Bức tranh ngành sản xuất container trước khi Hòa Phát gia nhập: Nhiều tiềm năng, lắm đối thủ

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có lợi thế khi tự chủ nguồn nguyên liệu chính là thép nhưng sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ lớn, dày dạn kinh nghiệm đến từ Trung Quốc. Nhu cầu và mức giá sản phẩm khi Hòa Phát bắt đầu cho ra sản phẩm vào năm sau cũng là một nhân tố rủi ro tiềm ẩn.

Tiềm năng tăng trưởng của thị trường tỷ đô

Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), toàn thế giới hiện nay có gần 180 triệu container, mỗi năm chuyên chở gần 1,7 tỷ tấn hàng hóa, ứng với sản lượng vận tải 998 tỷ tấn-dặm. Reuters ước tính container vận chuyển khoảng 60% hàng hóa thông thương toàn cầu.

Theo Allied Market Research, ngành vận tải container năm 2019 có giá trị ước tính 8,7 tỷ USD, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm 4,3% và có thể đạt quy mô 12,08 tỷ USD vào năm 2027.

Container cho phép hàng hóa được vận chuyển dễ dàng và an toàn hơn, thời gian chất, dỡ hàng được rút ngắn. Kích thước container được thống nhất trên toàn thế giới theo tiêu chuẩn ISO nên mọi bến cảng ở các quốc gia đều có thể tiếp nhận, xử lý.

Thị trường vận tải container được phân chia theo nhiều tiêu chí khác nhau. Về kích thước, container được chia thành: loại nhỏ với chiều dài 20 feet, loại lớn dài 40 feet và container cao (cũng có chiều dài 40 feet nhưng cao hơn loại thường).

Có những chiếc container thông thường chuyên chở hàng khô, có những chiếc chở hàng đông lạnh, có loại có thể mở nắp - mở cạnh, các loại phục vụ mục đích đặc biệt, … 

Nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển tăng dần theo thời gian. Năm 2020, tuy giao thương có thời gian bị gián đoạn vì COVID-19 nhưng nhu cầu hàng hóa đã hồi phục nhanh chóng vào những tháng cuối năm. 

Mặt khác, đại dịch khiến quá trình bốc dỡ hàng hóa khó khăn hơn, các container bị mắc kẹt lâu hơn dẫn tới thời gian quay vòng bị kéo dài, các nước xuất khẩu như Việt Nam, Trung Quốc thiếu container rỗng để chất hàng hóa.

Bức tranh ngành sản xuất container trước khi Hòa Phát gia nhập: Nhiều tiềm năng, lắm đối thủ - Ảnh 1.

Châu Á, đặc biệt là Đông Á, là mắt xích quan trọng chiến lược trong mạng lưới thương mại toàn cầu, nhu cầu container của khu vực này cũng rất lớn.

Theo thống kê của UNCTAD, mỗi năm gần đây có trên 500 triệu đơn vị tương đương container loại 20 feet (TEU) lưu thông qua các cảng tại châu Á, trong khi con số của Châu Âu chỉ là hơn 120 triệu TEU, Bắc Mỹ là trên 60 triệu TEU.

Bức tranh ngành sản xuất container trước khi Hòa Phát gia nhập: Nhiều tiềm năng, lắm đối thủ - Ảnh 2.

Lượng container hàng hóa di chuyển giữa Đông Á với Bắc Mỹ và giữa Đông Á với Địa Trung Hải, Bắc Âu cũng thuộc nhóm lớn nhất trong số các tuyến hàng hải Đông – Tây chủ đạo, bỏ xa tuyến xuyên Đại Tây Dương giữa Bắc Mỹ và châu Âu.

Bức tranh ngành sản xuất container trước khi Hòa Phát gia nhập: Nhiều tiềm năng, lắm đối thủ - Ảnh 3.

Sự thống trị của Trung Quốc

Trung Quốc bước chân vào ngành sản xuất container từ năm 1980 với sự ra đời của Tập đoàn Container Hàng hải Quốc tế Trung Quốc (CIMC) ở Thâm Quyến. Tuy nhiên phải từ năm 1993, vị thế của đất nước tỷ dân mới thực sự cất cánh.

Trung Quốc không chỉ có nhân công giá rẻ mà đồng thời còn là nước sản xuất và tái chế thép lớn nhất thế giới. Thép là nguyên liệu chính, chiếm quá nửa chi phí sản xuất container nên Trung Quốc có nhiều lợi thế.

Bức tranh ngành sản xuất container trước khi Hòa Phát gia nhập: Nhiều tiềm năng, lắm đối thủ - Ảnh 4.

Bãi để container sau khi sản xuất của CIMC, tháng 11/2020. (Ảnh: Getty Images).

Theo Reuters, riêng trong tháng 9/2020, Trung Quốc đã xuất xưởng 300.000 TEU (đơn vị tương đương container loại 20 feet) – mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu vì container bị mắc kẹt tại Bắc Mỹ và Châu Âu quá nhiều.

Kể từ năm 1996 đến nay, CIMC là nhà sản xuất container theo chuẩn ISO lớn nhất thế giới. Hiện nay, Trung Quốc chiếm tới 96% thị phần sản xuất container toàn cầu nhờ CIMC và nhiều công ty nhỏ hơn như Singamas, CXIC, CEC, COSCO Shipping, …. 

Nói về nhà sản xuât container ở các quốc gia khác, Mỹ có W&K Container, Anh có YMC Container, Đan Mạch có Maersk, Nhật Bản có Daikin Industries, Ấn Độ có DCM Hyundai.

Bên cạnh chế tạo container, nhiều công ty trong số này còn đồng thời làm dịch vụ vận tải hàng hải, sản xuất bồn chứa, ....

Hòa Phát ở đâu khi so với các tên tuổi thành danh?

Việt Nam hiện nay không có doanh nghiệp nào đủ khả năng sản xuất mới container, chỉ có một số công ty nhỏ chuyên sửa chữa, tân trang container cũ hỏng, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng từ vận tải hàng thành văn phòng, nhà ở, …

Vì vậy, khi nhà máy đi vào hoạt động trong quý II/2022 như kế hoạch, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sẽ là doanh nghiệp Việt duy nhất tự sản xuất container. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Chủ tịch HĐQT của Hòa Phát từng cho biết công suất dự kiến của nhà máy sẽ là khoảng 500.000 TEU mỗi năm.

Trọng lượng của một container rỗng loại 20 feet là 2,3 tấn, loại 40 feet là 3,75 tấn, bao gồm cả thép, ván sàn bằng gỗ và sơn. Như vậy để cho ra 500.000 TEU, Hòa Phát sẽ cần sử dụng khoảng 1 triệu tấn thép.

Đại gia CIMC của Trung Quốc có khả năng sản xuất 2 triệu TEU mỗi năm. Riêng năm 2019, CIMC ghi nhận doanh thu gần 86 tỷ nhân dân tệ (tương đương 13,3 tỷ USD), lợi nhuận khoảng 390 triệu USD.

CXIC thì cho biết mỗi năm có thể sản xuất 900.000 TEU chuẩn ISO và 25.000 chiếc loại đặc biệt. China Easten Containers (CEC) có khả năng chế tạo 150.000 TEU/năm.

Singamas từng có thời sản xuất tới 980.000 TEU mỗi năm nhưng sau đó bán bớt 4/5 nhà máy cho Cosco và giảm công suất, năng lực hiện còn 210.000 TEU/năm.  

Bức tranh ngành sản xuất container trước khi Hòa Phát gia nhập: Nhiều tiềm năng, lắm đối thủ - Ảnh 5.

Cosco Shipping từng sở hữu năng lực sản xuất 500.000 TEU. Sau khi mua 4 nhà máy từ Singamas vào tháng 5/2019, Cosco nâng năng lực lên 1 triệu TEU. 

Cosco có thời gian là cổ đông lớn nắm giữ trên 22% vốn của CIMC nhưng đã thoái bớt vốn vào cuối năm 2020, giảm sở hữu còn 4,69%.

Để sản xuất container cần những gì?

Sản xuất container không khó, cái khó là làm sao cho ra sản phẩm với giá cả cạnh tranh nhất. Ba nguyên liệu chủ yếu để sản xuất container là thép, gỗ, và sơn.

Đầu tiên, các cuộn thép cán nóng (HRC) đặc biệt loại chống ăn mòn và chịu thời tiết được cắt ra thành từng tấm theo kích thước định sẵn rồi tẩy rỉ và hàn lại với nhau thành các mặt của container. Quá trình hàn cần được làm một cách tỉ mỉ, đảm bảo mối hàn bền và kín.

Bộ khung container được làm bằng các thanh thép chắc chắn, đủ để chịu trọng lượng khoảng 100 tấn khi xếp chồng nhiều container lên nhau.

Bức tranh ngành sản xuất container trước khi Hòa Phát gia nhập: Nhiều tiềm năng, lắm đối thủ - Ảnh 6.

Các robot hàn đang làm việc trong nhà máy sản xuất container của CIMC tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tháng 7/2020. (Ảnh: Getty Images).

Sau khi thành hình, container được sơn nhiều lớp để bảo vệ bề mặt kim loại khỏi các nhân tố bên ngoài, hạn chế rỉ sét và ăn mòn. Mọi kích thước của container – bao gồm cả những số đo nhỏ nhất như độ cao của các gợn sóng trên vỏ hay độ dày của lớp sơn – đều phải được kiểm soát chặt chẽ.

Phần sàn container được làm bằng gỗ, trước đây là gỗ sồi. Tuy nhiên do số lượng cây không nhiều, thời gian sinh trưởng lâu nên các nhà sản xuất đã tìm đến các lựa chọn khác, ví dụ như ở Trung Quốc là tre.

Ngoài ra, gỗ ván ép cũng được sử dụng rất phổ biến. Hàng chục lớp gỗ mỏng được gắn với nhau bằng keo dán công nghiệp rồi trải qua quá trình ép nóng, ép lạnh để cho ra tấm ván sàn container vững chắc.

Bức tranh ngành sản xuất container trước khi Hòa Phát gia nhập: Nhiều tiềm năng, lắm đối thủ - Ảnh 7.

Theo ước tính của Container-Xchange, sắt thép chiếm khoảng 50-55% giá thành một chiếc container, ván sàn khoảng 15%, sơn 10%, nhân công 5%.

Có thể thấy, thép là nguyên liệu chính và chiếm nhiều nhất trong cơ cấu chi phí. Hòa Phát có thể tự sản xuất loại thép để chế tạo container và do vậy có lợi thế rất lớn về giá thành khi so với các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, Hòa Phát cũng phải đối mặt với những rủi ro. Hiện nay container vẫn đang khan hiếm và giá thuê tương đối cao nhưng phải đến quý II/2022, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long mới cho ra sản phẩm đầu tiên.

Khi đó rất có thể nhu cầu container đã giảm sút do hoạt động kinh tế quay lại nhịp độ trước đại dịch. Việc nhiều loại vắc xin COVID-19 được cấp phép và quá trình tiêm chủng tăng tốc trên toàn cầu sẽ giúp các lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, container sẽ được quay vòng nhanh hơn và ít bị ách tắc hơn, làm giảm nhu cầu container mới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/buc-tranh-nganh-san-xuat-container-truoc-khi-hoa-phat-gia-nhap-nhieu-tiem-nang-lam-doi-thu-20210304123109581.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/