Tin tức Thời sự nổi bật 10/6: Ông Kim Jong Un đã đến Singapore, hoãn thông qua Dự Luật Đặc khu, NĐT nhỏ bán tháo hàng
1. Ông Kim Jong Un đã đến Singapore, chuẩn bị hội đàm với ông Trump
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đáp chuyến bay xuống sân bay Changi của Singapore chiều 10/6, khởi đầu việc chuẩn bị cho cuộc họp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Báo Straits Times của Singapore cho biết chiếc máy bay chở ông Kim Jong Un là loại Boeing 747 của hãng hàng không Trung Quốc Air China. Chuyến bay đáp vào khoảng sau 12h30 phút (giờ địa phương).
Dựa trên dữ liệu theo dõi hành trình bay trên trang web Flight Radar 24, trang tin Nknews.org chuyên đưa tin về Triều Tiên đã phát hiện chuyên cơ IL62 P-885 39 của ông Kim Jong Un rời Bình Nhưỡng vào buổi sáng trước khi biến mất trong không phận ở Trung Quốc.
2. Hoãn thông qua dự Luật Đặc khu, NĐT nhỏ bán tháo hàng, cơ hội gom đất cho các DN trường vốn?
Theo một số DN đầu tư tại đặc khu, Quốc hội chưa thông qua dự Luật Đặc khu trong kỳ họp lần này khiến cho các NĐT nhỏ lẻ hụt hẫng, lo lắng, nhiều người trong số họ sẽ có xu thế bán tháo đất để bảo toàn vốn hoặc cắt lỗ tại các thị trường BĐS đặc khu.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS lớn trên địa bàn Vân Đồn cho biết, thông tin Quốc hội tạm dừng thông qua dự Luật Đặc khu đã gây tâm lý hoang mang cho các NĐT lướt sóng. Ngay buổi sáng ngày 9/6 anh đã nhận điện thoại từ hàng trăm NĐT gọi đến nhằm nghe ngóng thông tin thị trường, một số NĐT nhỏ lẻ trót ôm đất chờ thời muốn bán dự án để trả nợ...
Theo ông Đặng Đức Giới, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Đặc khu, hệ lụy từ quyết định trên sẽ chỉ ảnh hưởng lớn đến các NĐT có chủ trương ngắn hạn, những người đầu cơ “ăn xổi”. Còn những NĐT lớn, làm bài bản thì sẽ không thiếu cơ hội để lại bứt lên sau những biến cố về dự đoán chính sách.
3. Thấy gì từ chiến lược 'xuất khẩu' đặc khu kinh tế của Trung Quốc
Các đặc khu kinh tế Trung Quốc tại nước ngoài bên cạnh mang lại công ăn việc làm và cơ sở hạ tầng cho nước sở tại cũng gây ra nhiều rủi ro về quản lý và môi trường.
Năm 2006, Bộ Thương mại Trung Quốc bắt đầu hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng các khu công nghiệp hoặc “vùng hợp tác thương mại và kinh tế” tại nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước này khai phá thị trường ngoài nước.
8 vùng kinh tế tại nước ngoài đầu tiên đã được chính phủ Trung Quốc thông qua, trong đó có Sihanoukville tại Campuchia, Haier-Ruba tại Pakistan và Khu Công nghiệp Rayong tại Thái Lan.
4. Mua hàng qua Lazada, Shopee, khách than phiền vì đủ kiểu rắc rối
Tự ý hủy đơn hàng, mua sản phẩm này giao sản phẩm khác, thủ tục đổi trả phức tạp là những phàn nàn của khách hàng về các trang thương mại điện tử trên thị trường.
Trong báo cáo gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết sẽ kết hợp với một số cơ quan kiểm tra hoạt động kinh doanh của Lazada do liên tục bị khách hàng "tố".
Tuy nhiên, không chỉ Lazada mà nhiều trang thương mại điện tử lớn hiện nay như Shopee, Sendo… cũng rơi vào cảnh tương tự khi hàng giao chậm, giao không đúng như quảng cáo, thậm chí sản phẩm còn hàng nhái, kém chất lượng.
5. 5 đại gia 'hốt bạc' nhờ người Việt vẫn tăng mua xe máy
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong năm tài khóa 2018 (từ tháng 4/2017 đến tháng 3/2018), doanh số của các thành viên hiệp hội đã đạt con số hơn 3,3 triệu xe máy, tăng trưởng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, với doanh số kể trên đã đạt tới cột mốc của năm 2011 - thời điểm thị trường xe máy trong nước bùng nổ.
Dẫn đầu về thị phần xe máy trong nước vẫn là “đại gia” Honda Việt Nam với 2,38 triệu xe được bán ra, đạt mức tăng trưởng hơn 9% và chiếm lĩnh tới 72,5% thị phần xe máy trong nước. Đây là doanh số và thị phần lớn nhất mà Honda nắm giữ kể từ trước tới nay.