Cẩn trọng rủi ro tín dụng ở các ngân hàng yếu kém và bộ đệm trích lập dự phòng mỏng

Các chuyên gia SSI tiếp tục cận trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng; mặt khác, kỳ vọng các ngân hàng mạnh hơn hiện có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu.

Trong báo cáo về ngành ngân hàng vừa công bố, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) tiếp tục giữ quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém và/hoặc các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng.

Nhóm phân tích cho rằng bởi theo Thông tư 16/2021, kể từ ngày 15/1/2022, các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản vay có vấn đề/quá hạn. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty trong việc thay thế các khoản nợ xấu bằng trái phiếu mới phát hành.

Ngoài ra, việc tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14 dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30/6/2022, sau đó số liệu nợ xấu thực sự sẽ được hé lộ tại các ngân hàng.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng của những ngân hàng đã trích lập dự phòng trước và/hoặc trích lập đầy đủ các khoản cho vay tái cơ cấu như Vietcombank, ACB, MB, VietinBank và Techcombank. Quan điểm của SSI Research được dựa trên những luận điểm sau.

Thứ nhất là về sự khác biệt rõ rệt về số liệu tài sản có vấn đề. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Việt Nam nghiêm trọng hơn những đợt trước do năng lực tài chính của người vay yếu hơn. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu được công bố, VAMC và các khoản cho vay tái cơ cấu chiếm 7,3% tổng dư nợ vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, ước tính tại các ngân hàng SSI Research nghiên cứu, con số này giao động khoảng 3,5% đến 4% vào cuối năm. 7 trong số 14 ngân hàng được nghiên cứu có con số này dưới 3%. 

Điều này cho thấy có sự khác biệt đáng kể trong hồ sơ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết trong phạm vi nghiên cứu so với các ngân hàng cấp 3.

Thứ hai đó là bộ đệm rủi ro đã được xây dựng trong 2 năm qua tại các ngân hàng mạnh hơn. Tại thời điểm cuối quý III/2021, tỷ lệ trích lập dự phòng tại các ngân hàng nghiên cứu là 125%, cao hơn gấp đôi so với 13 ngân hàng niêm yết còn lại (62%). Nếu tính đến trái phiếu VAMC, tỷ lệ này có sự phân hóa lớn hơn, là 98% so với 36%. 

Tổng trích lập dự phòng của các ngân hàng nghiên cứu chiếm 67,2% tổng số nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu. Con số này cao hơn ở Vietcombank (133%), ACB (101%), MB (91%), VietinBank (75%) và Techcombank (73%).

SSI Research: Cẩn trọng rủi ro tín dụng ở các ngân hàng yếu kém và bộ đệm trích lập dự phòng mỏng - Ảnh 1.

Yếu tố thứ ba là cơ cấu vốn đã dần được cải thiện tại các ngân hàng hàng đầu. Hầu hết các ngân hàng được SSI Research nghiên cứu đã tuân thủ Basel II, và một số ngân hàng đang theo đuổi Basel III. Ngoại trừ VietinBank và BIDV, tất cả các ngân hàng được nghiên cứu đều có hệ số an toàn vốn (CAR) trên 10%.

Trong năm 2022, SSI Research kỳ vọng vấn đề vốn hóa của BIDV sẽ được giải quyết một phần thông qua đợt phát hành riêng lẻ sắp tới. Đồng thời, cũng kỳ vọng VietinBank sẽ có sự cải thiện từ số tiền thu được từ thương vụ bancassurance độc quyền, cũng như việc thoái vốn tại một số công ty con. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tài sản có vấn đề đã cải thiện từ 2,2x trong năm 2016 lên 7,35x trong năm 2021 (so với 4x đối với các ngân hàng niêm yết còn lại). Nếu giả định toàn bộ các khoản vay tái cơ cấu là tài sản có vấn đề, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 3,7x, vẫn cao hơn so với năm 2018.

SSI Research: Cẩn trọng rủi ro tín dụng ở các ngân hàng yếu kém và bộ đệm trích lập dự phòng mỏng - Ảnh 2.

Thứ tư, SSI Research cho rằng tỷ lệ thu hồi các khoản cho vay tái cơ cấu sẽ đi theo sự phục hồi của nền kinh tế. Nếu mọi thứ xảy ra theo kịch bản cơ sở, trong đó việc mở cửa lại hoàn toàn sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2022 mà không có thêm bất kỳ đợt giãn cách nghiêm ngặt nào, nhóm phân tích kỳ vọng vào sự hồi phục hợp lý của các khoản vay tái cơ cấu. 

Tỷ trọng các khoản cho vay bán lẻ trong tổng dư nợ tái cơ cấu dao động từ 1 - 96% đối với các ngân hàng được nghiên cứu. SSI Research hiểu rằng điều này có nghĩa là tỷ lệ % càng cao, tỷ lệ phục hồi càng tốt. 

Song, đối với cơ cấu ngành, ngành du lịch và hàng không (chiếm 2,1% tổng dư nợ) có thể mất nhiều thời gian hơn để trở lại trạng thái thanh toán bình thường.

Cuối cùng, SSI Research cho rằng rủi ro giảm giá trị tài sản thế chấp chưa cao trong năm 2022. Giá nhà sụt giảm sẽ là rủi ro chính cần theo dõi trong trung hạn vì khoảng 60% tài sản thế chấp tại các ngân hàng là bất động sản. 

Tuy nhiên, nhóm phân tích kỳ vọng thị trường nhà ở sẽ vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng trong 2022 do lãi suất cho vay mua nhà vẫn ở mức thuận lợi. Theo đó, giá nhà và đất được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. 

Tỷ lệ tài sản đảm bảo là nhà ở trên tổng tín dụng dao động từ 85% đến 188% tại các ngân hàng được nghiên cứu. Đứng đầu danh sách gồm có ACB (188%), Vietinbank (168%) và Sacombank (166%).

Ngoài ra, các chuyên gia cũng không loại trừ khả năng Thông tư 14 có thể tiếp tục được gia hạn. Đối với các nước trong khu vực, thời hạn tái cơ cấu nợ thường kết thúc vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, dù Thông tư 14 có được gia hạn hay không, SSI Research vẫn kỳ vọng các ngân hàng mạnh hơn hiện có đủ năng lực để xử lý rủi ro nợ xấu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/can-trong-rui-ro-tin-dung-o-cac-ngan-hang-yeu-kem-va-bo-dem-trich-lap-du-phong-mong-20220106221457332.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/