Ba năm khắc phục 'thẻ vàng' IUU vẫn còn nhiều việc phải làm

Giữ vững thị trường EU là việc quan trọng mà VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy - hải sản Việt Nam nỗ lực trong những năm qua, đặc biệt là từ sau khi EU cảnh báo thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam.

"Thẻ vàng" và COVID-19 khiến xuất khẩu hải sản sụt giảm

Hội nghị đánh giá 3 năm triển khai chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức đã diễn ra ngày 31/10 tại TP HCM.

Số liệu thống kê của VASEP cho thấy, thẻ vàng IUU của EU đã khiến xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này sụt giảm liên tục từ năm 2018 đến nay.

Cụ thể, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU giảm 6%, năm 2019 giảm 15% và 9 tháng đầu năm 2020 giảm 13%. EU từ vị trí là thị trường xuất khẩu hải sản thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 380-480 triệu USD/năm, hiện nay rớt xuống vị trí thứ 5, sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Ủy ban Hải sản VASEP cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang EU có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây do cảnh báo thẻ vàng IUU và từ đầu năm 2020 đến nay bị tác động kép bởi dịch COVID-19 khiến giá trị xuất khẩu hải sản sang thị trường này trong 9 tháng qua tiếp tục giảm 13% so với cùng năm trước.

Tuy nhiên, EU vẫn là thị trường lớn có tính định hướng và chi phối, là đối tác quan trọng của thủy sản Việt Nam.

Vì vậy, giữ vững thị trường EU là việc quan trọng mà VASEP và cộng đồng doanh nghiệp thủy - hải sản Việt Nam nỗ lực trong những năm qua, đặc biệt là từ sau khi EU cảnh báo thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam.

Khắc phục thẻ vàng IUU vẫn còn nhiều việc phải làm - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Như Huỳnh).

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Bộ đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của VASEP, cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ, chung tay chống khai thác IUU bằng những chương trình, hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực. 

Cụ thể như thực hiện Chương trình “Doanh nghiệp cam kết chống khai thác IUU”; tham gia cùng với cơ quan quản lí nhà nước đóng góp ý kiến, xây dựng các qui định liên quan về chống khai thác IUU.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng đã tăng cường phối hợp với các bên liên quan và mở rộng quan hệ quốc tế trong chống khai thác IUU; thực hiện tốt các hoạt động truyền thông cho các thành phần có liên quan cùng chung tay chống khai thác IUU.

Về tình hình chống khai thác IUU của Việt Nam, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong năm 2020, chúng ta đã có 2 cuộc họp trực tuyến với Cộng đồng châu Âu (EC) vào ngày 30/6 và ngày 22/10 để trao đổi, cập nhật các kết quả triển khai, giải trình các nội dung về chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC.

Tại các cuộc họp này, EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU, đã có nhiều tiến bộ so với trước và đang đi đúng hướng.

Phía EC ghi nhận nỗ lực trong triển khai thực hiện các qui định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Một số kết quả cụ thể như kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đạt trên 82%, đánh dấu tàu cá trên 90%; hệ thống giám sát hành trình tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ từ Trung ương đến địa phươn.

Công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được tăng cường đáng kể; công tác kiểm soát tàu cá Việt Nam ra, vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng đã có nhiều tiến bộ; đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng kí, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương…

Cần mạnh tay xử phạt tàu cá vi phạm khai thác IUU 

Đánh giá từng nội dung công việc cụ thể thì kết quả triển khai tại nhiều địa phương vẫn còn rất chậm như chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, đánh dấu tàu cá, tình trạng tàu cá mất kết nối VMS khi đi đánh bắt hải sản diễn ra phổ biến.

Đặc biệt, nhiều tàu cá vẫn tiếp tục vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, đã có 69 vụ/113 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lí…

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho rằng, việc xử phạt các tàu cá vi phạm khai thác IUU ở nhiều địa phương hiện chưa được nghiêm minh.

Bằng chứng là số lượng tàu cá vi phạm đã bị xử phạt hiện đang rất thấp so với số tàu bị phát hiện vi phạm. Ở nhiều tỉnh, tàu vi phạm gần như chưa bị xử phạt. Trong khi đó, EC đã nói thẳng rằng nếu còn 1 tàu cá vi phạm, Việt Nam vẫn rất khó được gỡ thẻ vàng IUU.

Chính vì vậy, các địa phương cần phải thật nghiêm túc trong việc xử phạt các tàu cá vi phạm và khắc phục những khuyến nghị của EC. Phải làm một cách thực chất để phát triển nghề cá một cách bền vững, lâu dài chứ không phải là làm để đối phó với EC.

Khắc phục thẻ vàng IUU vẫn còn nhiều việc phải làm - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị đánh giá 3 năm triển khai chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU. (Ảnh: Như Huỳnh).

Đồng quan điểm, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc hiện Việt Nam đã triển khai rất nhiều biện pháp để gỡ thẻ vàng IUU nhưng hồ sơ của chúng ta vẫn chưa đầy đủ, vẫn còn những thiếu sót, vi phạm…

“Nhà nước chúng ta đang làm và đã có pháp lý chế tài cho những ghe, tàu vi phạm. Thậm chí có khoản phạt lên đến 2 tỉ đồng. Tuy vậy, về pháp lí, tôi thấy vẫn chưa đủ sức để răn đe, khiến các doanh nghiệp, người làm ăn nghiêm túc và chính nền kinh tế thiệt hại”, bà Sắc nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản Cà Mau, việc bị cảnh báo thẻ vàng IUU đã ảnh hưởng trực tiếp ngư dân, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản.

Tuy nhiên, tuyên truyền, khắc phục thẻ vàng của hiệp hội mới dừng lại ở mức nói, chưa có hoạt động cụ thể tại địa phương, đến trực tiếp ngư dân.

Các doanh nghiệp cam kết không mua cá vi phạm IUU nhưng trên thực tế, ngay cả doanh nghiệp cũng không đủ cơ sở để đảm bảo cá của ngư dân không vi phạm, vì không có cơ chế cộng đồng trách nhiệm hay giao ước cụ thể.

Theo ông Triều, hiệp hội cần phối hợp với cơ quan quản lí của địa phương tổ chức các chương trình đối thoại, tập huấn, tuyên truyền trực tiếp cho ngư dân về việc tuân thủ qui định quốc tế về khai thác, đánh bắt hải sản.

Ngoài ra theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mặc dù những hoạt động của các doanh nghiệp hải sản trong thời gian qua là rất nỗ lực, đã thực hiện theo sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo Thẻ vàng của EC.

Tuy nhiên, để gỡ cảnh báo thẻ vàng và hướng tới phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế thì còn chưa đủ, rất nhiều việc cần phải làm.

Đó là cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lí nhà nước hoàn thiện khung pháp lý đáp ứng đầy đủ các quy định của EC về chống khai thác IUU như kiểm soát tàu cá (kể cả tàu cá ra, vào, hoạt động trên cảng và tàu cá hoạt động trên biển), kiểm soát nguyên liệu hải sản (kể cả truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và nguyên liệu thủy sản nhập khẩu); phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ba-nam-khac-phuc-the-vang-iuu-van-con-nhieu-viec-phai-lam-20201031164733639.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/