Bao nhiêu nước Đông Nam Á đã bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân?

Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều sắp nhận được vắc xin nhập khẩu và sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng COVID-19 vào cuối tháng này hoặc trong tháng 3. Trong khi đó, Indonesia, Myanmar, Singapore,... đã triển khai tiêm phòng từ tháng 1.

Indonesia, vùng dịch lớn nhất ASEAN, đã khởi động giai đoạn một của chương trình tiêm chủng COVID-19 với mục tiêu tiêm vắc xin miễn phí cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế từ hôm 13/1; và giai đoạn hai với mục tiêu 38,5 triệu người gồm giáo viên, tiểu thương tại các chợ, nhân viên công vụ, lãnh đạo tôn giáo, và thành viên các cơ quan lập pháp được tiêm phòng từ 17/2. 

Tiến độ tiêm phòng COVID-19 của các nước ASEAN - Ảnh 1.

Hình minh họa. (Ảnh: AA).

Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5/270 triệu dân trong vòng 15 tháng. Khoảng 4,6 triệu liều vắc xin của hãng AstraZeneca sẽ tới Indonesia vào khoảng cuối tháng 2. Giới chức cho biết sẽ tiêm liều một và liều hai vắc xin AstraZeneca cách nhau 1 - 2 tháng, thay vì hai tuần như đối với vắc xin Sinovac mà Indonesia đang sử dụng, theo TTXVN.

Reuters cho biết Malaysia mới đây quyết định sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 hàng loạt vào ngày 24/2, sớm hơn dự định hai ngày, sau khi lô vắc xin đầu tiên gồm 312.390 liều của Pfizer/BioNTech đã đến nước này ngày hôm qua (21/2).

Giới chức y tế cho biết lô vắc xin thứ 2 sẽ đến vào ngày 26/2. Sau đó, cứ hai tuần một lần, Malaysia sẽ nhận lô vắc xin mới cho đến khi đơn hàng 32 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioNTech được hoàn tất. 

Bên cạnh đó, vắc xin của Sinovac Biotech (Trung Quốc) sẽ đến nước này vào ngày 27/2, sau khi được nhà chức trách phê duyệt. Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số 32 triệu người trong vòng một năm.

Tại Philippines, qua thăm dò, 84% người được khảo sát cho biết không muốn tiêm chủng vì lo ngại về độ an toàn của vắc xin.

Hiện quốc gia 110 triệu dân này đang đàm phán mua 178 triệu liều vắc xin COVID-19 đủ để tiêm cho 92 triệu dân. 

Theo Al Jazeera, khoảng 3 triệu liều vắc xin dự kiến sẽ được bàn giao trong tháng 2 và phần tiếp theo được chuyển đến trong quý 3 và 4 năm nay. Chính phủ dự kiến các nhân viên y tế và lực lượng lao động tuyến đầu như lái xe, nhân viên dịch vụ thực phẩm sẽ là những đối tượng ưu tiên được tiêm chủng.

Theo kế hoạch tiêm chủng của Thái Lan, giai đoạn đầu sẽ có khoảng 5 triệu người được tiêm chủng vắc xin AstraZeneca và tăng lên 10 triệu người ở giai đoạn tiếp theo. Nhóm được ưu tiên tiêm chủng gồm nhân viên y tế, người lớn tuổi, những người có bệnh nền và lao động di cư.

Tin từ TTXVN cho biết lô vắc xin đầu tiên gồm 200.000 liều của công ty Sinovac (Trung Quốc) sẽ được vận chuyển đến vào ngày 24/2.

Ngày 10/2, Campuchia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng COVID-19 với 600.000 liều vắc xin do Trung Quốc viện trợ. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ cung cấp tổng cộng 1 triệu liều vắc xin cho nước này.

Ngoài ra, giới chức Campuchia đã đặt mua 100.000 liều vắc xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh miễn dịch Ấn Độ (SII) sản xuất. Theo Đại sứ Ấn Độ, hiện hai bên đang trong giai đoạn đầu thương thảo và chưa thể xác định thời điểm bàn giao cụ thể.

Nikkei đưa tin, Myanmar đã bắt đầu chương trình tiêm chủng COVID-19 từ cuối tháng 1, sau khi nhận được 1,5 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Viện Huyết thanh miễn dịch Ấn Độ (SII) sản xuất. Quốc gia 54 triệu dân này cũng đạt được thỏa thuận với SII để mua thêm 30 triệu liều. 

Trong khi đó, Trung Quốc ngày 11/1 hứa cung cấp 300.000 liều cho Myanmar nhưng không đưa ra thời gian cụ thể.

Tại Singapore, người từ 60 - 69 tuổi sẽ bắt đầu được tiêm chủng vào khoảng cuối tháng 3, những nhóm người còn lại bắt đầu vào tháng 4. Tính tới thời điểm này, khoảng 250.000 cư dân Singapore đã được tiêm vắc xin với khoảng 110.000 người đã được tiêm liều thứ hai. Nước này đặt mục tiêu có thêm một triệu người được tiêm liều thứ nhất vào đầu tháng 4. theo Straits Times.

 - Ảnh 1.

Công dân tiêm vắc xin COVID-19 tại trung tâm tiêm chủng ở Jalan Besar hôm 19/2. (Ảnh: Straits Times).

Trong một diễn biến khác, tại thủ đô Viêng Chăn của Lào, các đối tượng ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế tuyến bắt đầu được tiêm vắc xin từ cuối tháng 1 với 2.000 liều vắc xin của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc).

Lào dự kiến sẽ tiêm phòng cho 1,5 triệu dân (22% dân số) trong năm 2021; và khoảng 70% dân số đến năm 2023. Lào cũng đã nhận lô vắc xin Sputnik V đầu tiên của Nga trong tổng số 2 triệu liều đã đặt mua, và sẽ nhận khoảng 1,4 triệu liều vắc xin tài trợ từ cơ chế COVAX từ tháng 4, với tổng số khoảng 1,4 triệu liều, theo TTXVN.

Hôm 10/2, Tân Hoa Xã đưa tin Brunei đã nhận được lô vắc xin của Sinopharm COVID-19 do Trung Quốc tài trợ và đang xem xét chương trình tiêm chủng.

Đối với Việt Nam, theo Bộ Y tế, lô vắc xin nhập khẩu gồm 204.000 liều của AstraZeneca sẽ về đến Việt Nam vào ngày 28/2. Cũng vào khoảng thời gian này, Việt Nam sẽ nhận tiếp khoảng 4,88 triệu liều vắc xin thông qua cơ chế COVAX. Như vậy, Việt Nam sẽ có khoảng hơn 5 triệu liều vắc xin để tiêm mũi thứ nhất.

Về việc phát triển vắc xin COVID-19 trong nước, vắc xin Nano Covax của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I với kết quả tốt, và sẽ bước vào giai đoạn II vào ngày 26/2; dự kiến chuyển sang giai đoạn III trong đầu tháng 5. Cùng với đó, vắc xin COVIVAC của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC), Bộ Y tế và vắc xin của Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) cũng đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/bao-nhieu-nuoc-dong-nam-a-da-bat-dau-tiem-vac-xin-covid-19-cho-nguoi-dan-20210222151800543.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/