ACV đặt mục tiêu lãi trước thuế gần 2.360 tỷ đồng, đang chờ duyệt phương án chia cổ tức năm 2020

Ngày mai, 27/7, ACV sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 để thông qua kế hoạch kinh doanh và đầu tư năm 2021. Ngoài ra công ty tiến hành bầu cử thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2021 - 2026.

ACV - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng khách trong mùa dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (Mã: ACV) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021. Đại hội dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến vào sáng 27/7.

Trước đó, ngày 20/7, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã thông báo về việc tạm dừng giao dịch trên hệ thống UPCoM đối với hơn 2,1 triệu cổ phiếu ACV kể từ ngày 22/7 đến hết ngày 26/7 do không công bố thông tin về việc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

HNX sẽ thông báo cho phép cổ phiếu ACV được giao dịch trở lại bình thường sau khi ACV công bố thông tin về họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Mục tiêu lãi trước thuế gần 2.360 tỷ đồng

Năm ngoái, tổng doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt 10.159 tỷ đồng; tương đương 49% so với năm 2019 và lợi nhuận sau thuế đạt 1.642 tỷ đồng, bằng 20%. Kết quả này đã bao gồm hoạt động khu bay.

Năm 2021, ACV đặt mục tiêu tổng doanh thu 10.564 tỷ đồng, tăng 4% so với năm ngoái; lợi nhuận trước thuế kế hoạch đạt 2.359 tỷ đồng.

ACV sẽ họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày mai - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của ACV.

Đồng thời, tổng công ty dự kiến tổng sản lượng hành khách khoảng 75 - 79 triệu khách cho năm 2021, tăng 19% so với năm ngoái; tổng hàng hoá - bưu kiện 1,45 triệu tấn, tăng 11%. Kế hoạch hạ/cất cánh dự kiến tăng 22% lên 557.000 lượt, .

Kế hoạch này được ACV đề ra trên cơ sở dự báo tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát trong tháng 8 và các đường bay quốc tế phục hồi dần từ cuối quý III.

Theo đánh giá yếu tố vĩ mô năm 2021, ACV dự kiến thị trường hàng không sẽ phục hồi nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát với nhiều chính sách hỗ trợ, kết nối giao thương, kích cầu phát triển du lịch đặc biệt là thị trường hàng không nội địa được đánh giá phục hồi rất nhanh.

Tuy nhiên bước vào đầu giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế thế giới đang chịu nhiều áp lực từ đại dịch COVID-19, gia tăng rủi ro tài chính, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thu nhập bình quân người lao động giảm mạnh; gia tăng sức ép nợ công và lạm phát. Đồng thời, rủi ro dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường hàng không sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp trong ngành hàng vốn đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV trong năm nay tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tác động COVID-19, làm giảm dòng tiền tích luỹ tái đầu tư giai đoạn trung hạn.

Kế hoạch đầu tư hơn 138.600 tỷ đồng 

Về kế hoạch đầu tư, ACV dự kiến tổng mức đầu tư các dự án xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị là 138.635 tỷ đồng. Kế hoạch vốn giải ngân đầu tư năm là 4.996 tỷ đồng.

Các dự án trọng điểm thực hiện trong năm 2021 bao gồm: Đầu tư xây dựng Nhà ga T3 – Cảng Hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất; mở rộng Nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ - CHKQT Nội Bài; Nhà ga T2 – CHKQT Phú Bài; Nhà ga hàng hóa CHKQT Đà Nẵng; CHKQT Long Thành (giai đoạn 1); Đầu tư xây dựng CHK Điện Biên.

Bên cạnh đó, ACV sẽ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư gồm mở rộng cải tạo Nhà ga T1- CHKQT Đà Nẵng; Nhà ga T2 CHK Đồng Hới; Nhà ga T2 CHK Tuy Hoà. 

Đồng thời, tổng công ty sẽ triển khai đầu tư xây dựng các nhà ga hàng hoá tại các cảng: Đà Nẵng, Cam Ranh, Cát Bi, Liên Khương, Cần Thơ, Thọ Xuân; các dự án đầu tư mở rộng cải tạo sân đỗ máy bay tại các cảng: Đà Nẵng, Vinh, Cát Bi, Đồng Hới, Cam Ranh, đây chủ yếu là các dự án chuyển tiếp.

Đối với đầu tư mua sắm trang thiết bị, ACV sẽ chỉ tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công nghệ thông tin phục vụ khai thác và hệ thống trang thiết bị an ninh an toàn hàng không.

Về kế hoạch phân phối khoản lợi nhuận năm 2020, ACV đề xuất phân bổ quỹ khen thưởng và phúc lợi 390 tỷ đồng, trích quỹ thưởng của người quản lý là hơn 1,7 tỷ. 

Bên cạnh đó, ACV vẫn đang chờ cơ quan Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt về phương án phân phối lợi nhuận còn lại và chia cổ tức cho năm 2020. Công ty cho biết sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản hoặc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để phê duyệt kế hoạch cổ tức năm 2020 sau khi được cơ quan Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt.

Tính đến cuối năm 2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất của ACV hơn 9.705 tỷ đồng.

ACV sẽ họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày mai - Ảnh 3.

Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020 của ACV. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ năm 2021 của ACV).

Cũng trong lần đại hội tới, ACV sẽ tiến hành bầu cử thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tuy nhiên, hiện công ty chưa công bố danh sách các ứng cử viên.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/acv-dat-muc-tieu-lai-truoc-thue-gan-2360-ty-dong-dang-cho-duyet-phuong-an-chia-co-tuc-nam-2020-20210725165312655.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/