80% tài sản của Vietjet là các khoản phải thu

Tổng giá trị phải thu ngắn hạn và dài hạn của Vietjet tại ngày 30/9 năm nay là 53.879 tỷ đồng, chiếm 80% tổng tài sản và tăng 34,2% so với ngày đầu năm.

Quầy tự làm thủ tục của Vietjet. (Ảnh: Song Ngọc).

Các khoản phải thu và đặt cọc hàng chục nghìn tỷ đồng

Tại ngày cuối quý III, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) có giá trị phải thu ngắn hạn là 36.716 tỷ đồng, tăng gần 13.500 tỷ so với ngày đầu năm và tương ứng với tỷ lệ tăng 57,8%. Tương tự, các khoản phải thu dài hạn cũng tăng thêm 275 tỷ đồng trong 9 tháng, lên mức 17.164 tỷ đồng.

Tổng cộng, các khoản phải thu (ngắn hạn và dài hạn) của Vietjet tăng thêm 13.730 tỷ đồng lên 53.880 tỷ, mức cao nhất từ trước đến nay.

Khoản phải thu quan trọng nhất là từ các khách hàng với giá trị gần 17.500 tỷ đồng, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Ngoài ra, Vietjet còn góp quỹ bảo dưỡng tàu bay thuê hơn 10.000 tỷ đồng và đặt cọc mua tàu bay 6.552 tỷ đồng. 

Phải thu khách hàng ngắn hạn và góp quỹ bảo dưỡng tàu bay thuê là các khoản phải thu lớn nhất của Vietjet.

Hãng bay do tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm Tổng Giám đốc đã đặt mua 100 tàu bay Boeing 737 MAX vào tháng 5/2016. Đến tháng 12/2018, Vietjet tiếp tục đặt mua 100 chiếc cùng loại. Tổng cộng, Vietjet đã đặt mua 200 chiếc Boeing 737 MAX với tổng giá trị đơn hàng có thể lên tới trên 20 tỷ USD.

Lãnh đạo Vietjet cho biết các đơn đặt hàng mua máy bay với Boeing có ý nghĩa rất lớn về mặt tài chính cũng như năng lực khai thác vì các hãng đang phải xếp hàng chờ một thời gian dài mới nhận được tàu bay.

Vietjet hiện nay là một trong những hãng có đơn đặt hàng Boeing 737 MAX lớn nhất, ngang ngửa với những thương hiệu lớn như Southwest Airlines hay United Airlines của Mỹ. Chính đơn hàng khổng lồ này là lý do Vietjet cần đặt cọc hơn 6.500 tỷ đồng cho Boeing. 

80% tổng tài sản là phải thu, 3% là tài sản cố định

So với quy mô tổng tài sản tại ngày cuối quý III, giá trị phải thu ngắn hạn + dài hạn 53.880 tỷ đồng chiếm 80%, đây cũng là tỷ lệ khoản phải thu/tổng tài sản cao nhất trong lịch sử Vietjet.

Các khoản mục tiền mặt và tiền gửi, hàng tồn kho, đầu tư tài chính, xây dựng dở dang, tài sản cố định và một số tài sản khác chiếm 20% còn lại.

Tại ngày cuối quý III/2022, Viejet có tổng giá trị phải thu là gần 53,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, phải thu ngắn hạn chiếm 54% tổng tài sản, phải thu dài hạn chiếm 25% tổng tài sản.

Theo số liệu từ airfleets.net, Vietjet hiện nay đang khai thác 75 tàu bay, trong đó có 73 chiếc thân hẹp thuộc gia đình Airbus A320 và A321, đồng thời có hai chiếc thân rộng A330. Mỗi chiếc tàu bay có giá hàng chục triệu USD. Vậy tại sao khoản mục tài sản lớn nhất của Vietjet lại là phải thu mà không phải là tài sản cố định hay phương tiện vận tải?

Nguyên nhân là gần như tất cả 75 tàu bay kể trên đều do Vietjet thuê của bên thứ ba để hoạt động, không phải do hãng sở hữu trực tiếp. Vì vậy, Vietjet không thể ghi nhận toàn bộ giá trị của các tàu bay này lên bảng cân đối kế toán của mình.

Tổng giá trị tài sản cố định hữu hình, vô hình và tài sản thuê tài chính của Vietjet tại ngày 30/9 năm nay là hơn 2.000 tỷ đồng, chỉ tương đương 3% tổng tài sản.

Tàu bay Vietjet trên sân đỗ, tháng 6/2022. (Ảnh: Song Ngọc).

75 tàu bay nói trên đã giúp Vietjet thực hiện 86.489 chuyến bay trong ba quý đầu năm ngay, chiếm 37% toàn ngành và tăng 147% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng số chuyến bay của Vietjet cao hơn đáng kể so với hai hãng hàng không lớn khác là Vietnam Airlines và Bamboo Airways.

Riêng trong quý III, Vietjet đã thực hiện hơn 35.000 chuyến bay và vận chuyển 6,4 triệu lượt khách. Vận tải hành khách nội địa là nhân tố chính đóng góp vào sự phục hồi với tăng trưởng 36% số chuyến bay và 44% tổng hành khách. Trong khi đó, vận tải hành khách quốc tế mới phục hồi khoảng 25% so với trước dịch COVID-19.

Số chuyến bay của Vietjet trong 9 tháng đầu năm 2022 xấp xỉ bằng Vietnam Airlines.

Số chuyến bay tăng mạnh hậu đại dịch giúp Vietjet cải thiện doanh thu lên 11.600 tỷ đồng trong quý III vừa qua, cao gấp 4,4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, riêng doanh thu từ vận chuyển hành khách nội địa và quốc tế là xấp xỉ 4.600 tỷ đồng, cao gấp 186 lần quý III/2021. Doanh thu hoạt động phụ trợ cũng lần lượt cao gấp 4 lần và 22,7 lần cùng kỳ, đạt 4.114 tỷ và 1.117 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vietjet còn có doanh thu từ việc thu xếp, chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ; doanh thu từ cho thuê khô tàu bay, … Doanh thu hoạt động tài chính 208 tỷ đồng cũng là một nhân tố giúp Vietjet có lãi sau thuế 42,5 tỷ đồng trong quý III.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietjet ghi nhận 27.535 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 170%. Lợi nhuận sau thuế đạt 187,5 tỷ đồng, giảm 3,2%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/80-tai-san-cua-vietjet-la-cac-khoan-phai-thu-2022111114836197.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/