Ba lầm tưởng tai hại về cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay

Theo Financial Times, Nga không phải nước đang giành chiến thắng trong cuộc chiến năng lượng. Khủng hoảng ngày nay cũng sẽ không làm gián đoạn các nỗ lực năng lượng sạch và biến đổi khí hậu.

 

Mỏ Utrenneye, cơ sở tài nguyên cho dự án LNG 2 của công ty khí đốt Nga Novatek. (Ảnh: AFP). 

Trong lúc khủng hoảng năng lượng làm tổn thương các hộ gia đình, doanh nghiệp và nền kinh tế thế giới, điều quan trọng là chúng ta cần tách biệt giữa thực tế và sự hư cấu. Ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc (IEA) đã chỉ ra ba lầm tưởng phổ biến và rất nguy hiểm về tình hình hiện nay.

Lầm tưởng thứ nhất là Moscow đang chiến thắng cuộc chiến năng lượng. Không ai có thể chối cãi rằng Nga là nhà cung cấp năng lượng khổng lồ và sự gia tăng của giá dầu khí theo sau cuộc chiến tại Ukraine đang giúp Moscow kiếm thêm thu nhập.

Song, ông Birol khẳng định sự gia tăng trong thu nhập ngắn hạn của Nga sẽ không thể sánh bằng sự mất mát về lòng tin người tiêu dùng và thị phần trong nhiều năm tới.

Moscow đang tự làm hại triển vọng lâu dài của bản thân khi cô lập Liên minh châu Âu (EU) - đối tác chiến lược và khách hàng lớn nhất của năng lượng Nga. Vị trí của Nga trong hệ thống năng lượng quốc tế cũng đang thay đổi một cách tiêu cực.

Lối suy nghĩ trên cũng bỏ qua tác động trung hạn đáng kể của các lệnh trừng phạt quốc tế lên ngành dầu khí Nga, đặc biệt là năng lực sản xuất dầu và vận chuyển khí đốt.

Theo kế hoạch của Nga, sản lượng dầu mỏ của nước này sẽ được khai thác ngày càng nhiều từ các mỏ phức tạp hơn, bao gồm ở ngoài khơi, ở Bắc Cực,... Dưới tác động của các lệnh trừng phạt, việc thiếu vắng công nghệ, doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ phương Tây sẽ tạo ra rủi ro đáng kể tới năng lực khai thác những nguồn lực này của Nga.

Nga đang dựa vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) làm phương thức chính để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chấm dứt sự phụ thuộc vào châu Âu. Trước khi tấn công Ukraine, mục tiêu của Nga là xuất khẩu 120-140 triệu tấn LNG mỗi năm, chậm nhất là vào năm 2035 và gấp 4 lần mức hiện tại.

Giờ đây, mục tiêu trên có vẻ là triển vọng xa vời bởi Nga thiếu đối tác quốc tế và công nghệ. Nỗ lực tự phát triển công nghệ hóa lỏng của Nga chìm ngập trong khó khăn và sự chậm trễ. Dự định xây nhà máy LNG giờ đã quay trở lại khâu thiết kế bản vẽ.

Lầm tưởng thứ hai là khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay là do phong trào năng lượng sạch. Ông Birol thường xuyên trao đổi với các nhà hoạch định chính sách năng lượng và cho biết không ai phàn nàn về việc dựa dẫm quá nhiều vào năng lượng sạch.

Ngược lại, các quan chức muốn có nhiều năng lượng sạch hơn. Họ hối tiếc vì đã không nhanh nhạy hơn trong việc xây dựng nhà máy năng lượng gió và mặt trời hoặc cải thiện tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân.

Nếu thế giới có thêm năng lượng sạch thì chắc chắn khủng hoảng hiện nay đã bớt căng thẳng. Rõ ràng đẩy nhanh quá trình chuyển tiếp từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch là cách tốt nhất để thế giới thoát khỏi khó khăn. Khi mọi người đổ lỗi cho năng lượng sạch và chính sách khí hậu thì họ đang kéo sự chú ý khỏi thủ phạm thực sự: thiếu hụt nguồn cung năng lượng và Nga.

Nhận định sai lầm thứ ba là cuộc khủng hoảng hiện nay là bước lùi lớn có thể cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu của thế giới.

Nhưng thực chất khủng hoảng lại có khả năng mở ra cơ hội để cải tổ hệ thống năng lượng hiện tại và chế ngự ưu thế của nhiên liệu hóa thạch.

Châu Âu đang nâng cao các mục tiêu năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, phân bổ nguồn lực lớn để biến ý định này thành hiện thực thông qua kế hoạch REPowerEU.

Chính phủ Mỹ gần đây đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, thúc đẩy một loạt công nghệ năng lượng sạch như thu giữ carbon và hydro hay trợ cấp cho xe điện. Đạo luật phân bổ 370 tỷ USD cho an ninh năng lượng cũng như đầu tư cho chính sách chống biến đổi khí hậu. Washington có tiềm năng huy động số tiền lớn hơn nhiều từ khu vực kinh tế tư nhân.

Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách khởi động và xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân. Trung Quốc tiếp tục phá vỡ kỷ lục về lượng năng lượng tái tạo và xe điện mà nước này tạo ra mỗi năm. Và Ấn Độ vừa thực hiện bước đi quan trọng hướng tới việc thành lập thị trường carbon và tăng cường hiệu quả năng lượng của các tòa nhà và thiết bị.

Các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đang dồn sức để thúc đẩy năng lượng sạch. Và do đó chúng ta có thể tin tưởng rằng thế giới sẽ có thêm công nghệ năng lượng sạch tiên tiến. Vậy nên đừng tin vào tất cả những quan điểm tiêu cực về khủng hoảng năng lượng.

Dĩ nhiên thế giới còn nhiều thách thức phía trước, đặc biệt là trong mùa đông năm nay. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nga đang chiến thắng hay mọi nỗ lực để ngăn chặn biến đổi khí hậu đều cầm chắc thất bại.

Đông qua xuân lại tới. Cú sốc dầu những năm 1970 đã tạo ra những bước tiến vượt bậc về năng lượng mặt trời, gió và hạt nhân. Khủng hoảng ngày nay có thể có tác động tương tự và giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và an toàn hơn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ba-lam-tuong-tai-hai-ve-cuoc-khung-hoang-nang-luong-toan-cau-hien-nay-202296145541608.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/