5 cách để khôi phục tài chính sau một mùa hè tiêu xài thả ga

Mùa hè là khoảng thời gian gia tăng tiêu dùng vào rất nhiều hoạt động và những chuyến du lịch. Kết quả là bạn bị bội chi và lúc nào cũng cảm thấy thiếu ngân sách cho các việc khác. Vậy làm thế nào để phục hồi khả năng tài chính cá nhân nhanh chóng khi mùa hè kết thúc?

Đơn cử, các gia đình đi nghỉ mát thường hay lựa chọn sử dụng thẻ tín dụng với suy nghĩ rằng họ sẽ trả tiền sau. Khi mùa hè kết thúc, thu nhập cố định của họ đôi khi không đủ chi trả các hóa đơn hàng tháng cộng dồn sau những chuyến đi.

Trang CNBC đã chỉ ra những việc cần làm ngay để hồi phục tài chính sớm sau một mùa hè 'thả ga".

Lập kế hoạch và ngân sách

Đây luôn được coi là thói quen tài chính hiệu quả để "chống chọi" với việc chi tiêu quá tay cho mùa hè. Nó mang tính kỉ luật, không khác gì chế độ ăn uống và tập thể dục. Sau khi tận hưởng kì nghỉ, mùa thu là thời gian để trở lại ăn uống lành mạnh và duy trì thói quen tập luyện thông thường của bạn. Ngân sách cũng vậy.

Chuyến đi của bạn cũng nên có ngân sách du lịch riêng. Hãy thiết lập các chi phí sớm cho mùa hè, có thể là vào đầu năm.

Ví dụ, bắt đầu từ việc tính xem bạn sẽ chi bao nhiêu cho việc đi lại, chia số tiền đó cho sáu (vì du lịch chủ yếu vào mùa hè) và đặt số tiền đó vào tài khoản tiết kiệm của bạn mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 1.

Tài khoản này sẽ kiếm được tiền lãi trong suốt cả năm, giúp bạn có thể tăng chi tiêu cho mùa hè nếu cần thiết.

Kiềm chế chi tiêu

Hãy thử qui tắc 30 ngày đơn giản để hạn chế chi tiêu. Bất cứ khi nào bạn muốn thực hiện một giao dịch mua lớn, hãy đợi 30 ngày để chắc chắn rằng đó là một nhu cầu chứ không phải là một mong muốn.

Phương pháp này cũng có thể giúp bạn lập ngân sách cho nhiều loại mặt hàng khác nhau, đặc biệt là hàng xa xỉ vì khoảng thời gian này bạn có thể dùng để tiết kiệm tiền nếu cuối cùng bạn vẫn quyết định mua nó.

Nếu bạn cảm thấy 30 ngày dường như quá dài, hãy đợi một ngày cho mỗi 1 triệu đồng chẳng hạn. Nếu nó có giá 3 triệu đồng, hãy đợi ít nhất 3 ngày trước khi quyết định.

Sử dụng tín dụng cẩn thận

Tránh sử dụng thẻ tín dụng cho phần lớn các giao dịch mua của bạn và đảm bảo bạn trả nhiều hơn số dư tối thiểu trong mỗi lần thanh toán. Số dư càng nhỏ, bạn càng đỡ bị tính nhiều lãi mỗi tháng.

Ngoài ra, thói quen sử dụng tiền mặt sẽ làm cho việc chi tiêu quá mức trở nên khó khăn hơn. Khi bạn đưa tiền giấy, nó khiến các giao dịch trở nên toán học hơn rất nhiều, giúp bạn dễ kiểm soát hơn, trái ngược với việc quẹt một miếng thẻ nhựa.

Theo dõi chi phí

Những thứ làm giảm ngân sách của bạn thường là những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như thực phẩm, mua sắm, đồ dùng gia đình, du lịch. Hãy sử dụng một ứng dụng chi tiêu hoặc quản lí tài chính cá nhân để ghi nhận và phân tách chi phí cố định và chi phí biến đổi.

Theo dõi là một cách tuyệt vời để thấy các vấn đề đang hình thành thay vì chỉ đợi đến sau này mới nhận ra bạn đã bội chi.

Kiểm tra nhiều lần, ít nhất là một lần giữa tháng, để bạn có thể lập kế hoạch chi tiêu tốt hơn và cắt giảm chi tiêu nếu cần. Khi bạn phát hiện ra mình cần tiết kiệm, hãy thiết lập một kế hoạch để bắt đầu thực hiện nó sớm.

Lập kế hoạch cho cả điểm thưởng

Nếu bạn muốn đăng kí thẻ tín dụng chỉ vì phần thưởng du lịch được cung cấp kèm theo, bạn nên lập kế hoạch trước cho chuyến đi của bạn. Điều này cho bạn thời gian để đăng kí và nhận thẻ, kiếm tiền thưởng và thiết kế chuyến đi.

Nhưng hãy sử dụng thẻ cẩn thận và cố gắng tuân thủ các nguyên tắc chi tiêu của bạn. Khoảng một phần ba số người Mỹ thừa nhận trong một cuộc khảo sát của Nerdwallet rằng họ đã bội chi chỉ để kiếm điểm thưởng hoặc tận dụng các dịch vụ tiện ích liên kết từ nhà phát hành thẻ để phục vụ cho chuyến du lịch của họ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/5-cach-de-khoi-phuc-tai-chinh-sau-mot-mua-he-tieu-xai-tha-ga-20190705102903167.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/