Áp lực của ngành công nghiệp chế biến chế tạo châu Á

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang đang tạo áp lực đối với kinh tế toàn cầu trên nhiều mặt trong đó lĩnh vực chế biến chế tạo của khu vực châu Á nhiều khả năng chịu áp lực mạnh.

Theo thống kê của Nikkei – HIS Markit, các chỉ số phản ánh tình trạng hoạt động của khu vực chế tạo tại nhiều quốc gia châu Á có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc, đã yếu đi trong tháng 10/2018.

ap luc cua nganh cong nghiep che bien che tao chau a
Ảnh minh họa

Cụ thể, chỉ số nhà quản lý mua hàng lĩnh vực chế biến chế tạo (PMI) - thước đo chủ chốt đánh giá hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 10 ở mức 50,2 điểm. Đây là tháng thứ hai liên tiếp chỉ số này nằm ở sát ngưỡng thu hẹp 50 điểm. Điều này cho thấy dấu hiệu sa sút mới nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào thời điểm Bắc Kinh phải đối mặt với cuộc chiến thương mại và vấn đề nợ trong nước.

Bên cạnh đó, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu khác ở châu Á, cũng ghi nhận xu hướng PMI giảm tương tự trong tháng 10/2018. PMI ngành chế tạo của Hàn Quốc cũng hạ từ mức 51,3 điểm trong tháng 9/2018 xuống 51 điểm trong tháng vừa qua. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự sụt giảm này có tác động khá lớn trước những diễn biến thương mại do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Trong khi đó, PMI lĩnh vực chế tạo tại Malaysia và Thái Lan đã giảm xuống dưới mức 50 điểm - ngưỡng phân định giữa chiều hướng tăng trưởng và sụt giảm của hoạt động sản xuất. Đây là mức PMI thấp nhất của Malaysia kể từ tháng 7 và là mức thấp nhất của Thái Lan trong vòng hai năm trở lại đây. Tương tự như vậy, Đài Loan cũng chứng kiến hoạt động sản xuất sụt giảm lần đầu tiên kể từ tháng 5/2016 và các doanh nghiệp trong ngành dự kiến sản lượng tiếp tục đi xuống trong 12 tháng tới.

Một báo cáo nghiên cứu khác của HSBC vào tháng 9/2018 cũng cho thấy chỉ số mua hàng của các nhà sản xuất trong lĩnh vực điện tử tại khu vực châu Á đang có chiều hướng đi xuống mặc dù vẫn đang nằm trong vùng mở rộng. Điều đó cho thấy lĩnh vực chế biến chế tạo đang chịu những tác động mạnh mẽ trước sự gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ Trung.

Tình trạng suy giảm của lĩnh vực chế biến chế tạo tại các nền kinh tế mới nổi trong những tháng gần đây được giải thích là do nhiều quốc gia đang phát triển và mới nổi, đặc biệt trong khu vực châu Á nằm trong chuỗi mắt xích dây chuyền sản xuất của khu vực thương mại tự do, chuyên cung cấp linh kiện cho các mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ.

Do đó, khi các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị áp thuế suất mới cao sẽ khiến nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp linh kiện tại các quốc gia này phải tăng chi phí, thậm chí phải giảm vốn đầu tư và có thể phải đóng cửa không hoạt động. Đồng thời điều này cũng khiến chuỗi cung ứng tại châu Á bị gián đoạn và tổn thương.

Mặc dù vậy, tác động của cuộc chiến thương mại lên ngành chế biến chế tạo tại mỗi quốc gia là khác nhau. Theo đánh giá của Ngân hàng phát triển Singapore (DBS) và nghiên cứu của tổ chức Societe Generale, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore sẽ là các nền kinh tế gặp rủi ro cao nhất tại châu Á do các nước này có độ mở thương mại cao và tham gia nhiều vào chuỗi cung ứng linh kiện cho Trung Quốc.

Theo thống kê của WTO, hiện khoảng 60 - 70% giá trị xuất khẩu của các nước châu Á này được sử dụng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó các quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu xảy ra tình trạng gián đoạn trong thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, Ấn Độ do ít có sự kết nối thương mại với Trung Quốc nên sẽ chịu tác động thấp nhất. Nhật Bản và Việt Nam cũng ít chịu tác động từ cuộc chiến thương mại mặc dù cũng là những quốc gia có sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Nguyên nhân là do Việt Nam đang nằm ở cuối chuỗi cung ứng giá trị trong khi Nhật Bản có sự đa dạng hóa sản xuất trong khắp khu vực châu Á.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ap-luc-cua-nganh-cong-nghiep-che-bien-che-tao-chau-a-109409.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/