8 dự đoán sai bét nhè của các chuyên gia lừng danh về thị trường chứng khoán

Nhận định của các chuyên gia tài chính không nên là yếu tố duy nhất để nhà đầu tư đưa ra quyết định vì nhiều khi, các chuyên gia cũng sai một cách ngớ ngẩn.

8 dự đoán "thảm họa" của các chuyên gia nổi tiếng về thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Các chuyên gia cũng có thể có những dự đoán ngây ngô đến mức buồn cười. (Ảnh minh họa: Reuters).

Ngay cả những nhà phân tích được trọng vọng nhất cũng mắc sai lầm – đây là điều không ai tránh khỏi. Một số người lớn tiếng đưa ra dự đoán chỉ vì muốn thu hút sự chú ý và kiếm thêm tiền, số khác thực sự tin tưởng ý kiến của mình nhưng vẫn thất bại trong khoản đầu tư.

Dưới đây là 10 dự đoán táo bạo nhất về thị trường chứng khoán – theo hướng tích cực hoặc tiêu cực – đã sai lầm một cách nghiêm trọng, theo tổng hợp của trang web tài chính Dividend.com:

1. Dow Jones đạt 30.000 điểm vào năm 2008

Quyển sách tiêu đề: "Dow 30.000 điểm vào năm 2008: Vì sao lần này thực sự khác biệt" được viết bởi Robert Zuccaro. Ông từng là thành viên trong một quỹ đầu tư đạt được tỷ suất lợi nhuận lên đến ba chữ số trong năm 1998 và 1999, nhưng dự đoán 2008 lại sai lầm một cách ngoạn mục.

2008 là khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng 1929, với chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 30%, từ 12.000 điểm xuống 8.000 điểm.

2. Internet sẽ không có tác động đến đầu tư

Năm 1988, đúng 20 năm trước khi giành được giải Nobel Kinh tế, Giáo sư Paul Krugman đưa ra tuyên bố liều lĩnh về Internet. Cụ thể, ông nghĩ rằng Internet sẽ chỉ có tác động đến nền kinh tế cỡ máy fax.

"Khi tốc độ thay đổi công nghệ trong máy tính chậm lại, số lượng công việc cho các chuyên gia công nghệ thông tin sẽ giảm tốc, sau đó thực sự sụt giảm. Sau 10 năm, cụm từ nền kinh tế thông tin sẽ nghe có vẻ ngớ ngẩn".

3. Blockbuster có thể đấu lại Netflix

Cổ phiếu công nghệ từ lâu đã khiến giới phân tích và nhà đầu tư, đặc biệt là khi một số có hệ số P/E cao ngất ngưởng. Nhà phân tích Paul La Monica của CNN vào năm 2003 cảnh báo nhà đầu tư không chọn Netflix chỉ vì "có vẻ thú vị", do ông lo ngại về việc Netflix được giao dịch với giá gấp 200 lần thu nhập dự kiến và nhiều lý do khác nữa.

Vào thời điểm đó, chuỗi cho thuê DVD Blockbuster vẫn là một công ty có khả năng sống sót. La Monica cảnh báo rằng dịch vụ sắp ra mắt Filmcaddy của Blockbuster có thể đả thương Netflix.

Vào thời điểm La Monica viết bài phân tích, Netflix có giá 11 USD/cp. Hiện Netflix đang được giao dịch với giá 624,9 USD/cp còn Blockbuster đã phá sản.

4. Dow Jones sụp đổ vào năm 2013

Kể từ năm 2008, khá nhiều nhà phân tích đã đưa tên tuổi mình lên truyền thông với dự đoán suy thoái sâu và thị trường sụp đổ. Một trong số đó là "Dow Could Crash to 3,000 in 2013: Author" đăng trên tờ CNBC. Người viết là Harry Dent, CEO công ty nghiên cứu kinh tế HS Dent.

Dent viết trong cuốn sách xuất bản năm 2011 "The Great Crash Ahead" rằng Dow Jones sẽ có một năm 2012 đầy khó khăn và sụp sâu xuống 3.000 điểm vào năm 2013.

Trái lại, 2013 là năm thành công nhất của Dow Jones trong hơn một thập kỷ. Chỉ số này thiết lập hơn 52 kỷ lục trong 12 tháng và kết năm với mức tăng 26,5%, mức cao nhất kể từ năm 1995, theo MarketWatch.

8 dự đoán sai bét của các chuyên gia lừng danh về thị trường chứng khoán - Ảnh 2.

5. AIG tự tin về hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng

Trước khi rơi vào khủng hoảng tài chính 2008, tập đoàn bảo hiểm AIG mạnh tay sử dụng hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS). Một số nhà đầu tư lo lắng vì công cụ này khá phức tạp. Để trấn an lo ngại, vào năm 2007, AIG tuyên bố:

"Chúng tôi không thể mường tượng được kịch bản nào mà trong đó AIG lại để mất tới 1 USD trong một giao dịch CDS".

Trên thực tế, CDS là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng của AIG năm 2008. Chỉ một năm sau phát biểu đao to búa lớn, AIG sụp đổ hoàn toàn và phải nhận 85 tỷ USD cứu trợ từ chính phủ Mỹ.

6. Gièm pha buổi IPO của Google

Có rất nhiều buổi IPO mà nhà đầu tư ước rằng họ đã tham gia, trong đó không thể không nhắc đến Google. Nhà cựu quản lý quỹ đầu cơ Whitney Tilson có lẽ là một trong những người hối hận nhiều nhất khi ông viết bài báo năm 2004 chê bai buổi IPO của Google. Ông nhận định Google khó có khả năng duy trì thị phần trong thị trường công cụ tìm kiếm:

"Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng cổ phiếu Google sẽ trở thành nỗi thất vọng lớn lao đối với bất kỳ nhà đầu tư nào đủ ngu ngốc để tham gia vào buổi IPO quá cường điệu của nó – tôi dám cá với bạn".

Whitney Tilson từng là một trong những chuyên gia được theo dõi nhiều nhất trên Phố Wall. Ông nổi tiếng với việc tổ chức Value Investing Congress, diễn đàn tập hợp những nhà đầu tư được kính trọng nhất để "cùng hưởng lợi từ việc chia sẻ trí tuệ đầu tư".

7. Nợ thế chấp dưới chuẩn là "phi rủi ro"

Nói nhảm có vẻ là xu hướng thời thượng trong giai đoạn trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và Fannie Mae cũng không phải ngoại lệ. Bắt đầu với phát biểu năm 2004 của CEO Franklin Raines:

"Các tài sản dưới chuẩn này phi rủi ro đến mức lượng vốn cần thiết để nắm giữ chúng nên nằm dưới 2%".

Các khoản thế chấp dưới chuẩn mà Fannie nắm giữ trở thành một trong những nguyên nhân chính của khủng hoảng 2008. Chính phủ Mỹ buộc phải can thiệp và giúp đỡ Fannie.

8. Đừng lo cho Bear Stearns

Danh sách này sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu mất câu nói của Jim Cramer, người dẫn chương trình chứng khoán nổi tiếng Mad Money của CNBC. Cramer đã lập không ít quyết định đầu tư khôn ngoan nhưng cũng có các sai lầm hoành tráng.

Đáng nhớ nhất là tuyên bố của ông về Bear Stearns ngày 11/8/2008, ngay trước khi thị trường sụp đổ. Khi người xem hỏi rằng liệu họ có nên lo ngại về Bear Stearns hay không, Cramer trả lời nhiệt tình: "Không! Không! Không! Bear Stearns vẫn ổn. Đừng thoái vốn khỏi Bear, đó là hành động ngu ngốc".

5 ngày sau, Bear Stearn bị bán cho JPMorgan với giá 2 USD/cp. Vào thời điểm Cramer phát biểu, Bear Stearn được giao dịch quanh mức 60 USD/cp.  

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/8-du-doan-sai-bet-cua-cac-chuyen-gia-lung-danh-ve-thi-truong-chung-khoan-20211013163413736.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/