9 xu hướng định hình tương lai trong năm 2023: Sự khó đoán sẽ là bình thường mới

Năm 2023 và tương lai gần sẽ được định hình bởi xung đột Ukraine, nguy cơ suy thoái, những liên minh với được thành lập và các thách thức khí hậu, nhân khẩu học, chính trị, văn hóa.

Theo Economist, trong hai năm qua, đại dịch COVID từng là động lực định hình tương lai. Tuy vậy, động lực chính hiện nay sẽ là cuộc xung đột Ukraine.

Trong những tháng tới, thế giới sẽ phải đối mặt với những bất ổn xung quanh tác động của cuộc xung đột đối với địa chính trị và an ninh; cuộc đấu tranh kiểm soát lạm phát; hỗn loạn trên thị trường năng lượng; và con đường hậu đại dịch không bằng phẳng của Trung Quốc. Phức tạp hơn, tất cả những vấn đề trên được liên kết chặt chẽ với nhau như thể các bánh răng. 

Economist đã tổng hợp 9 chủ đề cần theo dõi trong năm tới.

1. Xung đột Ukraine

Giá năng lượng, lạm phát, lãi suất, tăng trưởng kinh tế, thiếu lương thực … đều phụ thuộc vào cách mà cuộc xung đột này diễn ra trong những tháng tới.

Economist cho rằng xung đột Ukraine nhiều khả năng vẫn sẽ bế tắc. Nga sẽ cố gắng kéo dài xung đột, với hi vọng rằng khủng hoảng năng lượng, những thay đổi chính trị tại Mỹ sẽ làm giảm sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine.

Binh sĩ Ukraine sử dụng xe tăng T-80 thu được từ phía Nga. (Ảnh: Clodagh Kilcoyne/Reuters).

2. Suy thoái cận kề

Economist cho rằng những nền kinh tế hàng đầu sẽ rơi vào suy thoái khi ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát - hậu quả của đại dịch, được thúc đẩy bằng giá năng lượng cao.

Suy thoái tại Mỹ sẽ tương đối nhẹ; suy thoái tại châu Âu sẽ khó khăn hơn. Nỗi đau sẽ lan rộng trên toàn cầu, khi đồng USD mạnh tác động tới những quốc gia nghèo, vốn đã phải chống chọi với giá thực phẩm tăng.

3. Tia hy vọng về khí hậu

Đối mặt với khủng hoảng năng lượng, nhiều quốc gia đã trở lại với nhiên liệu hóa thạch trong năm 2022. Tuy nhiên, trong trung thạn, xung đột Ukraine sẽ tăng tốc quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

4. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt đỉnh

Dự kiến vào tháng 4/2023, dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc, ở mức 1,43 tỷ người. Với dân số đi xuống, nền kinh tế gặp nhiều trắc trở, các chuyên gia đang thảo luận xem liệu Trung Quốc đã đến giới hạn hay chưa. Tăng trưởng chậm hơn đồng nghĩa với nguy cơ Trung Quốc không bao giờ đuổi kịp Mỹ.

Dân số Ấn Độ dự kiến sẽ vượt Trung Quốc vào năm sau.

5. Nước Mỹ chia rẽ

Mặc dù Đảng Cộng hòa thể hiện kém hơn dự kiến trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, những chia rẽ về xã hội, văn hóa trong các vấn đề như phá thai, súng … vẫn tiếp diễn sau một loạt phán quyết gây tranh cãi của Tòa án Tối cao. Việc cựu Tổng thống Donald Trump tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 sẽ càng đổ thêm dầu vào lửa.

6. Những điểm nóng cần chú ý

Chiến sự tại Ukraine đã làm tăng nguy cơ xung đột nổ ra tại những nơi khác. Xung đột có thể nổ ra tại sân sau của Nga, khi Moscow đang tập trung sức lực ở Ukraine.

Trung Quốc có thể sẽ quyết định leo thang căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Căng thẳng cũng có thể nổ ra tại dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Và có thể, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiếm một hòn đảo của Hy Lạp tại Biển Aegean.

7. Liên minh thay đổi

Giữa những thay đổi địa chính trị, các liên minh đang phản ứng. NATO, được hồi sinh sau xung đột Ukraine, có thể sẽ chào đón hai thành viên mới. Liệu Arab Saudi sẽ tham gia Hiệp định Abraham, về bình thường hóa quan hệ với Israel?

Các nhóm khác, đang có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn bao gồm Bộ Tứ (Quad) và AUKUS - hai diễn đàn do Mỹ lãnh đạo nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc - và I2U2, một diễn đàn liên kết Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ.

Khối BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã và dự kiến đón thêm những thành viên mới, bao gồm Iran và Argentina. Những liên minh này được coi như đối trọng của Nga và Trung Quốc với phương Tây.

8. Du lịch quay trở lại

Khi du khách bắt đầu du lịch sau các đợt phong tỏa, ngành du lịch toàn cầu gần như sẽ trở về mức 1.400 tỷ USD của năm 2019. 

Số chuyến du lịch quốc tế, dự kiến đạt 1,6 tỷ, vẫn sẽ thấp hơn mức trước đại dịch là 1,8 tỷ. Số chuyến đi công tác vẫn sẽ thấp do doanh nghiệp cắt giảm chi phí.

9. Phép thử của metaverse (vũ trụ ảo)

Liệu làm việc và vui chơi trong thế giới ảo có vượt ra ngoài trò chơi điện tử hai không? Năm 2023 sẽ tiết lộ một số đáp án cho câu hỏi này, khi Apple ra mắt chiếc kính thực tế ảo đầu tiên, và Meta (Facebook) xem xét lại chiến lược khi cổ phiếu sa sút.

Bức ảnh selfie nổi tiếng của ông Mark Zuckerberg trong thế giới metaverse Horizon World. Bức ảnh này đã nhận được nhiều phản ứng tiêu cực. (Ảnh: Meta).

Một số sự thay đổi ít phức tạp, và hữu ích hơn trong năm tới có thể là việc “passkey” (chứng chỉ kỹ thuật số sử dụng sinh trắc học) dần thay thế mật khẩu. Passkey là sáng kiến của Google, Microsoft và Apple.

Nhìn chung, đại dịch đã đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ tương đối ổn định và có thể đoán trước về địa chính trị và kinh tế.

Thế giới ngày nay đã trở nên bất ổn hơn nhiều, do bị xáo trộn bởi những thăng trầm của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, dư chấn của đại dịch, biến động kinh tế, thời tiết khó lường và sự thay đổi nhanh chóng về xã hội và công nghệ.

Economist cho rằng sự khó đoán định sẽ là bình thường mới và chúng ta phải học cách chấp nhận hiện thực này.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/9-xu-huong-dinh-hinh-tuong-lai-trong-nam-2023-su-kho-doan-se-la-binh-thuong-moi-20231195038106.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/