Ẩn số từ NĐT cá nhân nội: Lượng nhỏ dòng tiền trở lại khi thị trường giảm sâu, lực cầu hấp thụ khi khối ngoại xả?

Theo thống kê, nhà đầu tư trong nước đã mua ròng mạnh mẽ trong tháng 3 khi thị trường giảm sâu, tâm điểm là NĐT cá nhân. Tuy nhiên, điểm lưu ý là các NĐT cá nhân đã bán ròng giá trị tương ứng trong tháng đầu năm và giá trị mua ròng vẫn còn khá thấp so với giá trị rút ra trong cả năm 2019.

Ẩn số từ NĐT cá nhân nội: Lượng nhỏ dòng tiền trở lại khi thị trường giảm sâu, lực cầu hấp thụ khi khối ngoại xả? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư cá nhân bất ngờ "đổ tiền" mạnh vào thị trường trong tháng 3. Ảnh: Lợi Hoàng

Số lượng tài khoản tăng vọt trong tháng 3

Trong tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận thông tin tích cực khi ghi nhận số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân mở mới tăng vọt. 

Cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 31.832 tài khoản, trong khi các NĐT cá nhân nước ngoài mở thêm 167 tài khoản. Cùng với đó, số lượng tài khoản của tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài tăng thêm 117 và 24 tài khoản. 

Lũy kế đến cuối tháng 3 năm nay, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán tại Việt Nam đạt khoảng 2,435 triệu tài khoản.

Trong bối cảnh thị trường liên tục trải qua các phiên bán tháo do lo ngại về tác động tiêu cực của dịch COVID-19, đây dường như là thông tin hỗ trợ khiến không ít nhà đầu tư kì vọng rằng dòng tiền mới đã tham gia "bắt đáy" khi cổ phiếu có mức giá hợp lí. Liệu kì vọng trên là có cơ sở?

NĐT cá nhân trong nước tham gia "bắt đáy", nhưng chưa bằng 1/16 lần giá trị rút ròng năm 2019

Những phiên giao dịch cuối tháng 3 và đầu tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu tạo đáy và bước vào nhịp hồi phục. Trong xu hướng đó, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường mạnh mẽ hơn so với hai tháng đầu năm.

Ẩn số từ NĐT cá nhân nội: Lượng nhỏ dòng tiền trở lại khi thị trường giảm sâu, lực cầu hấp thụ khi khối ngoại xả? - Ảnh 2.

Theo thống kê từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng khoảng 3.994 tỉ đồng trong tháng 3, cao hơn so với con số 938 tỉ đồng ở tháng trước đó. Nhưng nhóm này đã rút ròng khoảng 3.082 tỉ đồng trong tháng đầu năm nay. Tổng hợp 3 tháng đầu năm, các nhà đầu tư trong nước mua ròng 1.850 tỉ đồng.

Cùng xu hướng mua ròng, các tư tổ chức trong nước cũng mua ròng tổng cộng 2.767 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm nay. Hoạt động mua ròng diễn ra tất cả các tháng trong quí I. Dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức trong nước chia làm hai nguồn chính đó là khối tự doanh công ty chứng khoán và hoạt động mua cổ phiếu quĩ của các doanh nghiệp.

Trong quí đầu năm nay, bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán mua ròng tổng cộng 357 tỉ đồng trên toàn thị trường, tập trung vào mã MSN của Tập đoàn Masan. Dòng tiền còn lại đến từ các thương vụ mua cổ phiếu quĩ như TPBank, HDBank, DIC Corp…

Diến biến trái ngược với nhóm đầu tư nội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài liên tục bán ròng trong 3 tháng đầu năm nay. Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong ba tháng đầu năm đạt gần 10.400 tỉ đồng, trong đó các tổ chức nước ngoài chiếm 10.118 tỉ đồng.

Hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung trong tháng 2 và tháng 3, mặc dù mua ròng hơn 1.100 tỉ đồng tháng đầu năm.

Như vậy, thống kê trên cho thấy, khi thị trường liên tục bị bán tháo và động thái rút ròng mạnh mẽ từ khối ngoại, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò lực đỡ của thị trường. 

Tuy nhiên, dòng tiền này có tính bền vững hay chỉ là đầu cơ ngắn hạn khi thị trường rơi vào tình trạng quá bán vẫn còn bỏ ngỏ khi dòng tiền trở lại thị trường vẫn còn khá thận trọng.

Thống kê từ FiinPro trong năm 2019, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bán ròng khoảng 31.210 tỉ đồng. Con số này gấp gần 17 lần giá trị mua ròng trong 3 tháng đầu năm nay, cho thấy dòng tiền của các NĐT cá nhân trở lại thị trường vẫn ở mức thấp.

Ẩn số từ NĐT cá nhân nội: Lượng nhỏ dòng tiền trở lại khi thị trường giảm sâu, lực cầu hấp thụ khi khối ngoại xả? - Ảnh 3.

Điểm sáng duy nhất của thị trường đó là động thái mua ròng của các tổ chức trong nước. Cuối năm 2019, hàng loạt các "ông lớn" trên sàn đã mua vào cổ phiếu quĩ như Vinhomes, Vincom Retails, Vietjet, VPBank với giá trị hàng chục nghìn tỉ đồng.

Chưa thể "cầm máu" đà rút ròng của khối ngoại

Tuy nhiên, điểm lưu ý là việc khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng trên sàn trong cả năm 2019 và quí đầu của năm 2020. 

Hoạt động bán ròng diễn ra trên diện rộng và Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng các quĩ đóng và ETFs giảm qui mô danh mục đầu tư tài sản rủi ro trong khi dòng tiền nóng thông qua P-Note rút vốn khỏi Việt Nam.

Về xu hướng sắp tới của dòng tiền ngoại, theo bộ phận phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam, kì vọng về các đánh giá tích cực hơn của FTSE về triển vọng nâng hạng thị trường giúp kiềm chế hoạt động bán ròng của khối ngoại đã không xảy ra.

Nói thêm về nhận định trên, theo Chứng khoán KB Việt Nam, trong bối cảnh bất ổn hiện tại, cùng việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ trong nước (liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, IPO các doanh nghiệp lớn…), áp lực bán ròng từ NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Ẩn số từ NĐT cá nhân nội: Lượng nhỏ dòng tiền trở lại khi thị trường giảm sâu, lực cầu hấp thụ khi khối ngoại xả? - Ảnh 4.

Nguồn: Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Liên quan đến dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức, bộ phận tự doanh CTCK có dấu hiệu "thoát hàng" khi liên tục gia tăng đà bán ròng khi thị trường bước vào nhịp hồi phục.

Thống kê sơ bộ từ ngày 25/3 – 7/4, khối tự doanh CTCK bán ròng gần 1.000 tỉ đồng. Các mã bị bán ròng mạnh nhất chủ yếu là các Bluechips như MWG (134 tỉ đồng), VHM (66,7 tỉ đồng), ROS (64,3 tỉ đồng), VIC (58 tỉ đồng), MSN (56 tỉ đồng).

Với việc các tổ chức đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đang có dấu hiệu bán ra, NĐT cá nhân trong nước được xem như "cánh én đã làm nên mùa xuân" và khi nào thị trường kết thúc nhịp hồi phục vẫn là ẩn số khi chưa biết dòng tiền của NĐT cá nhân đến bao giờ chấm dứt mua vào.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/an-so-tu-ndt-ca-nhan-noi-luong-nho-dong-tien-tro-lai-khi-thi-truong-giam-sau-luc-cau-hap-thu-khi-khoi-ngoai-xa-20200410134047321.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/