Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc giành thêm thị phần nội địa khi thị trường có dấu hiệu đi xuống

Các thương hiệu xe sản xuất Trung Quốc đã tăng thị phần nội địa lên 43,1% trong tháng 7 từ mức 36,5% sau nửa năm trong bối cảnh khan hiếm chip toàn cầu.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã bán được nhiều xe hơn và giành được nhiều thị phần hơn từ các đối thủ trên sân nhà trong nửa đầu năm nay bằng cách áp dụng quản lý chuỗi cung ứng linh hoạt để tránh tình trạng thiếu chip trầm trọng đang gây ra trong ngành, SCMP nhận định.

Theo tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch, thị phần của các thương hiệu xe Trung Quốc đã tăng lên 43,1% trong tháng 7/2021, tương đương với mức bán ra 6 triệu chiếc.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ra sao trước khủng hoảng thiếu chip? - Ảnh 1.

Các nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy ô tô Hefei Changan ở Hợp Phì, phía đông tỉnh An Huy vào tháng 2 năm 2021. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Sự thiếu hụt toàn cầu về chất bán dẫn được sử dụng trong ô tô kể từ cuối năm 2020 đã ảnh hưởng đến tất cả các nhà lắp ráp lớn, khi các nhà máy cố gắng bắt kịp nhu cầu vào thời điểm nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại vào đầu năm nay khi đại dịch dần lắng xuống. Số liệu công bố cho thấy Trung Quốc đã chi 38 tỷ USD trong tháng 6 để nhập khẩu 51,9 tỷ thiết bị bán dẫn.

Peter Chen, một kỹ sư của công ty linh kiện xe hơi ZF TRW ở Thượng Hải cho biết: "Các công ty nội địa của Trung Quốc tỏ ra linh hoạt hơn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng thiếu chip. Họ đã lên kế hoạch trước để đảm bảo nguồn cung chip nhiều hơn khi thị trường xe hơi Trung Quốc phục hồi sau đợt bùng phát COVID-19 vào giữa năm ngoái".

Các nhà sản xuất ô tô điện và ô tô truyền thống tiêu thụ khối lượng lớn vi điều khiển để điều khiển động cơ và trong các hệ thống điện tử. Chip hiện là một thành phần quan trọng trong việc chế tạo một chiếc xe khi tốc độ điện khí hóa và kỹ thuật số hóa ngày càng nhanh.

Tuy nhiên, thị trường ô tô Trung Quốc đã có một bước lùi vào tháng 7 do sự bùng phát trở lại của các trường hợp nhiễm COVID-19 tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung chip. Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, lượng bán ra đã giảm 6,2% xuống 1,5 triệu chiếc so với cùng kì năm trước và giảm 4,9% so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, Fitch cho biết các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã tìm nguồn cung thay thế và giảm sử dụng chip để giúp duy trì doanh số bán hàng tăng cao trong khi cải thiện tỷ suất lợi nhuận của họ. SAIC, Great Wall và Changan Auto đã bán ra 640.000 chiếc, tương đương 20% so với một năm trước, dữ liệu từ hiệp hội cho thấy.

Hai lãnh đạo của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cho biết các công ty đã phân bổ chất bán dẫn cho các mẫu xe bán chạy nhất của họ và giảm mức sử dụng ở các mẫu xe cơ bản để đảm bảo rằng doanh số của họ sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong khi đó, sản lượng của các nhà sản xuất ô tô liên doanh giữa Trung Quốc và nước ngoài có chiều hướng giảm. Ví dụ, doanh số của SAIC-Volkswagen giảm 7,8% xuống còn 532.400 chiếc trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ.

Fitch cho biết thêm, tỷ suất lợi nhuận ròng của nhiều thương hiệu liên doanh đã thu hẹp xuống dưới 5% trong nửa đầu năm. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu như General Motors (GM) và Ford cũng đã bố trí lại việc sản xuất trên toàn thế giới do tình trạng thiếu chất bán dẫn.

Cụ thể, GM cho biết công ty đã ngừng hoạt động hai nhà máy chính sản xuất xe bán tải ở bang Indiana thuộc vùng Trung Tây nước Mỹ và ở thành phố Silao thuộc Mexico. Sản lượng GM tại Bắc Mỹ giảm khoảng 325.000 xe  trong nửa đầu năm vì thiếu chip. Bên cạnh đó, vào tháng 4, Ford cho biết họ dự kiến sản lượng sẽ giảm 1,1 triệu chiếc trong năm nay do nguồn cung chip bị siết chặt.

Bắc Kinh đã công bố hướng dẫn chính sách về sản xuất chip ô tô vào ngày 3 tháng 9, cam kết đơn giản hóa và rút ngắn quy trình sửa đổi các thông số liên quan đến chip, một động thái nhằm giảm bớt tắc nghẽn trong sản xuất đối với ngành công nghiệp ô tô.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-nha-san-xuat-o-to-trung-quoc-gianh-them-thi-phan-noi-dia-khi-thi-truong-co-dau-hieu-di-xuong-20210910115653942.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/