Bí ẩn phía sau văn phòng gia đình của giới tỷ phú: Quản lý hàng núi tiền, số lượng mọc 'nhanh như nấm', tiêu tốn hàng tỷ USD mỗi năm để vận hành

Phía sau sự giàu có của các tỷ phú USD hàng đầu thế giới như Elon Musk, Sergey Brin hay Ray Dialo có sự đóng góp thầm lặng nhưng quan trọng của các văn phòng gia đình. Có thể nói, sự giàu có và nhiều bí mật của các tỷ phú hàng đầu thế giới đều nằm trong các văn phòng gia đình này.

Các văn phòng gia đình đang mọc lên ở khắp mọi nơi, theo Bloomberg. Các công ty thuộc sở hữu tư nhân, thường là các công ty độc lập quản lý các vấn đề tài chính của giới siêu giàu trên thế giới đang ngày càng trở nên phổ biến do số lượng người giàu tại Thung lũng Silicon, các doanh nhân châu Á hay giới hoàng tộc tại khu vực Trung Đông ngày một nhiều lên.

Các văn phòng gia đình quản lý khối tài sản khổng lồ

Tỷ phú đồng sáng lập Alphabet (công ty mẹ Google) Sergey Brin cùng ông trùm tỷ phú quỹ đầu cơ Ray Dialo cũng như chủ tịch Tập đoàn Longfor Wu Yajun đều có các văn phòng gia đình quản lý tài sản riêng. Các nhà đầu tư được coi là huyền thoại như George Soros và Stanley Druckenmiller cũng vậy.

Nhiều văn phòng gia đình có danh mục đầu tư chứng khoán có giá trị hàng tỷ USD. Không giống như các ngân hàng và quỹ tương hỗ, họ có thể thay đổi vị trí nhanh chóng trước những biến động trên thị trường. Điều này có thể gây ra những tác động đối với thị trường chứng khoán.

Các văn phòng gia đình của những tỷ phú quản lý khối tài sản khổng lồ. (Ảnh: Forbes).

Những văn phòng gia đình thường cố gắng giữ kín bí mật về khối tài sản ròng của mình. Do đó, để tìm hiểu kỹ về các chiến lược đầu tư của các văn phòng gia đình này là một công việc tương đối khó khăn.

Nhà nghiên cứu Campden Wealth ước tính rằng các văn phòng gia đình trên toàn cầu đang quản lý khối tài sản có giá trị ít nhất 6.000 tỷ USD, nhiều hơn số tiền mà các quỹ đầu cơ quản lý. Thậm chí, giá trị thực tế của khối tài sản mà các văn phòng gia đình quản lý có thể còn lớn hơn.

Sự mơ hồ đó có thể dẫn đến nhiều rắc rối khác nhau. Một trong số đó phải nhắc tới vụ kiện liên quan tới quỹ Archegos Capital Management của Vụ kiện trị giá 20 tỷ USD của nhà đầu tư người Mỹ gốc Hàn Quốc Bill Hwang.

Tài sản của quỹ đầu tư không mấy tên tuổi này bằng một cách nào đó đã tăng từ 200 triệu USD lên tới 20 tỷ USD trong chưa đầy 10 năm. Sau đó, giá trị khối tài sản mà quỹ đầu tư này quản lý bỗng chốc “bốc hơi” chỉ trong hai ngày, qua đó gây chấn động giới tài chính toàn cầu. Chính sự kiện này đã khiến các quỹ đầu tư có sự kiểm soát lỏng lẻo lọt vào tầm ngắm của các nhà chức trách Mỹ.

Văn phòng gia đình ngày càng chuyên nghiệp

Văn phòng gia đình không chỉ quản lý tiền bạc. Họ thường phục vụ cho một khối tài sản duy nhất và có thể thuê hàng chục nhân viên để làm các nhiệm vụ như chọn lựa cách thức đầu tư, nộp thuế, thanh toán hóa đơn, giám sát các nhiệm vụ từ thiện và quản lý du thuyền, nhà cửa và các tài sản khác.

Theo Ernst & Young, có hơn 10.000 văn phòng gia đình trên toàn cầu phục vụ cho một khối tài sản. Trong đó, có ít nhất 50%, tức 5.000 văn phòng gia đình đã được thành lập chỉ trong hai thập kỷ qua.

Archegos Capital Management của nhà đầu tư Bill Hwang là một ví dụ về chi nhánh của văn phòng gia đình. (Ảnh: Financial Times).

Bloomberg nhận định rằng các văn phòng gia đình ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, với quy mô lớn nhất hoạt động giống như các công ty đầu tư phức tạp. Họ hoạt động một cách đơn lẻ hoặc cũng có thể hợp tác để mua và bán các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp và bất động sản. Trong bối cảnh đó, các công ty tài chính cũng đang cảm thấy áp lực và tìm cách nhằm thu hút các văn phòng gia đình làm khách hàng.

Các văn phòng gia đình cũng đang thu hút những nhân tài hàng đầu ở Phố Wall. Chẳng hạn, văn phòng gia đình đang quản lý khối tài sản trị giá 28 tỷ USD của Soros đã thuê Dawn Fitzpatrick, người lãnh đạo đơn vị quỹ đầu cơ O'Connor tại chi nhánh quản lý tiền của UBS Group AG, làm Giám đốc đầu tư vào năm 2017.

Tương tự, sau khi điều hành chi nhánh ngân hàng đầu tư của Goldman Sachs Group Inc., Gregg Lemkau trong năm 2021 đã gia nhập một công ty đầu tư phát triển từ văn phòng gia đình của Michael Dell, người sáng lập gã khổng lồ Dell Technologies Inc.

Chi phí tốn kém

Theo Greycourt, một công ty tư vấn có trụ sở tại Mỹ, vào thời điểm năm 2010, ước tính cần tới 1 tỷ USD để xây dựng một văn phòng gia đình “hoàn chỉnh”, xử lý đầy đủ các dịch vụ đầu tư, kế toán, pháp lý,… Con số này vào năm 2022 chắc chắc đã tăng lên đáng kể.

Trong khi đó, theo khảo sát về các văn phòng gia đình ở châu Âu của Merrill Lynch và Campden Research, chi phí trung bình để vận hành một văn phòng gia đình xấp xỉ 0,6% tổng giá trị khối tài sản mà văn phòng gia đình đó quản lý. Báo cáo cho biết quy mô văn phòng gia đình càng lớn thì chi phí vận hành càng rẻ.

Cũng theo báo cáo, chỉ tính riêng chi phí cho các nhân viên cũng có thể lên đến hàng triệu USD mỗi năm Thông thường, một văn phòng gia đình tích hợp đầy đủ sẽ có Giám đốc điều hành, Giám đốc tài chính, Giám đốc đầu tư, ít nhất hai nhà phân tích đầu tư, 4 kế toán, một kiểm soát viên và 5 nhân viên hành chính. Một số văn phòng gia đình cũng có thể thuê thêm luật sư.

“Chi phí thuê một Giám đốc đầu tư giỏi sẽ tốn ít nhất 100.000 euro/năm, chưa kể các khoản tiền thưởng. Trong khi đó, chi phí thuê một Giám đốc điều hành sẽ tốn khoảng 150.000 euro/năm, cũng chưa bao gồm các khoản thưởng”, theo ông Paul Pratt, Giám đốc điều hành chi nhánh London của Family Office Exchange, một công ty tư vấn cho các văn phòng gia đình chia sẻ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bi-an-phia-sau-van-phong-gia-dinh-cua-gioi-ty-phu-quan-ly-hang-nui-tien-so-luong-moc-nhanh-nhu-nam-tieu-ton-hang-ty-usd-moi-nam-de-van-hanh-202291515333743.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/