Trung Quốc đang biến mình thành người hùng thương mại tự do như thế nào?
IMF: Căng thẳng thương mại chỉ là 1 trong 3 thách thức lớn nhất với nền kinh tế thế giới | |
Nhìn lại 1 năm cuộc chiến thương mại ‘nảy lửa’ giữa Mỹ và Trung Quốc |
Trong khi Tổng thống Donald Trump liên tục gây sức ép buộc Trung Quốc từ bỏ các hành vi thương mại mà Mỹ cho là bất bình đẳng thì Bắc Kinh lại đang tìm cách khắc họa các hành động của Mỹ như một đòn giáng mạnh lên hệ thống thương mại toàn cầu.
“Rất rõ ràng để tất cả thấy rằng tranh chấp thương mại Mỹ - Trung là cuộc chiến giữa chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa đa phương cũng như giữa chủ nghĩa bảo hộ và thương mại tự do. Nhiều quốc gia không thể chịu đựng sự kiêu ngạo và thái độ “chỉ biết mình” của Mỹ về vấn đề này”, Nhân dân Nhật báo – tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết trong một bài bình luận trực tuyến vào ngày 10/4.
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images/Shutterstock/CNNMoney. |
Các chuyên gia cho rằng đây là một tình huống kỳ lạ khi xét về cách thực hành thương mại của Trung Quốc trong quá khứ.
“Trung Quốc đang tìm cách tự định vị là người bảo vệ một hệ thống tuân theo quy định, thế nhưng cách ứng xử của nước này trong quá khứ gây hoài nghi về quyết tâm theo đuổi tinh thần thượng tôn pháp luật của nước này”, ông Mark Wu – giáo sư thương mại quốc tế tại Trường Luật Harvard, cho biết.
Nỗ lực này của Bắc Kinh một lần nữa được thể hiện rõ vào ngày 10/4 khi Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu ca ngợi lợi ích của thương mại tự do và toàn cầu hóa đối với Trung Quốc và toàn thế giới. Ông Tập cho rằng các quốc gia phải cùng hợp tác để thúc đẩy tự do hóa và ủng hộ “hệ thống thương mại đa phương”.
Trung Quốc đang ‘thao túng hệ thống’
Trung Quốc có lý do để bảo vệ hiện trạng trong thời điểm này. Như ông Tập phát biểu, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế thần kỳ tại Trung Quốc và giúp hàng triệu người thoát nghèo.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump xem thành tựu của Trung Quốc là thất bại của nước Mỹ.
Ông Trump trước đó cho biết, WTO cho Trung Quốc “nhiều lợi ích to lớn” và tổ chức này đối xử “bất công” với Mỹ. Đây là chỉ trích mới nhất của ông Trump nhắm vào WTO – tổ chức điều phối quy tắc thương mại toàn cầu và giúp giải quyết các tranh chấp thương mại.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu và nước này đã tuân thủ nhiều – nhưng không phải tất cả - các ràng buộc.
Bắc Kinh “vẫn thường coi nhẹ một số cam kết của mình và lợi dụng những kẽ hở trong hệ thống để giữ tư cách là một nước tuân theo quy định. Trung Quốc đã học được cách thao túng hệ thống như bao người khác”, ông Scott Kennedy – chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược có trụ sở tại Washington, nhận định.
“Tuy nhiên, khi Trung Quốc tăng trưởng và hành vi thao túng hệ thống của nước này ngày càng gây nhiều tổn thất cho các nước khác, thế giới trở nên mất kiên nhẫn với tình trạng này”, ông Kennedy cho biết thêm.
Gia nhập WTO giúp Trung Quốc tăng trưởng đột phá. Nguồn: Greg Baker/AFP/Getty Images. |
Mỹ ‘làm xói mòn hệ thống’
Rất nhiều trong số các chỉ trích của ông Trump nhắm vào Trung Quốc đều giống với những phàn nàn từ các nước và tập đoàn đa quốc gia. Nhưng thay vì xây dựng một liên minh rộng lớn, ông Trump lại chọn cách chống lại Trung Quốc một cách đơn độc mà không theo đúng quy trình của WTO và từ bỏ lợi thế về mặt pháp lý.
“Mặc dù Trung Quốc vi phạm các quy định của WTO suốt 16 năm qua, ông Trump đã tìm cách trả đũa nước này trong thời gian chỉ tính bằng ngày bằng cách đánh thuế nhôm, thép Trung Quốc với lý do an ninh quốc gia mà không tuân theo quy định của WTO, đồng thời đe dọa đánh thuế trả đũa cũng không theo quy trình WTO để đáp trả các hành vi vi phạm của Trung Quốc”, ông Matt Gold – chuyên gia thương mại quốc tế tại Trường Luật thuộc Đại học Fordham, cho biết. Cũng theo ông Gold, các động thái này “đã làm xói mòn cả hệ thống”.
Ông Trump cũng hủy hoại các phẩm chất về thương mại tự do của mình khi quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đe dọa rút khỏi các thỏa thuận thương mại hiện hữu như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
“Cách tiếp cận rối rắm và phô trương của ông Trump đã tạo điều kiện cho Trung Quốc thu hút sự đồng cảm”, ông Kennedy cho biết.
Tổng thống Donald Trump chọn cách đơn độc chống lại Trung Quốc. Nguồn: AFP. |
WTO ‘không được trang bị’ để đối phó với Trung Quốc
Chính phủ Tổng thống Donald Trump cũng gây áp lực lên WTO với nhiều lần trì hoãn các vụ xử của toàn án tối cao WTO.
“Các quan toàn bị quá tải. Đó là khi tấn công hệ thống, bạn chọn mục tiêu là các quan tòa thiên vị và tấn công vào tòa án. Bắc Kinh không muốn điều đó, Trung Quốc muốn giữ lại ngôi nhà mà Mỹ đã xây nên”, ông Chin Leng Lim, giáo sư luật thương mại quốc tế tại Đại học Trung văn Hong Kong, cho biết.
Một số chuyên gia cho rằng hệ thống thương mại hiện nay không còn thực hiện được chức năng của nó. “Vấn đề nằm ở chỗ các quy tắc hiện nay của WTO không được trang bị để đối phó với cấu trúc kinh tế đặc biệt của một Trung Quốc hiện đại, với những liên kết giữa nhà nước, Đảng Cộng sản, doanh nghiệp nhà nước và công ty tư nhân”, ông Wu nhận định.
Tuy nhiên, việc cải cách quy tắc thương mại toàn cầu đòi hỏi các thành viên WTO phải đạt được một thỏa thuận mới – điều vẫn chưa làm được trong suốt 16 năm qua.
WTO cần cải cách để bắt kịp xu hướng thương mại mới. Nguồn: Denis Balibouse/Reuters. |
Các quốc gia khác ‘không muốn khuấy động vấn đề’
Sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc cho phép nước này bỏ ngoài tai những chỉ trích liên quan đến cách thực hành thương mại của mình.
“Các nước khác chịu thiệt thòi vì những hạn chế nhập khẩu và đầu tư của Trung Quốc, nhưng quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nước này vẫn mang đến nhiều cơ hội; và Trung Quốc rất sẵn lòng ưu ái những nước biết phục tùng. Kết quả là, hầu hết chính phủ và doanh nghiệp các nước không muốn khuấy động vấn đề”, ông Kennedy cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh vẫn còn nhiều việc phải làm để thế giới có thể tin vào hình ảnh của một người bảo vệ tự do thương mại mà Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng.
“Trung Quốc vẫn đi sau nhiều cường quốc thương mại khác khi xét về mặt thuế quan thấp và tự do đầu tư. Cho đến khi Trung Quốc nói đi đôi với làm, vẫn rất khó để các nước khác hình dung ra một Trung Quốc có thể thay thế Mỹ như một người hùng của nền thương mại tuân theo quy tắc và mở cửa”, ông Wu cho biết.