Bất động sản vào thời kỳ khó lướt sóng ra tiền

Một lượng tiền lớn được bơm vào nền kinh tế sẽ là nguyên nhân lớn gây ra lạm phát. Thị trường bất động sản chắc chắn cũng chịu ảnh hưởng. Bài toán đầu tư lúc này lại được nhắc đến bởi nếu lạm phát xảy ra thì lãi suất ngân hàng có thể sẽ tăng trong thời gian tới.

Bất động sản vào thời kỳ khó lướt sóng ra tiền - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản đang đối mặt với rủi ro lạm phát. (Ảnh: Khải An).

Thời điểm cuối năm thường là mùa cao điểm của bất động sản. Hiện nay, cả người mua và người bán đều trong trạng thái muốn được "giải tỏa cơn khát" sau một thời gian dài bị dồn nén do giãn cách xã hội.

Không ít nhận định cho rằng, bất động sản cuối năm sẽ xuất hiện xu hướng nhà đầu tư cá mập "găm hàng", do thị trường đang nhận được nhiều xung lực nhờ xu hướng mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam và việc hưởng lợi từ các gói kích thích kinh tế mới của Chính phủ.

Trong khi đó, áp lực lạm phát đã xuất hiện, bên cạnh những người giữ tâm lý thận trọng quan sát, cũng có nhiều người muốn đổ tiền vào những tài sản thực như bất động sản. Một phần vì họ nhìn thấy cơ hội, một phần vì lo ngại đồng tiền mất giá.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thể hồi phục do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thị trường bất động sản cũng không thể bật dậy mạnh mẽ ngay lập tức. Do đó, việc đầu tư lướt sóng hay đầu tư ngắn hạn theo các chuyên gia, đây không phải là thời điểm thích hợp. Người mua cũng cần lưu ý, lạm phát không có nghĩa là giá trị của tài sản sẽ tăng lên.

Tại Talkshow "Chuyển động dòng tiền trên thị trường bất động sản" diễn ra mới đây, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, khi một lượng tiền lớn được bơm ra để phục hồi nền kinh tế thì bất động sản chắc chắn sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, theo vị này, đây chỉ là gói cứng, còn gói mềm là phải giải quyết được các vấn đề về hành chính, thủ tục pháp lý. Bởi hành lang pháp lý chính là thứ giúp doanh nghiệp bất động sản vực dậy. Nếu không giải quyết được vấn đề pháp lý thì nguồn cung mới không có, dòng tiền trong dân sẽ hướng sang các kênh đầu tư khác.

"Nếu tình hình kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn thì sức mua của những người có nhu cầu ở thực cũng bị ảnh hưởng. Thời gian vừa qua, người dân có khuynh hướng di tản cơ học sang Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Bởi vì giá nhà ở TP HCM quá đắt, thu nhập của người dân cũng gặp khó trong hai năm vừa qua.

Do đó, tôi cho rằng, ngoài đầu tư công ra thì việc đầu tư tại các đô thị lớn sẽ không còn nhiều sức hút. Do đó, các nhà đầu tư sẽ hướng ra các tỉnh", ông Khương nói.

Nếu xét riêng về phân khúc nhà ở, theo ông Khương, hiện có hai nhóm nhà đầu tư. Thứ nhất là những nhà đầu tư có nhu cầu ở thực, có đủ vốn để mua và đây là nhóm NĐT chủ đạo trên thị trường thời gian qua.

Nhóm thứ hai là những người luôn có nhiều tiền mặt nhưng họ không có thế mạnh đầu tư các kênh khác như chứng khoán, ngoại tệ,... Do đó, họ sẽ chuyển tiền từ ngân hàng vào kênh bất động sản. Theo chuyên gia Savills, nhóm này có lực rất mạnh và thường đầu tư vào những tài sản hiện hữu. Họ mua vài ba căn nhà 50 – 60 tỷ đồng là chuyện bình thường.

"Thị trường hiện nay không dành cho nhóm nhà đầu tư lướt sóng. Bởi vì thứ nhất, các sản phẩm không có nhiều. Thứ hai, kênh lướt sóng hiện tại rất rủi ro khi sắp tới có thể sẽ có những thay đổi về lãi suất và chiến lược của các doanh nghiệp. 

Theo quan sát của tôi, giai đoạn này là cơ hội cho những người có nhu cầu thật về nhà ở và là cơ hội cho những người muốn chuyển tiền từ ngân hàng hoặc những kênh đầu tư khác mà không phải là thế mạnh của họ", TS. Sử Ngọc Khương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Dương Cao Tường, Chủ tịch Công ty TNHH Sàn giao dịch Bất động sản TLH cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay rất khác với thị trường 5 - 7 năm về trước.

Vị này dẫn chứng, trước đây có rất nhiều người đầu tư theo kiểu lướt sóng. Thậm chí có dự án chỉ cần lấy phiếu "xếp lốt" rồi bán lại phiếu đã được một khoản chênh lệch nhất định. Còn thị trường bất động sản hiện nay theo xu hướng trung và dài hạn, nhà đầu tư không thể xác định bỏ một khoản tiền ra đã kiếm lời ngay được.

"Bây giờ muốn đầu tư bất động sản có giá trị cũng phải chi tiền tỷ và ít nhất cũng phải xác định từ một năm trở lên hoặc dài hơi hơn. Do đó, việc lựa chọn một sản phẩm để đầu tư giai đoạn này là bài toàn không đơn giản. Quan trọng là phải chọn mua được những loại hình sản phẩm để thoát hàng được nhanh nhất và mang lại được giá trị lớn", ông Tường nói.

Cũng theo Chủ tịch TLH, giai đoạn này nếu có tiền nhàn rỗi thì nên đầu tư bởi so với việc gửi ngân hàng thì xét về dài hạn, đầu tư bất động sản sẽ mang lại giá trị lớn hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh, nếu đã bỏ tiền đầu tư bất động sản giai đoạn này phải xác định sẽ không thoát nhanh được vì thị trường gần như sắp triệt tiêu vấn đề đầu tư "lướt sóng".

"Do đó, phải xác định giai đoạn dài kỳ để đầu tư, cần đưa lợi nhuận kỳ vọng để đầu tư chứ không thể đầu tư vào rồi 1 - 2 tháng sau thấy lạm phát là bán hàng chạy. Bây giờ có thể mua bất động sản rất dễ dàng nhưng đến thời điểm muốn bán lại là bài toán không hề đơn giản", ông Tường cho hay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bat-dong-san-vao-thoi-ky-kho-luot-song-ra-tien-20211124112845482.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/