Các ông lớn bất động sản Trung Quốc chuyển sang nuôi heo

Chăn nuôi và buôn bán thịt heo không chỉ giúp doanh nghiệp bất động sản kiếm lời mà còn là một cách để lấy lòng chính phủ Trung Quốc.

Khó bán nhà, các ông lớn bất động sản Trung Quốc chuyển sang nuôi lợn - Ảnh 1.

Nhu cầu thịt heo của người Trung Quốc là rất lớn. Ảnh: AFP

Trong tháng này, China Vanke – công ty xây dựng nhà ở lớn thứ ba của Trung Quốc đã công bố kế hoạch tuyển dụng một nhà quản lí trang trại heo dày dặn kinh nghiệm. Đây hoàn không phải một mánh lới nhằm gây sự chú ý. Vanke thực sự nhắm đến việc nuôi heo – khoảng 250.000 con mỗi năm.

Đầu tư vào trang trại heo có vẻ là một cách đa dạng hóa hoạt động kinh doanh kì lạ đối với một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng. Nhưng trong bối cảnh thị trường nhà đất đóng băng, nhu cầu lớn mà người Trung Quốc dành cho nguồn thực phẩm ưa thích đang ngày càng hấp dẫn các doanh nghiệp vốn không liên quan gì đến lĩnh vực chăn nuôi.

Nhưng cũng giống như nhiều trường hợp trong thị trường bất động sản tại Trung Quốc, mọi việc không thể được đánh giá bằng vẻ ngoài.

Theo Bloomberg, từ trước khi COVID-19 bùng phát, các nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc cũng đang phải chật vật giữa gánh nặng nợ nần và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. COVID-19 đã khiến tình hình càng trở nên khó khăn hơn: Trong hai tháng đầu năm 2020, doanh thu bán nhà ròng giảm 35%, 105 doanh nghiệp doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ phá sản.

Đến tháng 3, Chủ tịch Vanke thẳng thắn tuyên bố công ty sẽ phải nỗ lực thực sự để sống sót. Vanke cảnh báo công ty sẽ phải hoãn bàn giao 39.000 nhà ở do quá trình xây dựng bị gián đoạn. Vài tuần sau, Vanke bắt đầu tìm kiếm các nông dân chăn nuôi heo đủ tiêu chuẩn.

Nếu tạm thời bỏ qua việc Vanke là một nhà phát triển bất động sản, thì có thể thấy được quyết định của Vanke không hoàn toàn là vô lí. 

Người tiêu dùng Trung Quốc tiêu thụ khoảng một nửa số thịt heo trên toàn thế giới mỗi năm. thịt heo là thực phẩm thiết yếu với Trung Quốc đến mức chính phủ nước này phải duy trì kho dự trữ chiến lược. Và kể từ khi dịch tả heo châu Phi bùng phát vào năm 2018 và giết chết 60% đàn gia súc của Trung Quốc, giá thịt heo đã tăng phi mã.

Người tiêu dùng chịu thiệt hại, nhưng các doanh nghiệp sản xuất thịt heo lớn nhất Trung Quốc lại được lợi lớn. Từ tháng 8/2018 cho đến tháng 3/2020, giá cổ phiếu Muyuan Foodstuff – công ty sản xuất thịt heo lớn thứ hai của Trung Quốc – tăng vọt 345%.

Hiện vốn hóa thị trường các doanh nghiệp sản xuất thịt heo lớn nhất Trung Quốc đang dần bắt kịp với các doanh nghiệp phát triển bất sản hàng đầu nước này. 

Chính phủ ủng hộ các ông lớn nuôi heo

Doanh nghiệp Trung Quốc còn có "truyền thống" đầu tư lớn vào các ngành nghề hoàn toàn không liên quan gì đến lĩnh vực kinh doanh chính của họ. Một số doanh nghiệp bỏ ra số tiền lớn đến mức đã tự hủy hoại bản thân.

Trong nhiều trường hợp, các khoản đầu tư này bị chi phối bởi chính sách của chính phủ. Ví dụ vào năm 2018, China Evergrande Group – một tập đoàn phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc – đã thành lập một bộ phận kinh doanh xe điện tốn kém với hi vọng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp hào phóng của chính phủ. 

thịt heo không phải là ngành kinh doanh hào nhoáng như xe điện nhưng cũng thu hút được sự quan tâm của chính phủ. Trong trường hợp này, các quan chức Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ các các trang trại qui mô nhỏ đang thống trị toàn ngành chăn nuôi.

Các trang trại nhỏ có vai trò lớn trong những bê bối liên quan đến thịt heo ở Trung Quốc, ví dụ như vụ thả heo chết trôi sông Hoàng Phố năm 2013.

Chính phủ Trung Quốc muốn hình thành các trang trại lớn, được quản lí bởi doanh nghiệp để dễ kiểm soát và đảm bảo an toàn thực phẩm. Còn đối với Vanke, một khoản đầu tư tương đối nhỏ theo ý muốn của chính phủ được cho là sẽ giúp công ty bôi trơn quá trình xin cấp phép cho các dự án bất động sản tương lai.

Doanh nghiệp Trung Quốc từ lâu đã khôn khéo bắt nhịp xu hướng này. Năm 2009, công ty trò chơi điện tử khổng lồ NetEase đã tham gia vào ngành kinh doanh heo. Hiện tại, NetEase đang vận hành ba trang trại công nghệ cao. CEO NetEase thường xuyên quảng bá phương thức chăn nuôi thân thiện với môi trường của công ty.

Gần đây, hai ông lớn Alibaba Group Holding và JD.com đang tìm cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các trang trại heo.

Khác với NetEase, Vanke thẳng thắng thừa nhận mảng kinh doanh trang trại heo sẽ ưu tiên cho việc kiếm tiền hơn là để phục vụ công chúng. Vanke không phải là trường hợp duy nhất. Hai trong số những đối thủ lớn nhất của Vanke trong lĩnh vực bất động sản - Country Garden Holdings và China Evergrande – mới đây cũng đã tham gia kinh doanh thịt heo.

Vẫn còn quá sớm để đánh giá xem liệu những kẻ "ngoại đạo" này có thể cải thiện hàng triệu trang trại chăn nuôi heo qui mô nhỏ của Trung Quốc hay không. Nhiều khả năng các công ty này sẽ đấu đá lẫn nhau cho đến khi thị trường bất động sản hồi phục, để rồi lại tiếp tục bán nhà thay vì bán thịt heo.

Đây không phải là một kết cục tồi. Trung Quốc rất cần đầu tư để cải thiện nguồn cung ứng thực phẩm. Nếu các nhà phát triển bất động sản sẵn lòng cung cấp số vốn này, tất cả mọi người đều được hưởng lợi.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-ong-lon-bat-dong-san-trung-quoc-chuyen-sang-nuoi-heo-20200520121141603.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/