1.000 tỷ USD chỉ là thiệt hại ban đầu, khủng hoảng năng lượng châu Âu sẽ còn thêm trầm trọng

Châu Âu đã thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD do chi phí năng lượng tăng cao. Theo nhiều dự báo, cuộc khủng hoảng năng lượng sâu sắc nhất trong nhiều thập kỷ tại châu lục già mới chỉ bắt đầu.

Theo Bloomberg, sau mùa đông năm nay, châu Âu sẽ phải đổ đầy kho chứa khí đốt mà không có hoặc chỉ có rất ít nguồn cung từ Nga.

Ngay cả trong trường hợp năng lực tiếp nhận khí đốt của châu Âu được tăng cường, thị trường vẫn sẽ trong tình trạng khan hiếm cho tới năm 2026, khi mà Mỹ và Qatar có thể nâng sản lượng. Những thách thức này đồng nghĩa với việc giá khí đốt sẽ tiếp tục cao.

Theo tổ chức tư vấn Bruegel, các chính phủ châu Âu có thể bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp khỏi phần lớn thiệt hại với hơn 700 tỷ USD viện trợ. Tuy vậy, tình trạng khẩn cấp về khí đốt có thể kéo dài trong nhiều năm.

 

Với lãi suất tăng và các nền kinh tế có khả năng suy thoái, những gói hỗ trợ đã giảm bớt thiệt hại cho hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp.

Ông Martin Devenish, Giám đốc công ty tư vấn S-RM, cho biết: “Một khi cộng tất cả mọi thứ lại, như gói cứu trợ, trợ cấp … thì đó sẽ là một số tiền lớn đến nực cười”.

“Các chính phủ sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này vào năm tới”, ông nói thêm.

Tình hình tài chính của các chính phủ châu Âu đều đang căng thẳng. Khoảng một nửa thành viên Liên minh châu Âu (EU) có khoản nợ chính quyền trung ương vượt quá 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Theo tính toán của Bloomberg, 1.000 tỷ USD là số tiền mà người tiêu dùng, doanh nghiệp châu Âu phải chịu, và không phải tất cả đều được các gói viện trợ bù đắp. Bruegel cũng có ước tính tương tự khi xem xét nhu cầu và sự gia tăng giá cả, được công bố trong một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Thử thách của mùa đông

Hiện tại, hệ thống năng lượng châu Âu đang bắt đầu đối mặt với thử thách của mùa đông. Tuần trước, cơ quan quản lý lưới điện của Đức cảnh báo rằng sẽ không có đủ khí đốt, và hai trong 5 chỉ số, bao gồm mức tiêu thụ, đã trở nên báo động.

Dù đã giảm mức tiêu thụ, EU vẫn có thể thiếu khí đốt vào năm sau.

Với nguồn cung hạn hẹp, doanh nghiệp và người tiêu dùng được yêu cầu giảm tiêu thụ. Theo Cơ Quan năng lượng Quốc tế, EU đã hạn chế nhu cầu sử dụng khí đốt thêm 50 tỷ m3 trong năm nay.

Tuy vậy, khu vực này vẫn sẽ thiếu 27 tỷ m3 vào năm 2023, với giả định rằng nguồn cung từ Nga bị cắt hoàn toàn, và nhu cầu khí hóa lỏng (LNG) của Trung Quốc quay lại như năm 2021.

Nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc vào 2023 có thể sẽ cao hơn 7% so với 2022, theo Viện kinh tế Năng lượng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Công ty nhà nước này đã bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với châu Âu về các lô hàng cho năm tới.

Nhật Bản, nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới năm nay, thậm chí còn đang xem xét khả năng thiết lập một kho dự trữ chiến lược. Tokyo cũng đang tìm cách trợ cấp cho hoạt động mua LNG.

Hóa đơn năng lượng của người dân châu Âu cao hơn nhiều so với năm ngoái.

Giá khí đốt tại châu Âu hiện chỉ còn 135 EUR/MWh, so với mức đỉnh khoảng 350 EUR/MWh hồi tháng 7. Nếu giá trở lại mức 210 EUR, thì theo ông Jamie Rush, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại Bloomberg Economics, chi phí nhập khẩu của châu Âu có thể lên tới 5% GDP. Mức giá này sẽ biến kỳ vọng suy thoái nông thành suy thoái sâu, buộc các chính phủ phải thu hẹp chương trình hỗ trợ. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/1000-ty-usd-chi-la-thiet-hai-ban-dau-khung-hoang-nang-luong-chau-au-se-con-them-tram-trong-2022121971624299.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/