Các chương trình livestream trên sàn thương mại điện tử bùng nổ ở Đông Nam Á vì COVID-19

Mức độ phổ biến nhanh của những sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada ở Đông Nam Á trong đại dịch COVID-19 khiến nhiều người hi vọng livestream thành công rực rỡ như ở Trung Quốc.

Là bà mẹ nuôi hai con nhỏ, Rovi Calonge luôn tìm những "kèo" hời khi mua sắm cho con. Những ngày qua, cô bật nền tảng thương mại điện tử Shopee vào buổi trưa để xem chương trình trên đó, với hi vọng giành vài phiếu giảm giá. 

"Thậm chí tôi còn không mua sản phẩm thiết yếu cho con trong cửa hàng thực phẩm nữa, vì mua trực tuyến rẻ hơn", Rovi kể với báo South China Morning Post.

How coronavirus helped Shopee and Lazada bring China’s live-stream shopping craze  - Ảnh 1.

Với chức năng livestream, hoạt động mua diễn ra trực tuyến và không hạn chế vào ban đêm, mà diễn ra vào mọi giờ trong ngày, đồng thời hướng tới mọi đối tượng. Ảnh: Shopee

COVID-19 thúc đẩy sự thăng hoa của livestream

Khi mà đại dịch COVID-19 buộc hàng triệu người khắp Đông Nam Á ở nhà, những chương trình livestream trên chợ trực tuyến như Shopee đã có thể tận dụng lượng khán giả khổng lồ liên tục tăng.

Hồi tháng 4, khi nhiều quốc gia trong khu vực thực thi những biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn COVID-19, Lazada đã có 27 triệu người theo dõi thường xuyên các chương trình livestream ở mọi thị trường, giúp công ty tăng tổng giá trị giao dịch thương mại thêm 45% so với tháng trước. 

Cũng trong tháng 4, Shopee có 300 triệu lượt xem chương trình livestream ở Đông Nam Á - một kì tích với một khu vực có tổng dân số 650 triệu.

Livestream gợi nhớ những kênh mua sắm trên chương trình truyền hình trực tiếp trong thập niên 80, song với hình thức mới, hoạt động mua diễn ra trực tuyến và không hạn chế vào ban đêm, mà diễn ra vào mọi giờ trong ngày, đồng thời hướng tới mọi đối tượng.

Các chương trình livestream diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng - từ game show tới hướng dẫn trang điểm - và thường do các thương hiệu, thương nhân nhỏ và đôi khi chính các chợ trực tuyến tổ chức. Họ không chỉ trưng sản phẩm trực tuyến, mà còn cho phép khán giả mua hàng khi xem.

Ý tưởng livestream trên sàn thương mại điện tử bắt đầu xuất hiện khi T-Mall, một chợ trực tuyến thuộc tập đoàn Alibaba, triển khai chương trình livestream cho lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11/11) năm 2016. 

Tính đến năm ngoái, tổng giá trị giao dịch trong các buổi livestream trên sàn thương mại điện tử ở Trung Quốc đạt ít nhất 61 tỉ USD, theo iMedia Research.

Sự khác biệt về thói quen xem livestream giữa Trung Quốc và Đông Nam Á

Sự tăng lên về danh tiếng của những doanh nghiệp thương mại điện tử như Shopee và Lazada khiến giới quan sát hi vọng livestream có thể đạt mức độ phổ biến tương tự ở Đông Nam Á.

Mức độ tương tác của người dùng đối với các ứng dụng video, hoặc nền tảng có tính năng phát video, đã tăng gấp đôi ở Đông Nam Á từ năm 2016, theo Báo cáo Đông Nam Á của Google và Temasek trong năm ngoái. Giờ đây, chúng là những ứng dụng phổ biến thứ hai trong khu vực, còn xem video là hoạt động chiếm tối thiểu 1/5 tổng thời gian người dân dành cho hoạt động trực tuyến.

Mặc dù vậy, thói quen của người dân Đông Nam Á khi xem livestream cũng khác biệt so với người dân Trung Quốc. Ở Trung Quốc, khán giả chủ yếu xem các ngôi sao của chương trình, và nhiều ngôi sao đã trở thành thương hiệu của các hộ gia đình. Nhưng ở Đông Nam Á, các thương hiệu mới là đối tượng thu hút người xem. 

Chương trình livestream phù hợp với các thương hiệu ở Đông Nam Á vì người xem có thể mua sản phẩm ngay khi họ thấy chúng. Vì vậy, các thương hiệu thực hiện khoảng 90% số chương trình livestream trên các nền tảng thương mại điện tử.

GQ, một thương hiệu thời trang nam ở Thái Lan, bắt đầu bán các áo sơ mi nam từ tháng 10 năm ngoái. Giờ đây, họ tổ chức chương trình livestream hàng tuần, trên Shopee hoặc Lazada. Hiện tại, GQ là một trong những thương hiệu bán hàng hiệu quả nhất trên Shopee Thái Lan.

"Mỗi khi chúng tôi tổ chức livestream, tác động đối với doanh thu tăng theo cấp số nhân, khoảng 3 tới 5 lần. Người Thái vốn chuộng hình ảnh và video. Họ đánh giá cao nếu một sản phẩm được chia sẻ với họ thường xuyên, hoặc theo một cách mang tính giải trí", George Hartel, giám đốc tiếp thị của GQ, phát biểu.

Ngoài ra, một yếu tố khác là áo sơ mi của GQ có khả năng chống vết bẩn. Vì thế, trong mọi chương trình livestream, những người thuyết trình luôn hắt đồ uống lên áo để chứng minh đặc tính ấy.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cac-chuong-trinh-livestream-tren-san-thuong-mai-dien-tu-bung-no-o-dong-nam-a-vi-covid-19-20200805150710251.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/