Các nhà đầu tư chuẩn bị gì khi Mỹ sắp chạm trần nợ công?

Phố Wall đang lo lắng các cuộc thảo luận về việc nới trần nợ công sẽ đi vào bế tắc, và chính phủ Mỹ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.

Theo CNN, chính phủ Mỹ đã chạm tới trần nợ công vào ngày 19/1. Cả Phố Wall lẫn Washington đều hy vọng vào một giải pháp, nhưng đồng thời cũng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Vào năm 2011, các cuộc tranh luận tại Quốc hội về việc có nên cho phép chính phủ liên bang tiếp tục vay tiền hay không đã khiến xếp hạng tín dụng của Mỹ lần đầu tiên bị hạ khỏi mức an toàn nhất AAA. Nước Mỹ cũng suýt chút nữa rơi vào cảnh vỡ nợ. Thị trường và cả nền kinh tế đều bị tổn thương vì sự kiện này.

Điều tương tự cũng đang diễn ra vào năm 2023. Trần nợ, hoặc số tiền tối đa mà chính phủ liên bang được phép vay, được lập ra vào năm 1917. Kể từ Thế chiến II đến nay, giới hạn này đã được tăng, hoặc tạm ngừng 102 lần.

Nợ chính phủ Mỹ chạm trần nợ công vào hôm 19/1.

Giờ đây, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách, cùng với các gói chi tiêu lớn của chính phủ một lần nữa đưa nợ lên gần mức trần. Nhà Trắng mong muốn Quốc hội thông qua việc tăng trần nợ mà không có điều kiện ràng buộc. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa tuyên bố rằng bất kể sự nới trần nợ nào cũng cần phải đi kèm với cắt giảm chi tiêu. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng sự bế tắc này có thể là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung. Bà Gita Gopinath, Phó Tổng Giám đốc của IMF, cho biết nền kinh tế toàn cầu, vốn đã bị tàn phá bởi lạm phát, lãi suất cao, hỗn loạn địa chính trị và suy thoái, không nên chịu thêm một khủng hoảng khác.

“Đã có đủ sự không chắc chắn và những rủi ro”, bà Gopinath nói với Bloomberg. “Mỹ và thế giới không nên đối mặt thêm rủi ro nữa”. Những cảnh báo của bà được đưa ra sau khi một lá thư từ Bộ trưởng Janet Yellen cho biết Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp đặc biệt để tài trợ cho chính phủ trong vài tháng tới.

 

Sự lo lắng của Phố Wall

Sự bế tắc làm tăng rủi ro cho các nhà đầu tư. Mối nguy lớn nhất là khả năng chính phủ Mỹ vỡ nợ. Ông David Kelly, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại JPMorgan, cho biết một vụ vỡ nợ có thể “tác động tiêu cực đáng kể đến nhiều loại tài sản chính, bao gồm trái phiếu, cổ phiếu Mỹ và đồng USD”.

Ông David Kostin, chiến lược gia trưởng tại Goldman Sachs, cho rằng cuộc khủng hoảng vẫn chưa xảy ra. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình trạng hỗn loạn. Chỉ số Dow đã giảm 1.258 điểm trong ba ngày vừa qua. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đi xuống đáng kể. 

Nếu Quốc hội không tìm được giải pháp, thị trường có thể sụt giảm mạnh hơn. Vào cuộc khủng hoảng trần nợ năm 2011, chỉ số S&P 500 đã cắm đầu 15%. Những lĩnh vực có doanh thu gắn liền với chi tiêu của chính phủ Mỹ như chăm sóc y tế, quốc phòng đã giảm tới 25%.

Ông Kostin cho biết những doanh nghiệp có khách hàng lớn nhất là chính phủ Mỹ đang đối mặt với nhiều rủi ro. Đứng đầu danh sách này là công ty công nghệ quốc phòng Huntington Ingalls, Mercury Systems.

Những tên tuổi lớn trong ngành quốc phòng và y tế như Lockheed Martin, CVS Health hay Raytheon cũng phụ thuộc nhiều vào ngân sách liên bang.

Dow Jones mất gần 1.260 điểm trong ba phiên 17 - 19/1/2023.

Điều gì sẽ xảy ra?

Ông Kelly tại JPMorgan Chase nhận định: “Cần phải nhấn mạnh rằng vẫn có khả năng rằng [Quốc hội Mỹ] sẽ đi đến sự thỏa hiệp, chấp nhận giảm thâm hụt ngân sách để đổi lấy việc nâng trần nợ”. Tuy nhiên, ông cho rằng các nhà đầu tư vẫn nên chuẩn bị cho “kịch bản tồi tệ hơn”.

Ông Kelly gợi ý rằng các nhà giao dịch nên chuẩn bị một “bộ công cụ khẩn cấp về trần nợ” có thể bao gồm tài sản thực, cổ phiếu và trái phiếu quốc tế chất lượng cao, được định giá bằng ngoại tệ.

Ông Kelly cho biết, ngay cả khi thảm họa được ngăn chặn, thì việc nắm giữ những tài sản đa dạng này cũng không phải là một ý kiến tồi. 

Ông giải thích: “Với việc định giá [tài sản] ở nước ngoài vẫn còn tương đối rẻ và hiện tại người Mỹ ít đầu tư tài sản ở nước ngoài, những điều chỉnh này có thể có ý nghĩa ngay cả khi Washington không gây ra thảm họa trần nợ”

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-nha-dau-tu-chuan-bi-gi-khi-my-sap-cham-tran-no-cong-2023119205058333.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/