Tuần 11-15/6: Cơ cấu ETFs, VN-Index đứt chuỗi tăng đầu tháng
Tuần cơ cấu ETFs, thanh khoản giảm, nhóm trụ rung lắc
Tuần 11-15/6, VN-Index đạt 1.016,51 điểm, giảm hơn 22 điểm (2,2%) so với tuần trước. HNX-Index 115,9 điểm, giảm 3,3% và UPCoM-Index đạt 53,07 điểm, giảm 1,4%.
Mở đầu tuần này, VN-Index chỉ nhích vỏn vẹn 0,01 điểm sau tuần trước đó đều trong sắc xanh. Thế giằng co không chỉ xuất hiện đầu tuần này mà dấu hiệu đã thể hiện khá rõ ràng vào các phiên trước. Các mã ngân hàng tác động khác nhau lên chỉ số, trong khi TCB, VPB đóng góp tích cực thì VCB hay BID ngược lại. Phiên 12/6 đánh dấu lần đầu VN-Index có sắc đỏ trong tháng 6 khi có hơn 400 mã giảm và một loạt bluechips "đỏ lửa".
Tình thế trở nên khả quan hơn vào phiên tiếp theo khi các mã trụ lấy lại được sắc xanh bên cạnh các mã bất động sản hay ngân hàng. Tuy nhiên, một lần nữa sức ép bán ra lại xuất hiện trên diện rộng khiến thị trường trong sắc đỏ trước khi tăng nhẹ vào cuối tuần. Đây cũng là thời điểm các quỹ ETFs thực hiện cơ cấu danh mục với nhiều mã đáng chú ý như ROS, STB, HAG hay VIC.
Thị trường chứng khoán 15/6: VN-Index nhích nhẹ cuối tuần trong ngày ETF đảo danh mục |
Tổng giá trị giao dịch trung bình tuần này đạt khoảng 6.420 tỷ đồng/phiên, giảm 1,5% so với tuần trước. Trong đó, các phiên cuối tuần tạo sự chú ý nhất khi các mã thuộc diện điều chỉnh từ ETFs được mua bán mạnh. Đặc biệt là HAG với hơn 31 triệu cổ phiếu khớp lệnh chỉ trong 2 phiên cuối tuần. Khối ngoại bán ròng mạnh vào tuần này, tập trung nhiều vào VIC. Ở phía mua ròng, ROS được khối ngoại mua vào và liên tục nằm trong các mã được mua ròng nhiều nhất.
V.N.M ETF loại HAG, HSG và không thêm mới cổ phiếu Việt Nam |
Thị trường chứng khoán tuần 11-15/6, VN-Index giảm sau chuỗi tăng đầu tháng (ảnh minh họa) |
Trên HOSE, DAT (CTCP Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản) tăng mạnh nhất hơn 39% sau khi tuần trước cũng dẫn đầu với hơn 30%. Dù vậy, tất cả các phiên của mã này đều chỉ có thành khoản 20 đơn vị.
PPI (CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương) tăng 25% với 4 phiên sắc tím liên tiếp. Riêng phiên cuối tuần, mã này có thanh khoản đột biến gần 1,8 triệu đơn vị. Năm 2018, PPI kế hoạch doanh thu hơn 107 tỷ đồng, tăng 170% thực hiện năm 2017. Lợi nhuận trước thuế 622 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 85 tỷ đồng.
TLD (CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long) tăng gần 13% sau khi nằm trong top giảm tuần trước với 8,5%.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất HOSE tuần 11-15/6 |
Về top giảm, TCH (CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy) dẫn đầu hơn 20%. Kế đến là PNC (CTCP Văn hóa Phương Nam) với hơn 17%. Trong tuần, PNC đã lên phương án chuyển nhượng phần vốn của mình tại CGV Việt Nam cho đối tác CJI nhằm giải quyết các khoản nợ.
Nợ đối tác 7 triệu USD, Văn Hóa Phương Nam thế chấp phần vốn tại CGV Việt Nam |
Đáng chú ý trong nhóm này có sự xuất hiện của một bluechips là BVH (Tập đoàn Bảo Việt) khi giảm gần 11%.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất HNX tuần 11-15/6 |
Trên HNX, HKT (CTCP Chè Hiệp Khánh) tăng mạnh nhất hơn 47%. KDM (CTCP Đầu tư HP Việt Nam) tăng 27% sau khi nằm trong top tăng tuần trước với 19%.
CIA (CTCP Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh) tăng gần 23%. CTCP Dịch vụ Sân bay đăng ký mua gần 2,5 triệu cổ phiếu CIA từ 18-29/6/2018. Nếu giao dịch thành công, công ty này sẽ nắm giữ hơn 4,6 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ vốn tăng từ 22,52% lên 48,12%.
Về top giảm, CCM (CTCP Khoáng sản và Xi măng Cần Thơ) dẫn đầu hơn 26%. DCS (CTCP Tập đoàn Đại Châu) giảm hơn 15%. Năm 2018, công ty này lên kế hoạch doanh thu thuần 500 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần thực hiện năm 2017. Lợi nhuận sau thuế 20 tỷ đồng khi cùng kỳ lỗ 2,7 tỷ đồng.
Top cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất UPCoM tuần 11-15/6 (* - lên sàn 12/6, ** - lên sàn 15/6) |
Trên UPCoM, tân binh BBT (CTCP Bông bạch Tuyết) tăng mạnh nhất hơn 104%. Bên cạnh đó, một mã mới khác của UPCoM là DP1 (CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1) tăng hơn 98%. Cả hai mã này đều giao dịch ngày đầu vào 12/6.
Một mã khác lên sàn vào 15/6 là CEN (CTCP CENCON Việt Nam) tang hơn 39% với một phiên tăng trần duy nhất. Dù vậy, thanh khoản chỉ 100 đơn vị.
Tìm lại chính mình, Bông Bạch Tuyết quay lại sàn chứng khoán với giá ‘trà đá’ |
Về top giảm, MTG (CTCP MT Gas) dẫn đầu hơn 42%. Vừa qua, một cổ đông lớn công ty bán toàn bộ hơn 1,5 triệu cổ phiếu MTG, tương ứng tỷ lệ vốn 23,8%. Ngược lại, CTCP Tập đoàn dầu khí An Pha mua vào 1,25 triệu cổ phiếu, tỷ lệ vốn tăng từ 37,26% lên 57,14%.
TCK (Tổng công ty cơ khí Xây dựng - CTCP) giảm 36%. Quý I/2018, Tổng công ty lỗ gần 5 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế hết quý này gần 56,5 tỷ đồng.