19 doanh nghiệp FDI gửi thư lên Thủ tướng vì không thể quay lại sản xuất, mong cứu được những đơn hàng cuối cùng

Các doanh nghiệp FDI cho biết vệc Tiền Giang "một mình đi một đường" khiến cho doanh nghiệp và người lao động rất khổ sở. Đã hơn 3 tháng nay, đa số công nhân lao động tại các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục "thắt lưng buộc bụng", đời sống kinh tế vô cùng khó khăn.

Trong thư cầu cứu gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 19/10, 19 doanh nghiệp FDI (đang sử dụng gần 70.000 lao động) trình bày từ 15/7 đến nay, đa số doanh nghiệp ở Tiền Giang ngừng sản xuất để tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền. 

Hiện hơn 80% người lao động của các nhà máy đã tiêm mũi một vắc xin COVID-19 đủ 14 ngày nhưng vẫn chưa được quay lại các nhà máy. Bởi theo quan điểm của tỉnh Tiền Giang, "sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất", chỉ khi nào 100% lao động tiêm mũi 2 đủ 14 ngày, doanh nghiệp mới có thể hoạt động trở lại theo hướng bình thường mới.

Vào ngày 1/10, cộng đồng doanh nghiệp lớn có viết thư kêu cứu gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi cụ thể, cũng như không thấy có thay đổi tích cực nào. 

Đầu tháng 10, nhiều tỉnh thành phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, người lao động các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại. 

Riêng tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất 3 tại chỗ làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, gây khó khăn cho người lao động cũng như lãng phí tài chính của doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

"Việc Tiền Giang 'một mình đi một đường' khiến cho doanh nghiệp và người lao động rất khổ sở. Đã hơn 3 tháng nay, đa số công nhân lao động tại các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục 'thắt lưng buộc bụng', đời sống kinh tế vô cùng khó khăn", bức thư nêu rõ.

Để cứu những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng, cộng với hàng nghìn tỷ đồng mua nguyên vật liệu đang bỏ ngổn ngang nhiều tháng ròng, 19 doanh nghiệp này đề nghị Thủ tướng xem xét 5 vấn đề, gồm:

Thứ nhất, không bắt buộc nhà máy sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, 2 địa điểm".

Thứ hai, cho người lao động đang sống tại vùng 1 đến vùng 3 (nguy cơ thấp - trung bình - cao) đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được dùng xe cá nhân và xe đưa đón để quay lại nhà máy sản xuất vào 1/11. Doanh nghiệp sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch tại đơn vị.

Thứ ba, không giới hạn thời gian được ra ngoài với người lao động trong quá trình đến nhà máy làm việc. Hiện tỉnh Tiền Giang yêu cầu người dân hạn chế ra đường từ 19h đến 5h hôm sau.

Thứ tư, cho phép doanh nghiệp test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm PCR mẫu đơn cho người lao động vào ngày đầu tiên quay lại làm việc. Sau đó doanh nghiệp sẽ xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế.

Thứ năm, cho phép người lao động ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vắc xin quay lại Tiền Giang làm việc.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/19-doanh-nghiep-fdi-gui-thu-len-thu-tuong-vi-khong-the-quay-lai-san-xuat-mong-cuu-duoc-nhung-don-hang-cuoi-cung-20211021015926981.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/