là thành phố Sloviansk vẫn đang được phòng thủ kiên cố.

Để có thể duy trì tấn công vào khu vực này, quân đội Nga vận chuyển quân nhu từ bên kia biên giới. Tuyến tiếp tế chạy từ Belgorod tới giao lộ đường sắt quan trọng của Ukraine là thành phố Kupiansk và xa hơn về phía nam.

Lực lượng Ukraine dường như quyết tâm phá vỡ tuyến vận chuyển này, đồng thời cũng đạt được tiến bộ trong việc chiếm lại lãnh thổ phía bắc và đông Kharkiv. Những nỗ lực này đã giảm hỏa lực tấn công lên thành phố cũng như đẩy những tuyến đường tiếp tế từ Nga vào trong tầm ngắm của pháo binh.

Đoạn video do CNN xác thực cho thấy một số xe tăng T90M tối tân của Nga đã bị phá hủy khi các đơn vị Ukraine tiến về phía đông Siverskyi Donets. Hiện phía Kiev đã kiểm soát thị trấn Staryi Saltiv, theo một nhóm phóng viên CNN có mặt ở thị trấn hoang vắng hôm 12/5.

Nhưng cuộc phản công của Ukraine đã khiến quân Nga phải kéo một số đơn vị về để bảo vệ sườn phía tây và đưa khoảng 20 tiểu đoàn về Belgorod.

Ông Mick Ryan, cựu thiếu tướng Mỹ nói, Ukraine "đã đặt các chỉ huy Nga vào 'tình thế tiến thoái lưỡng nan' khi họ dần cạn kiệt sức chiến đấu ở phía đông".

Nhưng ông Ryan không mong đợi một cuộc tấn công tham vọng hơn của Ukraine vì sẽ làm tiêu hao các nguồn lực vốn đã cạn kiệt. "Ukraine có thể sẽ tiếp tục 'gặm nhấm' Nga để giành lại lãnh thổ, thay vì một cuộc tổng tấn công trên tất cả các mặt trận" ông viết trên Twitter.

Chiếc cầu phao thứ hai bị phá hủy bởi pháo binh Ukraine. (Ảnh: CNN).

Sự tĩnh lặng tại miền nam

Bức tranh chiến trường trở nên tĩnh lặng hơn ở phía Nam, nơi tiền tuyến có rất ít sự thay đổi. Nga vẫn kiểm soát một vành đai đáng kể đất nông nghiệp ở các vùng Kherson và Zaporizhzhia, nhưng những nỗ lực của Moscow nhằm tiến xa hơn về phía bắc diễn ra lẻ tẻ. 

Ở Kherson, tình trạng bất ổn đã lắng xuống, một phần do khoảng 45% dân số đã rời đi. Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào Odessa và các khu vực ven biển khác.

Bất kỳ nỗ lực nào để tấn công thành phố Odessa từ đất liền hoặc trên biển đều có vẻ rất viển vông, đặc biệt là kể từ sau vụ đánh chìm tàu ​​tuần dương mang tên lửa hành trình Moskva của Nga.

Tình báo Mỹ đánh giá thấp kịch bản Nga sẽ cố gắng chiếm toàn bộ bờ biển của Ukraine. Một chiến dịch như vậy sẽ đòi hỏi Moscow phải tiến hành tổng động viên, điều mà Tổng thống Putin cho đến nay vẫn chưa ra lệnh.

Chiến trường Ukraine ở  phía nam không có quá nhiều chuyển biến.

Thay vào đó, người Nga dường như có ý định củng cố quyền kiểm soát đối với hành lang trên bộ chạy từ biên giới đến Crimea và "hòa nhập" Kherson vào "thế giới Nga" bằng cách giới thiệu hộ chiếu Nga, đồng rúp và dựng lên một chính quyền thân Nga.

Tuy nhiên, những khu vực mà Nga kiểm soát đang phải chịu những điều kiện khắc nghiệt, y tế và các tiện ích khác bị suy giảm nghiêm trọng. 

Cuộc chiến tiêu hao

Một cuộc chiến tranh tiêu hao nhiều khả năng sẽ xảy ra khi vũ khí do Mỹ và các đồng minh cung cấp đang làm thay đổi cán cân sức mạnh. 

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, ông Avril Haines, cho biết trong tuần này rằng "vì cả Nga và Ukraine đều tin rằng mình có thể tiếp tục đạt được tiến bộ về mặt quân sự, Washington không thấy một con đường đàm phán khả thi nào ở phía trước, ít nhất là trong ngắn hạn".

"Tính chất không chắc chắn đang khiến xung đột Ukraine trở thành một cuộc chiến tiêu hao", ông nói thêm.

Rủi ro lớn nhất với Kiev là một cuộc chiến dài hơi bởi Nga có đủ khả năng để duy trì các mặt trận như hiện nay. Cuộc chiến kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Ukraine, vốn được Ngân hàng Thế giới dự đoán sẽ giảm 45% trong năm 2022.

Hỗ trợ của Phương Tây cho Ukraine bằng tiền mặt và vũ khí cũng có thể suy yếu nếu xung đột rơi vào tình trạng đình trệ. Cuộc chiến tại Syria gần đây là một ví dụ.

Thời điểm quan trọng đang đến gần, quyết định sai lầm của một trong hai bên có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới cục diện chiến trường. Theo lời của chiến lược gia Trung Quốc Tôn Tử: "Cơ hội để bảo vệ mình trước thất bại nằm trong tay chúng ta, nhưng cơ hội đánh bại kẻ thù là do kẻ thù tự cung cấp."

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cau-chuyen-ve-hai-chien-truong-tai-ukraine--202251485926959.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/