4 bài học về tiếp thị số từ các thương hiệu lớn

Tiếp thị số không phải là một lĩnh vực dễ dàng đem lại lợi nhuận nếu doanh nghiệp không biết cách triển khai phù hợp.

Ngày nay, các công ty ở mọi quy mô đang tìm cách cải thiện hiệu quả của tiếp thị trên mạng xã hội (Digital Marketing). Lí do vô cùng chính đáng: Các nền tảng kỹ thuật số liên tục đổi mới cách thức để các thương hiệu được tìm kiếm, chia sẻ và trải nghiệm.

Số liệu nói lên điều đó: số người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới dự kiến sẽ đạt 3,09 tỉ người dùng hàng tháng vào năm 2021 và người dùng internet toàn cầu dành khoảng 136 phút mỗi ngày để lướt mạng xã hội. 

Nhiều tổ chức nhanh chóng đầu tư nhiều nguồn lực hơn cho tiếp thị số - công nghệ hiện chiếm 29% tổng ngân sách chi phí quảng cáo, theo ước tính gần đây của Gartner và chi tiêu cho Digital Marketing ước tính đạt khoảng 385 tỉ USD.

Tuy nhiên, các con số ấy là con dao hai lưỡi. Người dùng tương tác với các sản phẩm, dịch vụ và chiến dịch quảng cáo trong thời gian thực trên các mạng xã hội, tạo ra nhu cầu mới cho doanh nghiệp nhưng xây dựng và duy trì mức độ phản hồi trực tuyến cao đòi hỏi chiến lược mục tiêu và giá trị rõ ràng của thương hiệu.

Một chiến lược Digital Marketing thành công không phải do tính thẩm mỹ hay phong cách mà là sự phù hợp giữa những gì thương hiệu cam kết và mang lại. Để phát triển chiến lược hiệu quả, doanh nghiệp hãy cân nhắc 4 yếu tố dưới đây:

Mục tiêu chiến lược

Đối với các công ty khởi nghiệp và các sản phẩm thích hợp, chiến lược quảng cáo có thể bắt đầu bằng nhu cầu thử nghiệm ý tưởng, xây dựng nhận thức và dự đoán về sản phẩm và dịch vụ mới. 

Trong các trường hợp khác, mục tiêu có thể cụ thể hơn như tăng doanh số, mở rộng khu vực phủ sóng, tăng gắn kết thương hiệu theo thời gian hoặc tạo ra các khách hàng tiềm năng chất lượng.

Khi đặt mục tiêu, hãy xác định những chỉ số đo lường thành công của chiến dịch. Thương hiệu đang cần có thêm nhiều lượt thích, chia sẻ, bình luận? Sản phẩm sẽ châm ngòi cho một trào lưu mới? Hay công ty muốn truyền cảm hứng thay đổi hành vi như khuyến khích mọi người sử dụng đồ tái chế? Các chỉ số lựa chọn phải phù hợp với mục tiêu tiếp thị.

Khối lượng dữ liệu sẵn có sẽ khiến nhiệm vụ này không còn khó khăn. Các chỉ số được xác định rõ ràng, bao gồm cả dòng thời gian và ngân sách, sẽ đảm bảo chiến dịch đi đúng hướng. Các mục tiêu không chỉ cho phép bạn đo lường rõ ràng mức độ triển khai mà còn cho bạn thấy được những vấn đề liên quan cần giải quyết.

Lựa chọn nền tảng phù hợp

Quyết định lựa chọn mạng xã hội nào để triển khai chiến dịch phải bắt nguồn từ hiểu biết về bản sắc và sở thích của khách hàng. Mỗi nền tảng thu hút đối tượng nhân khẩu học khác nhau và doanh nghiệp cần thực hiện nghiên cứu để tìm ra nơi họ đang sử dụng. 

Ví dụ, nhóm đối tượng người dùng trẻ tuổi có thể được tiếp cận hiệu quả hơn trên các nền tảng mới như TikTok hoặc Snapchat. Các thương hiệu y tế và chăm sóc sức khỏe nên phát triển một chiến lược trực quan hơn, tập trung vào Instagram. 

Logic tương tự áp dụng cho khu vực địa lí và vùng lãnh thổ. WhatsApp rất phổ biến ở Ấn Độ nhưng nếu bạn muốn tiếp cận người dùng Trung Quốc, bạn phải tập trung vào WeChat hoặc Weibo.

Chiến lược nội dung 

Các doanh nghiệp thường có ngân sách, đội ngũ, bộ phận liên quan và ý tưởng nhưng hiếm khi cân nhắc chi tiết về nội dung. Điều này ảnh hưởng đến cả doanh thu và hình ảnh thương hiệu.

Một cuộc khảo sát cho thấy 46% người tiêu dùng quyết định trung thành với một thương hiệu nào đó vì nội dung truyền cảm hứng. 

Bạn cần xác định loại nội dung (bài viết, video, hình ảnh) có thể thúc đẩy tính tương tác với khách hàng mục tiêu. Chiến lược nội dung tuyệt vời sẽ xây dựng những cuộc trò chuyện và chia sẻ gần gũi giữa thương hiệu với công chúng một cách hiệu quả.

Để làm được điều đó, nội dung của bạn phải độc đáo, hữu ích và có thể chia sẻ. Ví dụ, ArogyaWorld, một tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe toàn cầu, đang thực hiện chiến dịch phổ cập chế độ dinh dưỡng đúng cách ở Ấn Độ. 

Họ đã làm việc với một công ty thiết kế hàng đầu để biến các hướng dẫn dinh dưỡng phức tạp của chính phủ Ấn Độ thành một bức tranh đơn giản cho cả ẩm thực Bắc và Nam của Ấn Độ, cung cấp thông tin về số lượng thực phẩm, kế hoạch bữa ăn cho nhiều lứa tuổi và lối sống khoa học.

Đồ họa infographic lan truyền trên mạng xã hội và nhanh chóng thu hút khoảng 3 triệu lượt xem nhờ hình ảnh màu sắc, thú vị và dễ ghi nhớ.

Nếu nội dung của bạn nhạy cảm, chiến lược nội dung cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp hơn. Ví dụ, công ty quảng cáo Techdivine từng làm việc với một khách hàng trong ngành sức khỏe tâm thần. Vấn đề khách hàng này lo ngại là mức tương tác trên trang Facebook của họ quá thấp. 

Rõ ràng là hầu hết người dùng không thoải mái để thảo luận về chủ đề này trên mạng xã hội. Vì vậy, Techdivine định hướng lại chiến lược để khuyến khích người dùng trao đổi với thương hiệu bằng cách sử dụng các tùy chọn nhắn tin riêng tư. 

Họ cũng xây dựng các nguồn tài nguyên cho phép mọi người tìm hiểu vấn đề nhạy cảm này một cách an toàn với các nội dung chuyên sâu dành riêng cho các tài khoản đã đăng kí.

4 bài học về Digital Marketing từ các thương hiệu lớn - Ảnh 2.

Số người dùng mạng xã hội trên toàn thế giới dự kiến sẽ đạt 3,09 tỉ người dùng hàng tháng vào năm 2021 và người dùng internet toàn cầu dành khoảng 136 phút mỗi ngày để lướt mạng xã hội. Ảnh: Adweek

Khả năng tương tác liên tục trong thời gian thực

Tương tác trên mạng xã hội là mối quan hệ hai chiều cần cả thương hiệu và người tiêu dùng cùng thúc đẩy. Vì vậy, doanh nghiệp cần thể hiện rằng họ đang lắng nghe và phản hồi các câu hỏi, mối quan tâm và đề xuất từ khách hàng. 

Các công ty biết cách nắm bắt những khoảnh khắc thú vị có thể xây dựng nhận thức thương hiệu cũng như hình ảnh đẹp trong lòng khách hàng.

Gần đây, việc một người dùng Twitter lên tiếng chế giễu người đàn ông Nam Phi cầu hôn tại cửa hàng KFC làm dậy sóng cộng đồng mạng Mỹ. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đã phản ứng bằng cách tặng cặp đôi này một đám cưới trong mơ. 

Nhiều thương hiệu khác, bao gồm cả Coca-Cola, Woolworths và Audi, cũng nhanh chóng gửi tặng rất nhiều món quà giá trị khác.

Các thương hiệu ngày nay, có khả năng (và trách nhiệm) truyền cảm hứng và kết nối với người tiêu dùng lớn hơn nhiều so với 10 năm trước. Mạng xã hội là một công cụ mạnh mẽ để tương tác, thu về phản hồi và xây dựng niềm tin với khách hàng cũng như nhiều doanh nghiệp đối tác cho một công ty. 

Giải quyết triệt để 4 yếu tố ở trên có thể đảm bảo chiến lược Digital Marketing phù hợp với mục tiêu kinh doanh cũng như mang đến giá trị cho người dùng và khách hàng trong dài hạn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/4-bai-hoc-ve-tiep-thi-so-tu-cac-thuong-hieu-lon-20200124151855841.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/