Áp lực dư cung vẫn đè nặng lên giá cà phê

Đầu tháng 1, giá cà phê tiếp tục giảm do áp lực dư cung, trong khi nhu cầu ở mức thấp, nhiều nước trong kì nghỉ lễ đón năm mới 2020.

Giá cà phê tiếp tục giảm

Theo Cục Xuất nhập khẩu, đầu tháng 1, giá cà phê robusta và cà phê arabica giao hạn giảm so với ngày 31/12/2019. 

Theo đó, trên sàn giao dịch London, ngày 8/1 giá cà phê robusta giao hạn tháng 3 giảm 0,8% so với ngày 31/12/2019, xuống 1.364 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 8/1 cà phê arabica giao hạn tháng 3 giảm 7,4% so với ngày 31/12/2019, xuống còn 122,4 Uscent/lb.

Giá cà phê robusta toàn cầu giảm do áp lực dư cung, trong khi nhu cầu ở mức thấp, nhiều nước trong nghỉ lễ đón năm mới 2020. 

Theo số liệu của cuộc khảo sát lần thứ 4 của Công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (Conab), sản lượng cà phê niên vụ 2019 - 2020 ước đạt 49,31 triệu bao, giảm 20% so với mức cao kỷ lục của Brazil 61,66 triệu bao niên vụ 2018 - 2019

Mặc dù vậy, kết quả khảo sát lần này cho thấy, sản lượng cà phê niên vụ 2019 - 2020 đã tăng thêm 320.000 bao (tăng 0,6%) so với cuộc khảo sát lần thứ 3 công bố vào tháng 9/2019, ở mức 48,99 triệu bao. 

Trong đó, sản lượng cà phê arabica giảm, năng suất trung bình đạt 27,2 bao/ha, thấp hơn 17,8% so với niên vụ 2018 - 2019. Tại Việt Nam, tính đến ngày 2/1/2020, thu hoạch cà phê niên vụ 2019 - 2020 đã hoàn thành gần 85%. Thời tiết thuận lợi cũng hỗ trợ cho việc phơi sấy. 

Giá cà phê dự báo sẽ tăng trở lại

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê robusta toàn cầu có khả năng sẽ tăng trở lại do áp lực dư cung giảm, nhu cầu tiêu thụ tăng, các nhà nhập khẩu quay trở lại thị trường sau nghỉ lễ và lượng tồn kho giảm. 

Theo báo cáo mới nhất từ Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), sản lượng cà phê toàn cầu ước đạt 168,71 triệu bao trong năm 2019 - 2020, giảm so với năm ngoái vì sản lượng cà phê arabica ước giảm 4,1% xuống 96,22 triệu bao, trong khi cà phê robusta tăng 3,7% lên 72,5 triệu bao.

Trong năm 2019 - 2020, tiêu thụ cà phê thế giới ước tăng 1,24 triệu bao lên 169,34 triệu bao.

Điều này có thể dẫn tới thâm hụt 0,63 triệu bao cà phê trong 2019 - 2020, theo đó tiếp tục thúc đẩy giá cà phê đi lên.

Tuy nhiên, đà tăng có thể bị hạn chế khi nhiều mùa vụ năm 2019 - 2020 được đưa vào thị trường, cũng như khả năng một vụ mùa bội thu từ Brazil trong năm mùa vụ 2020 - 2021 sẽ bắt đầu vào tháng 4.

Theo báo cáo của Cơ quan Thương mại Brazil, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 12/2019 đạt 3.161.900 bao, giảm 937.499 bao (tương đương mức giảm 22,9%) so với tháng 12/2018. Nguyên nhân chính là do sản lượng cà phê arabica niên vụ 2018 - 2019 giảm, trong khi xuất khẩu cà phê robusta vẫn tăng mạnh.

Theo báo cáo Viện cà phê Quốc gia Costa Rica, xuất khẩu cà phê của nước này trong tháng 12/2019 giảm 9,6% so với tháng 12/2018, xuống còn 35.790 bao. 

Lũy kế trong 3 tháng đầu niên vụ 2019 - 2020, xuất khẩu cà phê của Costa Rica đạt 61.417 bao, giảm 27% so với 3 tháng đầu niên vụ 2018 - 2019

Theo báo cáo của Viện cà phê Quốc gia Honduras, xuất khẩu cà phê tháng 12/2019 của nước này đạt 339.608 bao, giảm 4,1% so với tháng 12/2018. Lũy kế trong 3 tháng đầu niên vụ 2019 - 2020, xuất khẩu cà phê của Honduras đạt 521.411 bao, giảm 8,3% so với 3 tháng đầu niên vụ 2018 - 2019

Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tiêu thụ cà phê ở Việt Nam và Trung Quốc dự báo sẽ tăng 14% và 16% trong niên vụ 2019 - 2020, trong khi đó Indonesia sẽ là thị trường tiêu thụ cà phê có mức tăng trưởng cao nhất là 54% trong vòng 5 năm qua. 

Tính đến ngày 3/1, lượng tồn kho cà phê arabica chế biến ướt được sàn New York cấp chứng nhận đã giảm thêm 1.537 bao, đăng ký ở mức 2.030.612 bao. 

Trong đó, 88,5% (1.797.876 bao) nằm tại châu Âu và 11,5% (232.736 bao) nằm tại Mỹ. Lượng hàng đang chờ để được cấp chứng nhận giảm 1.365 bao, xuống còn 132.016 bao. 

Lượng hàng tồn kho được sàn giao dịch London cấp giấy chứng nhận tính đến ngày 30/12/2019 giảm 2.000 bao, xuống còn 2.507.167 bao.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ap-luc-du-cung-van-de-nang-len-gia-ca-phe-20200113113831095.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/