Các nhà máy luyện kim châu Âu thiếu điện trầm trọng, phải đối mặt với 'cuộc khủng hoảng mang tính sống còn'

Tại châu Âu, các ngành công nghiệp thâm dụng điện năng như luyện nhôm đang khẩn thiết kêu gọi sự giúp đỡ của chính phủ. Nếu không, nhà máy sẽ phải đóng cửa hàng loạt và sức cạnh tranh của châu Âu trong lĩnh vực công nghiệp toàn cầu sẽ sụt giảm đáng kể.

Hiện trạng gây sốc

Trong ngành công nghiệp nhôm, đóng cửa một lò luyện luôn là quyết định khó khăn. Một khi nguồn điện bị cắt và thiết bị trong lò luyện trở về nhiệt độ phòng, nhà sản xuất có thể phải mất nhiều tháng và hàng chục triệu USD để vận hành lò luyện trở lại.

Tuy nhiên, hãng nhôm Norsk Hydro ASA đang chuẩn bị đóng cửa một cơ sở lớn ở Slovakia. Và đó không phải là trường hợp duy nhất tại châu Âu.

Theo Bloomberg, hiện sản lượng nhôm của lục địa già đã tụt xuống mức thấp nhất kể từ thập niên 1970 và các chuyên gia trong ngành cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại đang đe doạ xoá xổ nhiều nhà máy luyện nhôm trên cả khu vực.

Các nhà máy luyện nhôm tại châu Âu đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa hàng loạt vì thiếu điện. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Nhôm là kim loại được sử dụng trong nhiều sản phẩm, từ khung xe hơi, lon nước ngọt đến tên lửa đạn đạo.

Nó được sản xuất bằng cách đốt nóng các nguyên liệu thô cho đến khi chúng tan ra, sau đó cho dòng điện chạy qua nồi luyện. Nhìn chung, sản xuất nhôm là một ngành tiêu thụ rất nhiều điện năng.

Bloomberg ước tính, để luyện ra 1 tấn nhôm cần khoảng 15 MWh điện năng - đủ để cung cấp điện cho 5 ngôi nhà ở Đức trong một năm.

 

Một số nhà máy có thể bình an vô sự nhờ nhận được trợ cấp của chính phủ hoặc đã ký kết các hợp đồng mua điện dài hạn hoặc có nguồn cung năng lượng tái tạo riêng. Song, hầu như số còn lại đều phải đối mặt với một tương lai bất ổn.

Ông Mark Hansen - CEO của công ty kinh doanh kim loại Concord Resources, cảnh báo: “Lịch sử đã chứng minh, một khi các lò luyện nhôm biến mất, chúng sẽ không bao giờ quay trở lại”.

“Khi các nhà máy nhôm đóng cửa, vấn đề không chỉ liên quan tới công ăn việc làm. Nhôm là một kim loại cơ bản rất quan trọng, được sử dụng để chế tạo máy bay, vũ khí, phương tiện đi lại và cả máy móc”, ông Hansen nhấn mạnh.

Ngành công nghiệp nhôm châu Âu cho biết họ khẩn thiết cần sự hỗ trợ của chính phủ để tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, bất kỳ biện pháp nào như giới hạn giá cố định để giữ cho các nhà máy hoạt động có thể sẽ khó giải thích với công chúng.

Trong khi đó, giữa lúc nguồn cung điện năng trở nên eo hẹp, người tiêu dùng đã phải chứng kiến hoá đơn tiền điện tăng cao và chịu nguy cơ bị cắt điện vào mùa đông.

CEO Milan Vesely của hãng nhôm Slovalco thúc giục chính phủ các nước nên làm gì đó nếu không muốn phá huỷ ngành công nghiệp nhôm của châu Âu.

“Nếu châu Âu coi nhôm là một kim loại chiến lược, thì các nhà máy luyện nhôm phải được tiếp cận giá điện phải chăng”, vị CEO kêu gọi.

 

Wood Mackenzie ước tính rằng công suất luyện nhôm của châu Âu đã mất khoảng 1 triệu tấn trong năm nay. Nhà nghiên cứu cấp cao Uday Patel của Wood Mackenzie dự đoán khoảng 25% trong số đó có thể biến mất vĩnh viễn.

Mặt khác, cũng theo hãng tư vấn nêu trên, công suất năm 2022 có thể mất thêm 500.000 tấn khác. Wood Mackenzie nhấn mạnh rằng lượng công suất này đang “rất dễ bị tổn thương”.

Công suất của châu Âu sụt giảm hầu như không tác động mấy đến giá nhôm. So với mức đỉnh hồi tháng 3, giá nhôm đã tụt hơn 40% vì nhà giao dịch đang e ngại rằng nhu cầu toàn cầu có thể còn lao dốc nghiêm trọng hơn.

"Khủng hoảng mang tính sống còn"

Cuộc khủng hoảng cũng đang nhanh lan tới các phần khác của chuỗi cung ứng, gây thiệt hại cho các công ty mua nhôm từ lò luyện và biến chúng thành các sản phẩm chuyên dụng, Bloomberg lưu ý.

“Việc các lò luyện nhôm đóng cửa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chúng ta vẫn còn các doanh nghiệp hạ nguồn đang mua nhôm để sản xuất các hàng hoá như lon nước giải khát, ô tô”, ông Michel Van Hoey - đối tác cấp cao tại McKinsey & Co., nhấn mạnh.

Khó khăn của ngành công nghiệp nhôm chỉ là một ví dụ nổi bật về những gì mà các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng tại châu Âu đang phải đối mặt.

Trên khắp lục địa già, các nhà sản xuất phân bón, nhà máy xi măng, nhà máy luyện thép,… cũng đang phải tạm ngừng hoạt động, thay vì phải thanh toán hoá đơn khí đốt và tiền điện cao ngất ngưỡng.

Nếu vấn đề đối với ngành này trở nên nghiêm trọng hơn, vị thế cạnh tranh của châu Âu trong nền công nghiệp toàn cầu sẽ sa sút hơn nữa, đặc biệt là khi so sánh với các đối thủ ở Mỹ và châu Á.

Đáng lo ngại hơn là, các nhà máy có thể không chỉ phải đóng cửa trong mùa đông năm nay. Giá điện năm 2024 và 2025 cũng đang nhảy vọt, đe doạ khả năng tồn tại lâu dài của nhiều ngành công nghiệp.

Việc khởi động lại các nhà máy - vốn có thể mất tới một năm, sẽ chỉ khả thi nếu giá điện rẻ hơn, giá kim loại tăng mạnh và chính phủ tăng cường hỗ trợ.

Ông Paul Voss, Tổng Giám đốc của Hiệp hội Nhôm châu Âu, cảnh báo: “Đây là một cuộc khủng hoảng mang tính sống còn. Chúng ta phải đưa ra giải pháp nhanh chóng, nếu không thì mọi thứ sẽ quá muộn…”

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-nha-may-luyen-kim-chau-au-thieu-dien-tram-trong-phai-doi-mat-voi-cuoc-khung-hoang-mang-tinh-song-con-20229421132612.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/