|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xóa sổ ngành thủy sản, Seaprodex Sài Gòn 'chật vật' với giấc mơ bất động sản

13:27 | 13/07/2018
Chia sẻ
Thành lập năm 1993, với ngành nghề kinh doanh cốt lõi là thủy sản nhưng đến 2016, Seaprodex Sài Gòn chính thức xóa bỏ ngành này và theo đuổi giấc mơ bất động sản như bao đại gia trên sàn chứng khoán.

Giấc mộng trở thành đại gia địa ốc

CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon - Mã: SSN) có tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản TP HCM, thành lập năm 1993, kinh doanh chính trong lĩnh vực chế biến và buôn bán thủy hải sản.

Năm 2015, cơ cấu vốn của Công ty có bước chuyển biến quan trọng khi phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 96 tỷ lên 396 tỷ đồng. 300 tỷ đồng thu về được, Seaprodex Saigon dự định dùng 270 tỷ đồng đầu tư vào các doanh nghiệp cùng ngành nghề để mở rộng sản xuất kinh doanh, tập trung giữ vững cơ cấu xuất khẩu vào hai thị trường chính là Hàn Quốc và EU với các mặt hàng chủ lực cá tra, bạch tuộc.

Tuy nhiên, tiền thu được từ tăng vốn đã không chảy vào các doanh nghiệp thủy sản như kế hoạch. Đầu năm 2016, Seaprodex Saigon nhanh chóng chuyển hướng sang lĩnh vực bất động sản khi bỏ ra 303 tỷ đồng mua lại 99,99% CTCP Thương mại và Du lịch Sài Gòn (Sp.CO) – chủ sở hữu của hơn 8.000 m2 tại đường Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2, TP HCM.

Trong khoảng thời gian này, Công ty còn ký hợp đồng với CTCP Thương mại và Dịch vụ Xây dựng (Traseco) về việc hợp tác đầu tư dự án Centa Park tại quận Tân Bình, TP HCM. Theo đó, Công ty góp bằng quyền đầu tư dự án và các hạng mục công trình với giá tạm tính là 500 tỷ đồng, Traseco góp vốn 500 tỷ đồng.

Động thái bất ngờ này cho thấy sự chấm dứt hoàn toàn mảng kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản, vốn là mảng cốt lõi làm nên tên tuổi Seaprodex Saigon. Với lợi thế đất đai sẵn có, Seaprodex Saigon đã và đang hướng tới kinh doanh sang lĩnh vực bất động sản với phương án cho thuê các mặt bằng làm văn phòng, kho bãi và hợp tác đầu tư phát triển các dự án chung cư, căn hộ, khu thương mại cao cấp.

Hiện Seaprodex Saigon đang phát triển dự án Centa Park, khai thác các mặt bằng tại 665-667 Lò Gốm và Trung tâm thương mại 1534 Võ Văn Kiệt, quận 6, TP HCM... Mở rộng quỹ đất thông qua hình thức hợp tác đầu tư để phát triển các dự án bất động sản khác cũng nằm trong kế hoạch của công ty.

Nhờ chuyển hướng hoàn toàn này, từ doanh nghiệp thua lỗ (năm 2012 lỗ 44 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 13 tỷ đồng), Seaprodex Saigon báo lãi 1,4 tỷ đồng (năm 2014), 11 tỷ đồng (năm 2015) và 83 tỷ đồng (năm 2016). Tuy nhiên đến 2017, kết quả kinh doanh có phần chững lại với lợi nhuận sau thuế khoảng 24 tỷ đồng, chỉ đạt 30% kế hoạch năm.

xoa so nganh thuy san seaprodex sai gon chat vat voi giac mo bat dong san

Dự án trung tâm thương mại 1534 Võ Văn Kiệt – Quận 6.

Đổi nghề chưa chắc đổi vận

Sau khi đổi ngành kinh doanh, Ban lãnh đạo Công ty đặt mục tiêu khá tham vọng tại đại hội cổ đông thường niên 2017 với tăng diện tích quỹ đất lên 6 ha và tổng giá trị tài sản lên 5.000 tỷ đồng giai đoạn 2017-2020.

Đến 2020, Seaprodex Saigon dự kiến có 10 ha đất sạch trong nội thành TP HCM. Tuy nhiên, kết quả thực tế so kế hoạch còn rất xa. Mục tiêu này hiện vẫn là số 0 do một số dự án kẹt về pháp lý.

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2018, ông Vũ Cao Trung - Chủ tịch HĐQT cho biết, 2017 là một năm khó khăn đối với Seaprodex Sài Gòn khi cả doanh thu và lợi nhuận đạt chưa đầy 1/2 kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu đạt gần 75 tỷ đồng, hoàn thành 48% kế hoạch; lãi trước thuế 24,4 tỷ đồng, hoàn thành 30,5% kế hoạch năm.

Nguyên nhân là do dự án Centa Park đã được cấp giấy chứng nhận chấp thuận đầu tư nhưng vẫn còn vướng mắc các thủ tục pháp lý khác nên tiến độ xây dựng thi công dự án bị chậm.

xoa so nganh thuy san seaprodex sai gon chat vat voi giac mo bat dong san
Dự án Centa Park tại quận Tân Bình, TP HCM.

Ông Trung cho biết, Công ty chỉ mới hoàn thành 50% thủ tục pháp lý. Ban lãnh đạo đang cân nhắc vay ngân hàng khoảng 1.000-1.500 tỷ đồng để phát triển dự án. Ông Trung cho rằng, đây là áp lực lớn đối với Seaprodex Sài Gòn khi dự án vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục pháp lý.

Được biết, Centa Park do Seaprodex Sài Gòn làm chủ đầu tư tọa lạc trên khuôn viên đất rộng đến 2,2 ha dọc theo đường Âu Cơ và ba tuyến đường phụ là Bàu Cát 9, đường Đồng Đen, Thoại Ngọc Hầu thuộc phường 14, quận Tân Bình, TP HCM. Theo quy hoạch, dự án gồm 4 block căn hộ cao 30 tầng, 5 tầng thương mại, 2 tầng hầm gửi xe.

Đầu 2016, dự án Centa Park mở bán và có thanh khoản khá tốt khi block đầu tiên với hàng trăm căn hộ được bán hết. Dẫu vậy, những rắc rồi về pháp lý cũng như khó khăn của chủ đầu tư là Seaprodex Sài Gòn khiến dự án này bị đình trệ. Hàng trăm khách hàng đã đặt cọc giữ chỗ trước đó rơi vào trạng thái hoang mang vì chưa biết khi nào dự án mới có thể hoàn thành.

Đối với dự án tại số 6 Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình, ông Trung cho biết công ty đã thực hiện hợp tác đầu tư với ba đối tác. Tổng vốn chuyển giao 731 tỷ đồng, trong đó vốn thực góp để hưởng thương quyền hơn 358 tỷ đồng được dùng để cho ba công ty này vay thực hiện dự án.

Còn tòa nhà 87 Hàm Nghi, Công ty có xin chuyển đổi từ thuê sang tài sản dài hạn nhưng chưa được UBND TP HCM phê duyệt. Trong đó tầng 5, 6 và 8 đang sửa chữa và tìm kiếm đối tác khai thác mặt bằng này.

Kế hoạch niêm yết sàn HOSE chưa biết khi nào xong

Không những tham vọng lấn sân sâu vào bất động sản, đại hội 2017 đã thông qua kế hoạch niêm yết HOSE trong tháng 7/2017. Tuy nhiên, Công ty đã bất ngờ xin rút hồ sơ niêm yết. Sau đó một tuần, ngày 12/9/2017, Seaprodex Sài Gòn đã bị Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt 70 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật .

Trao đổi với người viết, ông Trung cho biết, Seaprodex Saigon vẫn giữ nguyên kế hoạch niêm yết. Việc rút hồ sơ của công ty nhằm mục đích hoàn thiện những thủ tục còn thiếu theo yêu cầu từ phía HOSE. Ban lãnh đạo đang cố gắng hoàn thành sớm nhưng chưa biết khi nào mới có thể xong.

Xem thêm

Minh Anh

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.