Các hãng hàng không nợ ACV bao nhiêu tiền?

Tại ngày 31/12/2020, các hãng Bamboo Airways, Vietjet Air, Vietnam Airlines và Pacific Airlines nợ Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) hơn 2.000 tỷ đồng.

Các hãng hàng không nợ ACV bao nhiêu tiền? - Ảnh 1.

Hành khách xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Tại ngày cuối năm ngoái, 4 hãng hàng không lớn nhất nước ta đang nợ Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, Vietjet (Mã: VJC) nợ hơn 735 tỷ đồng, Vietnam Airlines (Mã: HVN) đứng sau với gần 664 tỷ, Bamboo Airways 326 tỷ và Pacific Airlines 279 tỷ.

Tính tổng cả các đối tượng khác, ACV có khoản phải thu khách hàng ngắn hạn hơn 2.300 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu Pacific Airlines có giá trị gốc 74,3 tỷ đồng bị ACV xếp vào nhóm nợ khó đòi và phải trích lập dự phòng 22,3 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ngành hàng không khó khăn vì COVID-19, khoản phải thu của các hãng hàng không tại ACV đều đi lên so với đầu năm 2020. Bamboo Airways tăng mạnh nhất với giá trị thêm gần 197 tỷ đồng. 

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến biến động này là tăng trưởng hoạt động của Bamboo bất chấp đại dịch: Số chuyến bay mà Bamboo khai thác năm 2020 tăng tới 41% so với năm trước đó, trong khi số chuyến của toàn ngành giảm gần 34%. 

Bước sang năm 2021, Bamboo Airways dự định tiếp tục mở rộng đội bay từ 30 lên 40 chiếc, đồng thời có tham vọng niêm yết chứng khoán lên sàn chứng khoán Mỹ.

Các hãng hàng không nợ ACV bao nhiêu tiền? - Ảnh 2.

(Trích báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020 của ACV).

Ông Nguyễn Quốc Phương – Phó Tổng Giám đốc ACV cho biết tình hình thanh toán nợ của các hãng cho ACV "đang tốt" và "các hãng vẫn đang trả nợ và đồng hành cùng ACV".

Để gỡ khó cho các hãng hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 19/2020 quy định giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước qui định khung giá. Thời gian áp dụng từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020. 

Từ ngày 1/10/2020 trở đi, các mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không sẽ quay lại áp dụng theo Thông tư số 53/2019. Các hãng hàng không đã đồng loạt đề nghị Nhà nước tiếp tục các quy định hỗ trợ về mức giá, khung giá như trong Thông tư 19 từ tháng 10/2020 cho đến hết tháng 12/2021

Nếu đề xuất này được chấp thuận, riêng Vietnam Airlines sẽ giảm được khoảng 334 tỷ đồng chi phí trong năm 2021, giúp cải thiện được một phần khả năng thanh toán của hãng.

Các hãng hàng không nợ ACV bao nhiêu tiền? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Phương - Phó Tổng Giám đốc ACV. (Ảnh: Đức Quỳnh).

Theo ông Nguyễn Quốc Phương, ACV đang giảm một số dịch vụ tại cảng hàng không như phí phục vụ chuyến bay, thuê văn phòng. "Ngoài ra, ACV đang nghiên cứu các chính sách khuyến khích các hãng hàng không bay lại dựa trên các quỹ ngân sách liên quan tới chi phí xúc tiến thương mại, hỗ trợ theo tinh thần hồi phục từng phần".

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Phương cho biết ACV đang giảm 10-30% phí tại cảng.

Năm 2020, ACV ghi nhận doanh thu thuần 7.767 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.642 tỷ, giảm lần lượt gần 58% và 80% so với năm trước. Tổng công ty này cũng có hơn 33.000 tỷ tiền gửi ngân hàng.

Trong khi đó, Vietnam Airlines báo lỗ hơn 11.000 tỷ đồng, Vietjet lãi 70 tỷ, Bamboo Airways lãi hơn 400 tỷ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-hang-hang-khong-no-acv-bao-nhieu-tien-20210423181918737.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/