Bấp bênh giá khí đốt châu Âu

Châu Âu dường như đã tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện vào mùa Đông này. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo rằng một mùa Đông khắc nghiệt vẫn có thể xảy ra vào năm tới.

Châu Âu dường như đã tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện vào mùa Đông này khi giá xăng dầu, khí đốt những tuần cuối tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023 đã giảm xuống mức trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo rằng một mùa Đông khắc nghiệt vẫn có thể xảy ra vào năm tới.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã giảm vào cuối năm 2022, với các hợp đồng trên sàn TTF ở Hà Lan, có giá 76 euro (80 USD)/MWh, gần với mức 75 euro trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine vào tháng 12/2021.

Con số này thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục mọi thời đại 350 euro/MWh ghi nhận hồi tháng Tám vừa qua sau khi Nga cắt giảm nguồn cung, dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Trong bối cảnh giá khí đốt "phi mã", nhiều nước châu Âu đã buộc phải tìm kiếm các giải pháp thay thế như nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Na Uy và một số nơi khác để đáp ứng lượng dự trữ bắt buộc trước mùa Đông.

 Một trạm xăng ở London, Anh. (Ảnh: TTXVN).

Giá khí đốt cao đã kết thúc?

Các chuyên gia cho rằng điều tồi tệ nhất hiện đã qua, với giá xăng đã giảm từ mức đỉnh lịch sử. Tuy nhiên, phát biểu với tổ hợp truyền thông Đức DW, người đứng đầu bộ phận giao dịch toàn cầu tại công ty môi giới dầu khí Trident LNG, Toby Copson, cho rằng điều đó không có nghĩa là cuộc khủng hoảng năng lượng đã kết thúc.

Và mùa Đông tới có thể sẽ khó khăn hơn, do có rất ít nguồn cung từ Nga để lấp đầy kho chứa. Trước đó, dù cắt giảm, nhưng Nga vẫn cung cấp 60 tỷ mét khối khí đốt cho châu Âu vào năm 2022, bằng khoảng một nửa so với hợp đồng đã ký.

Ông Adi Imsirovic, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết: "Giá khí đốt ở mức nào sẽ phụ thuộc vào những yếu tố như thời tiết, nhu cầu của Trung Quốc và nguồn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)".

Cho đến nay, những yếu tố khiến cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu khả quan hơn so với năm ngoái là nhờ nhiệt độ ôn hòa hơn bình thường, nhu cầu sưởi ấm giảm, tỷ lệ dự trữ cao và nguồn cung sẵn có nhiều hơn do Trung Quốc hầu như không có mặt trên thị trường giao ngay.

Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi đáng kể nếu thời tiết lạnh hơn và kho lưu trữ bắt đầu cạn kiệt. Theo ông Copson, khi Trung Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm và quay trở lại thị trường, tất cả những điều này sẽ khiến châu Âu phải cạnh tranh với một trong những khách hàng lớn nhất trên thị trường.

Thời tiết – một trong những yếu tố quan trọng

Cố vấn cấp cao của Cơ quan Quản lý Dự án hỗ trợ chuyển đổi xanh, ông Bram Claeys cho biết thời tiết sẽ đóng một vai trò quan trọng. Hiện tại, tình hình có vẻ tốt, nhưng Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã tính đến một đợt lạnh khác vào cuối tháng Ba trong mùa Đông này. Vì vậy, châu Âu vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ.

Trong khi đó, chuyên gia Ashley Kelty, Giám đốc dầu khí và khí đốt tại công ty đầu tư Panmure Gordon lại dự báo châu Âu sẽ kết thúc mùa Đông với lượng dự trữ dưới 15% (thấp hơn so với mức lịch sử 30-35%), điều này sẽ khiến giá năng vẫn duy trì trên mức lịch sử do nhu cầu nạp đầy kho dự trữ cao hơn.

Dự báo giá khí đốt

Các chuyên gia cho rằng giá khí đốt vẫn tăng trong ít nhất vài năm cho đến khi nhu cầu giảm và có nhiều nguồn cung hơn từ Mỹ. Chuyên gia Kelty nói: "Tôi không cho rằng giá khí đốt sẽ quay trở lại mức lịch sử trong tương lai gần.

Điều này là do khí LNG đắt hơn, thiếu nguồn cung từ khí đốt ngoài khơi ở châu Âu và không có nguồn cung từ Nga. Cùng với những lý do trên, xung đột Nga-Ukraine chưa kết thúc, nguồn cung cấp khí đốt từ Nga tiếp tục suy giảm, và công viên hạt nhân của Pháp phần lớn vẫn ở trong tình trạng ảm đạm, giá năng lượng khó có thể hạ nhiệt.   

 Các bể chứa khí tự nhiên hóa lỏng LNG tại Anh. (Ảnh: TTXVN).

Dự trữ khí đốt của châu Âu

Tính đến đầu tháng 12, dự trữ khí đốt của châu Âu đã đầy 92% công suất, mức cao vào thời điểm này trong năm và gần bằng mức cao nhất trong 10 năm do điều kiện thời tiết ôn hòa hơn khi bước vào mùa Đông.

Cụ thể, mức dự trữ khí đốt ở hầu hết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm của họ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu dự trữ của châu Âu sẽ được bổ sung thế nào sau mùa Đông, khi nguồn cung của Nga không được nối lại.

Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs dự báo các kho dự trữ sẽ duy trì ít nhất 20% công suất vào cuối tháng 3/2023. Công ty tư vấn nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie cho rằng mùa Đông lạnh bất thường ở Bắc bán cầu có thể làm giảm lượng khí đốt dự trữ của châu Âu xuống 4% tổng công suất vào tháng 3/2023.

Yếu tố Trung Quốc

Một yếu tố đang quan tâm khác là Trung Quốc và làn sóng COVID- 19 tại nước này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và nhu cầu khí đốt ở châu Âu. Chuyên gia Claeys thừa nhận: "Chúng tôi có thể lấp đầy các kho dự trữ trong năm 2022, một phần là do nhu cầu khí đốt LNG tại Trung Quốc thấp. Nhưng điều này có thể thay đổi và gây khó khăn cho châu Âu trong việc có thể mua đủ LNG trước mùa Đông tới".

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc dự báo rằng nhập khẩu khí đốt LNG của Trung Quốc trong năm 2023 sẽ cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu gia tăng có thể gây khó khăn cho nỗ lực của châu Âu trong việc mua thêm hàng, nhất là trong bối cảnh nhiều khách hàng khác đều đang muốn bổ sung kho dự trữ cho mùa Đông tới mà không cần nhập khẩu từ Nga.

Hạn chế của việc đặt giá trần

Các chuyên gia cảnh báo quyết định của EU đặt giá trần khí đốt có thể gây nguy hiểm cho những nỗ lực của khối trong việc tăng dự trữ trong mùa Hè này.

Các thành viên EU ủng hộ việc đặt trần giá như một cách để hạn chế ảnh hưởng của Nga đối với thị trường khí đốt EU. Một số quốc gia đang chi hàng tỷ euro để hạn chế tác động của việc tăng giá năng lượng đối với các hộ gia đình. Cơ chế giá trần sẽ được kích hoạt nếu hợp đồng khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan vượt quá 180 euro/MWh trong 3 ngày liên tiếp.

Nếu được kích hoạt, giới hạn này sẽ được duy trì trong ít nhất 20 ngày. Các nhà phân tích cho rằng mức trần giá sẽ cho phép những khách hàng châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường giao ngay.

Ông Thierry Bros - chuyên gia dầu khí tại Viện nghiên cứu năng lượng Oxford - cũng xác nhận: "Cơ chế sẽ không tạo được tác động lên hóa đơn năng lượng của người tiêu dùng, và rất ít tác động đối với ngành công nghiệp. Giá bán buôn không nhất thiết phải có mối liên hệ trực tiếp đến hóa đơn điện hoặc khí đốt hàng tháng của các hộ gia đình.

Từ 18 tháng qua, chính phủ các nước đã can thiệp và chi 700 tỷ euro để hạn chế giá thành và giảm thiểu thiệt hại lên người tiêu dùng". Do đó, một biện pháp chỉ xoay quanh giá bán buôn sẽ chỉ có tác động lên một số ít khách hàng mua khí đốt trực tiếp từ thị trường bán buôn.

Tác động lâu dài

Chuyên gia năng lượng tại Đại học Rice ở Houston, Texas (Mỹ), bà Anna Mikulska cho biết: "Các hiệu ứng dây chuyền kinh tế có thể thực sự gây ra vấn đề trong dài hạn. Bà nói: "Vấn đề về nguồn khí đốt là rất nghiêm trọng, bởi tác động lâu dài của nó có thể là sự tháo chạy của các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều khí đốt và có thể chuyển doanh nghiệp tới địa điểm mới, nơi giá thấp hơn".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bap-benh-gia-khi-dot-chau-au-202311475354876.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/