5 lý do khiến giá dầu không bật tăng dù Trung Quốc đã mở cửa

Rủi ro từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, suy thoái toàn cầu và thời tiết thất thường đã khiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đi xuống.

Theo Bloomberg, việc Trung Quốc dần gỡ bỏ chính sách Zero COVID đã kéo theo nhiều dự báo về sự bùng nổ trong nhu cầu dầu mỏ. Tuy vậy, sự phục hồi nhu cầu trên thực tế sẽ cần phải mất vài tuần, hoặc thậm chí là vài tháng nữa.

Thị trường dầu mỏ khởi đầu năm 2023 với tình trạng dư thừa do nhu cầu yếu và nguồn cung mạnh, cùng với khối lượng giao dịch thấp. Một loạt các sự cố bất ngờ khiến thị trường dễ xảy ra những biến động lớn, làm các nhà giao dịch gặp khó khăn trong việc dự đoán xu hướng giá cả.

Ông Gary Ross, một nhà tư vấn dầu mỏ kỳ cựu, cho biết: “Đối với tôi, thị trường đang dư thừa ít nhất là 1 triệu thùng mỗi ngày. Sẽ có lượng hàng tồn kho lớn. Không rõ liệu thị trường sẽ xử lý 10 triệu thùng dầu dư thừa mỗi tuần như thế nào?”.

Tình trạng dư cung trong thời gian ngắn, kết hợp với việc nhiều nhà máy lọc dầu Mỹ phải đóng cửa do đợt băng giá gần đây là một trong số những lý do khiến thị trường dầu mỏ chưa thể hưởng lợi từ đợt tái mở cửa của Trung Quốc.

Giá dầu vào đầu năm 2023 đã rẻ hơn đầu năm 2022.

Băng giá

Ngay trước Giáng sinh, một đợt lạnh giá đã kéo xuống nhiều khu vực của Mỹ, buộc các nhà máy lọc dầu phải nhanh chóng đóng cửa. Vào lúc đỉnh điểm, khoảng 40% công suất chế biến dầu thô của bang Texas đã ngừng hoạt động. Một phần trong số này vẫn tiếp tục dừng cho đến tuần đầu tiên của năm 2023.

Bà Amrite Sen, trưởng bộ phận phân tích dầu mỏ tại Energy Aspects, nhận định: “Những đợt băng giá trên diện rộng tại Mỹ khiến sự cân bằng [cung-cầu] dầu thô suy yếu”.

Nguy cơ suy thoái toàn cầu

Những lo lắng về nhu cầu tiêu thụ trên toàn thế giới tiếp tục kéo dài do nguy cơ giảm tốc tại cả Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Vào hôm 3/1, số liệu sản xuất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại với tốc độ nhanh vào cuối năm 2022.

Dù khả năng đi lại đã được cải thiện trong những ngày gần đây, vẫn còn nhiều lo ngại rằng đợt bùng phát mới nhất sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế.

Tại Mỹ, số liệu sản xuất cũng tiếp tục không đạt kỳ vọng. Số liệu tại châu Âu cũng cho thấy sự sụt giảm trong tháng 12.

Chỉ số PMI dưới 50 thể hiện hoạt động sản xuất thu hẹp.

Nhu cầu theo mùa

Quý đầu tiên của năm thường là thời điểm hàng tồn kho tăng lên. Dự báo gần đây nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nguồn cung đang thừa khoảng 600.000 thùng/ngày so với nhu cầu trong quý đầu tiên.

Ước tính trên chưa xét đến tác động của đợt băng giá làm đóng cửa nhiều nhà máy lọc dầu tại Mỹ. Ông Ross nói: “Việc hàng tồn kho tăng trong quý đầu tiên cho thấy tình trạng ảm đạm”.

Thời tiết ấm áp ở phần lớn phương Tây cũng làm giảm nhu cầu sưởi ấm. Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia, phần lớn nước Mỹ sẽ có nhiệt độ ấm hơn bình thường trong khoảng từ ngày 10 đến ngày 16/1.

Trước đó, nhu cầu dầu thô đã tăng lên do một số nơi chuyển sang phát điện bằng dầu mỏ trong bối cảnh thiếu khí đốt.

Giao dịch kỹ thuật

Trong nhiều tháng, thị trường dầu mỏ đã đối mặt với tình trạng thanh khoản thấp khi biến động và yêu cầu ký quỹ tăng lên đẩy số hợp đồng xuống mức thấp nhất trong nhiều năm.

Thanh khoản thấp khiến giá dễ bị dao động mạnh vào những ngày mà các nhà giao dịch kỹ thuật, hay còn gọi là cố vấn giao dịch hàng hóa (CTA), hoạt động mạnh.

Tuần này, hợp đồng tương lai dầu thô của Mỹ vượt lên đường trung bình trượt 50 ngày (MA) trước khi tụt xuống. Động thái trên đã thúc đẩy hoạt động bán kỹ thuật. Những người có liên quan tới thị trường cho biết CTA đang bán dầu trong đợt giảm giá hôm 4/1. Hoạt động bán theo đà cũng đóng góp vào xu hướng này.

Nhu cầu biến mất

Công ty tư vấn FGE cho biết: “Việc dỡ bỏ đột ngột các hạn chế về yêu cầu xét nghiệm COVID kể từ tháng 12 và sự bùng phát mạnh mẽ các ca nhiễm sau đó đã khiến nhu cầu tiêu thụ giảm trong những tuần gần đây, đặc biệt là đối với xăng và diesel”.

Trong khi các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu đã qua đỉnh dịch, số ca nhiễm mới gia tăng ở khu vực nội địa và nông thôn sẽ hạn chế nhu cầu về nhiên liệu trong những tháng tới.

Bắc Kinh đã cung cấp thêm hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu hào phóng cho các nhà máy lọc dầu trong năm nay. Bởi vậy, các nhà giao dịch và nhà phân tích dự báo phần lớn sự tăng trưởng nhu cầu từ Trung Quốc sẽ rơi vào những tháng sau. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/5-ly-do-khien-gia-dau-khong-bat-tang-du-trung-quoc-da-mo-cua-20231675241944.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/