Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới

Mặc dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song năm 2021 được đánh giá là năm thành công của ngành công thương. Bằng các quyết sách, hành động quyết liệt, sáng tạo, ngành đã đem lại các con số tăng trưởng xuất khẩu cao, đảm bảo sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 1.

Trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chia sẻ với phóng viên về những kết quả của năm 2021 và nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022.

Xuất khẩu tạo “kỳ tích”

– Vượt qua vô vàn khó khăn do đại dịch COVID-19, xuất nhập khẩu của cả nước năm 2021 đã vượt mốc kỷ lục gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể về những kết quả đáng ghi nhận này?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 2021 là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nói chung và các hoạt động xuất khẩu, xúc tiến xuất khẩu nói riêng do tác động nghiêm trọng, chưa từng có của đại dịch COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh để thực hiện các biện pháp chống dịch, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề là khối doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.

Trước bối cảnh hết sức khó khăn đó, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại đã nỗ lực vượt bậc, triển khai đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, giúp duy trì các hoạt động sản xuất và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất, nhập khẩu trong năm 2021.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Tính đến ngày 31/12/2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm ước đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trên 19%, xuất siêu được duy trì năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư 4 tỷ USD.

Kết quả tăng trưởng này cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 4-5% được Chính phủ giao hồi đầu năm cho ngành Công Thương, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Đáng chú ý, quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Năm 2021, Việt Nam tiếp tục có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ đô (tăng 1 mặt hàng so với năm 2020,) trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng 2 mặt hàng so với năm 2020.)

Năm 2021, Việt Nam tiếp tục có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu tỷ đô, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, trong đó cơ cấu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng khi chiếm tới 86,7% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước…

Đối với lĩnh vực nông sản xuất khẩu, mặc dù chỉ chiếm chưa tới 10% giá trị xuất khẩu của toàn nền kinh tế, song nông nghiệp lại là lĩnh vực đem đến những “động lực mới” cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2021 – khi nhiều nhóm hàng nông, lâm, thuỷ, sản xuất khẩu dù giảm về lượng nhưng lại tăng cao về giá trị.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 3.

Một điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu năm vừa qua phải kể đến đó là Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường nước ngoài, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Cùng với việc giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống, như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN thì doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA, vừa giúp đa dạng hoá thị trường, vừa mở rộng xuất khẩu nhiều loại hàng hoá mà nước ta có lợi thế sang các thị trường có tiềm năng, cho giá trị gia tăng cao hơn.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nỗ lực mở cửa thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản giúp xuất khẩu Việt Nam không chỉ tăng quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 4.

Sản xuất linh kiện điện tử tại công ty TNHH 4P (Hưng Yên), dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, khả năng tham gia sâu chuỗi liên kết khu vực và toàn cầu. (Ảnh: TTXVN)

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi đặt ra những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản – nhóm hàng chịu ảnh hưởng tương đối lớn của dịch bệnh. Đây tiếp tục là lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt hơn trong thời gian tới…

Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chuyển hướng tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua mạng lưới thương vụ.

Đây là một sự chuyển hướng kịp thời, nhanh nhạy, đem lại hiệu quả thiết thực để giúp cho các doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như quan hệ kinh doanh.

Thậm chí, doanh nghiệp có thể tìm được những đối tác, bạn hàng ở những địa bàn mà trước đây gần như khó có thể tiếp xúc như ở châu Phi, châu Đại Dương, Trung Đông thông qua nền tảng trực tuyến.

Bộ cũng tiếp tục đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, giải tỏa kịp thời những ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu, từng bước giảm thiểu khó khăn do giá logistics tăng cao đột biến…

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 5.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 6.

Nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới.

– Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, Bộ Công Thương đã nhanh chóng quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ sản xuất kinh doanh các tỉnh, thành phố. Hoạt động và kiến nghị của Tổ công tác đặc biệt đã góp phần mang lại hiệu quả ra sao trong kết nối cung cầu, phục hồi sản xuất, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong năm 2021 đã có nhiều tác động tiêu cực đến nước ta. Đặc biệt, quyết định cách ly xã hội kéo dài trong nhiều tháng với nhiều cách làm khác nhau của các địa phương đã khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy.

Khắc phục những khó khăn đó, ngày 17/7/2021, Bộ Công Thương đã họp khẩn và quyết định thành lập Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Cùng lúc, Tổ công tác tiền phương (nay là Tổ Công tác Đặc biệt phía Nam của Bộ Công Thương) ra đời với nhiệm vụ nắm bắt sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam, nhất là các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đang áp dụng biện pháp giãn cách.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 7.

Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh mua sắm thực phẩm tươi sống. (Nguồn: TTXVN)

Sau miền Nam, ngày 6/8/2021, Bộ Công Thương đã lập thêm Tổ công tác đặc biệt nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động, sản xuất tại miền Bắc và miền Trung.

Trong thời gian này, Tổ cũng thường xuyên trao đổi với Sở Công Thương 19 tỉnh, thành phía Nam, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam để nhân rộng mô hình tổ chức các hệ thống phân phối dã chiến tại các địa phương trong bối cảnh đóng cửa chợ, các siêu thị, cửa hàng, kho hàng thường xuyên bị ca F0 xâm nhập phải đóng cửa, khử trùng, truy vết gây gián đoạn dịch vụ cung ứng.

Tổ công tác cũng phối hợp chặt chẽ, gắn kết liên ngành và liên vùng nhằm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc.

Trên cơ sở đề xuất kiến nghị của Tổ Công tác đặc biệt phía Nam, Bộ Công Thương đã liên tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn, giải quyết khó khăn trước mắt, đồng thời kiến nghị khẩn lên Chính phủ cho phép được áp dụng một giải pháp đồng bộ và lâu dài; kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương trong đảm bảo lưu thông, tiêu thụ hàng hoá, hỗ trợ doanh nghiệp.

Có thể nói, sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các Tổ công tác đặc biệt đã góp phần quan trọng nối liền chuỗi cung ứng và hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Phát triển công nghiệp nền tảng tạo động lực cho tăng trưởng

– Phát huy thế mạnh sản xuất trong nước đang và sẽ tiếp tục là mục tiêu mà ngành Công Thương hướng tới để tạo thế chủ động hơn nữa trong việc đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng, phát huy sức mạnh nội lực, Bộ trưởng có thể chia sẻ những giải pháp mà Bộ Công Thương đã triển khai để thúc đẩy sản xuất trong năm 2021 và hướng đi của năm tiếp theo?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nền kinh tế trong nước đã khởi đầu với nhiều dấu hiệu khả quan, tích cực với sự phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm 2021.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 8.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4, chúng ta lại phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn chưa từng có khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp, sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng, nhiều nhà máy ngưng trệ sản xuất, nguy cơ bị hủy đơn hàng, mất thị trường.

Ngoài ra, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm… Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, năm 2021, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng ước đạt 4,82% so với năm 2020 (quý 1 tăng 6,44%; quý 2 tăng 11,18%; quý 3 giảm 4,4%; quý 4 tăng 6,52%)…

Có được kết quả này, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp thì Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, cũng như khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 9.

Sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh đó, các giải pháp về mở rộng thị trường xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nội địa, tổ chức xuất, nhập khẩu cũng đã giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy sản xuất ở khu vực chế biến chế tạo.

Năm 2022, để thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo động lực cho tăng trưởng, Ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công lớn, đặc biệt là các dự án về năng lượng, hạ tầng phát triển ngành nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực, nền tảng như thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, ôtô…

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 10.

Sản xuất thép cán tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Ảnh: Hoàng Nguyên – TTXVN)

Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách, giải pháp của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân (như các hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tín dụng, tiền tệ, an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động…) nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất…

Dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 cũng nêu rõ cần xác định các động lực tăng trưởng mới của ngành Công Thương, tăng cường sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài và khai thác có hiệu quả quá trình hội nhập. Mà ở đó, phát triển công nghiệp với việc phát huy nội lực là yếu tố quan trọng.

Trọng tâm ưu tiên là phát triển công nghiệp nền tảng để làm chủ khu vực sản xuất, đặc biệt là tư liệu cho các ngành công nghiệp xuất khẩu và nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá nhằm hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 11.

Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện khung pháp lý, chính sách để đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực.

Trong dài hạn, Bộ Công Thương đặt ra nhiệm vụ sẽ hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách nhằm thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương để tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, cơ khí, ôtô, dệt may, da giày, điện-điện tử, chế biến thực phẩm…

Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường; các ưu đãi về thuế và đất đai theo quy định của pháp luật…

Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ và huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp lớn (cả Nhà nước và tư nhân) của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, giúp các doanh nghiệp này có thể đi tắt, đón đầu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại; trực tiếp tham gia, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Ngành sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thị trường ngoài nước tận dụng tối đa cơ hội từ các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực, liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 12.

Sản xuất bình nước nóng tại Công ty CPQT Sơn Hà. (Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN)

– Thưa Bộ trưởng, vai trò đột phá của kinh tế số đã được ngành Công Thương triển khai như thế nào, hướng đi trong năm 2022 sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm gì?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường Thương mại điện tử càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường.

Bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19, cùng với những chính sách về giãn cách xã hội và các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch bệnh Chính phủ đặt ra, Thương mại điện tử Việt Nam như cánh tay nối dài của hạ tầng thương mại số. Việt Nam là quốc gia tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương.

Năm 2021, Thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2020, quy mô thị trường thương mại điện tử B2C đạt xấp xỉ 13,7 tỷ USD.

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp khi kinh doanh trực tuyến, có thể nói, COVID-19 là một thách thức lớn, chưa từng có tiền lệ và cũng là một cơ hội lớn đối với doanh nghiệp khi họ buộc mình phải thay đổi để thích ứng với điều kiện hiện tại.

Doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trực tuyến được đánh giá là hiệu quả chiếm tỷ lệ khá cao với 57%, và tỷ lệ được đánh giá hiệu quả cao là 24%.

Nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay phải chuyển hướng sang bán trực tuyến để có được doanh thu, nhiều người tiêu dùng trước đây không sử dụng các nền tảng bán hàng trực tuyến nay đã phải mua hàng trực tuyến.

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, về mặt hiệu quả trong kinh doanh trực tuyến, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trực tuyến được đánh giá là hiệu quả chiếm tỷ lệ khá cao với 57%, và tỷ lệ được đánh giá hiệu quả cao là 24%.

Trong năm 2022, kinh tế số được dự báo sẽ làm thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ chế vận hành cung-cầu thị trường trong nước. Cụ thể, phát triển kinh tế số gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là một yêu cầu cấp thiết.

Bộ trưởng Công Thương: Khơi thông nội lực cho giai đoạn phát triển mới - Ảnh 13.

Hình ảnh vải thiều được quảng bá trên trang thương mại điện tử Sendo (Ảnh: TTXVN)

Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả Quyết định 1968 của Thủ tướng về Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Xúc tiến thương mại; tăng cường xúc tiến, kết nối đầu ra cho sản phẩm thông qua hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường số và dựa trên các nền tảng số.

Bộ Công Thương sẽ hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số với việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng cơ bản để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cho sản xuất và thương mại.

– Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bo-truong-cong-thuong-khoi-thong-noi-luc-cho-giai-doan-phat-trien-moi-20220202080036659.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/