Ba kịch bản vĩ mô năm 2023: Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhất khi nào?

SSI cho rằng trong khi số liệu kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022 được kỳ vọng vẫn cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và mức tăng trưởng GDP cao (trên mức nền thấp của năm 2021), thì diễn biến vĩ mô năm 2023 có thể có nhiều khó khăn hơn.

SSI Research vừa công bố báo cáo triển vọng thị trường nửa cuối năm 2022 và năm 2023, đưa ra ba kịch bản vĩ mô năm 2023.

Cụ thể ở kịch bản khả quan, triển vọng hạ cánh mềm cho nền kinh tế toàn cầu, xung đột Ukraine-Nga kết thúc vào năm 2022 và Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero COVID-19.

Trong nước, Việt Nam thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023, với giải ngân đầu tư công cải thiện mạnh so với năm 2022. Ở kịch bản này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể trên mức 7%.

 

Trong kịch bản cơ sở, nếu nền kinh tế toàn cầu phải trải qua cuộc “hạ cánh cứng” (nhưng không phải là một cuộc suy thoái kéo dài), căng thẳng địa chính trị hạ nhiệt đáng kể, trong khi giãn cách xã hội tại Trung Quốc được nới lỏng dần, kinh tế Việt Nam dự báo tăng 6,3 -6,5% trong năm 2023.

Ở kịch bản kém khả quan, nền kinh tế toàn cầu phải trải qua cuộc “hạ cánh cứng” và cuộc suy thoái kéo dài, ần thêm thời gian để giải quyết tất cả các vấn đề toàn cầu. Trong nước, chiến dịch lành mạnh hoá nền kinh tế tiếp tục diễn ra, làm trì hoãn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, dẫn đến tăng trưởng thấp hơn so với tiềm năng. Kinh tế trong kịch bản này sẽ tăng 5,5 - 6%.

Trong cả ba kịch bản năm 2023, CPI dự báo đều tăng trên 4% (trong kịch bản lạc quan là 4,5%, kịch bản cơ sở 4,2% và kịch bản kém khả quan là 5%).

 

"Trong khi số liệu kinh tế vĩ mô nửa cuối năm 2022 được kỳ vọng vẫn cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tỷ lệ lạm phát trong tầm kiểm soát và mức tăng trưởng GDP cao (trên mức nền thấp của năm 2021), thì diễn biến vĩ mô năm 2023 có thể có nhiều khó khăn hơn", các chuyên gia tại đây cho hay.

Khối phân tích dự báo trong nửa đầu năm 2023, nhiều khả năng chỉ số CPI sẽ bật tăng cao vượt mức mục tiêu 4%, trong khi đó tăng trưởng kinh tế sẽ bắt đầu chậm dần lại. Áp lực tăng giá đối với nhiều nhóm hàng hóa/dịch vụ vốn thuộc nhóm Nhà nước quản lý về giá (như điện, nước, giáo dục, y tế…) là khó có thể tránh khỏi. Ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện tại đang là kiểm soát lạm phát, sau đó là tăng trưởng khi rủi ro lạm phát giảm dần.

Về dự báo năm nay, SSI Research cho rằng nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2022 là 7% (tương đương với mức tăng 7,5% trong nửa cuối năm 2022) nhờ mức nền thấp của năm 2021. 

Lạm phát trung bình năm 2022 dự báo vào khoảng 3,5%, thấp hơn so với mục tiêu 4% của Chính phủ và so với mức lạm phát được dự báo các quốc gia khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia của SSI nhận định lạm phát tại thời điểm cuối quý IV có thể sẽ tăng lên 5% so với cùng kỳ và thậm chí sẽ cao hơn trong quý I/2023 trước khi hạ nhiệt dần vào nửa cuối năm 2023.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ba-kich-ban-vi-mo-nam-2023-viet-nam-se-tang-truong-manh-nhat-khi-nao-2022838446173.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/