Tin tức Thời sự 17/7: Việt Nam có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của chiến tranh thương mại, đi săn iPhone X giá bèo
1. Mỹ kiện hàng loạt quốc gia lên WTO vì hành động trả đũa thuế quan
Hôm 16/7, Mỹ đã đệ đơn kiện Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vì các hành động trả đũa thuế quan 5 quốc gia này áp dụng theo sau quyết định áp thuế nhập khẩu thép, nhôm của Mỹ.
Theo đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer, các mức thuế quan trả đũa đánh lên 28,5 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu của Mỹ là bất hợp pháp theo quy định của WTO.
"Các mức thuế này dường như vi phạm các cam kết của mỗi thành viên WTO theo Hiệp định WTO. Mỹ sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình, và chúng tôi kêu gọi các đối tác thương mại hợp tác tích cực để giải quyết các vấn đề phát sinh bởi năng lực dư thừa và liên tục trong lĩnh vực thép và nhôm", ông Lighthizer cho biết.
Ông Lighthizer vẫn giữ quan điểm rằng mức thuế mà Mỹ áp dụng đối với thép và nhôm nhập khẩu là chuẩn theo quy định của WTO vì chúng được áp đặt trên cơ sở an ninh quốc gia.
2. Việt Nam có thể trở thành một trong những 'nạn nhân' tiếp theo của chiến tranh thương mại
Hàng loạt các yếu tố từ một cuộc chiến thương mại leo thang, làn sóng chính sách thắt chặt toàn cầu, giá dầu tăng mạnh và tình hình chính trị trong nước đang gây áp lực lên triển vọng tăng trưởng tại Đông Nam Á. Các nhà hoạch định chính sách đang xây dựng lại các chiến lược kinh tế khi sự biến động gia tăng, trong một số trường hợp nhấn mạnh hơn vào sự ổn định tiền tệ hoặc thậm chí thay đổi cấu trúc.
Với hoạt động thương mại chiếm khoảng 200% GDP, nền kinh tế Việt Nam đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ sự căng thẳng tồi tệ nào đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam sẽ có thể giải quyết những ảnh hưởng từ sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đối với thương mại khu vực, và cũng sẽ cảm thấy áp lực từ việc lãi suất gia tăng tại Mỹ.
Tăng trưởng giảm trong quý II so với quý I vì sản lượng khai thác và đầu tư nhà nước giảm. Chính phủ Việt Nam dự kiến tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại trong nửa cuối năm và đang sử dụng thêm các biện pháp để thúc đẩy kinh doanh, Tổng cục Thống kê cho biết tháng trước.
3. Đà Nẵng xin hợp thức hóa dự án cảng biển nghìn tỷ 'tiền trảm hậu tấu'
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký công văn số 5228/UBND – SKHĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét chấp thuận quyết định chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2.
Lý do được đưa ra là nhằm hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tiếp tục triển khai dự án, đảm bảo việc luân chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn.
Điều đáng nói tại thời điểm UBND TP Đà Nẵng xin Thủ tướng phê duyệt chủ trương, Dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đã thực hiện được hơn 60% khối lượng công trình, giải ngân hơn 600 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư được duyệt.
Vi phạm này được Công ty cổ phần cảng Đà Nẵng thừa nhận là thiếu hiểu biết về Luật Đầu tư năm 2014 nên đã chậm trễ trong việc lập hồ sơ thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đã tổ chức triển khai thực hiện.
“Công ty cổ phần cảng Đà Nẵng nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với các sai sót, khuyết điểm này”, văn bản cho biết.
4. Gần 14.000 tỷ đồng xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm logistics
Đây là mục tiêu vừa được HĐND TP Đà Nẵng thông qua Nghị quyết về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu quy hoạch hệ thống trung tâm logistics gắn kết hợp lý với quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng khép kín của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho dịch vụ logistics trên địa bàn thành phố là 13.695 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư của thành phố và Trung ương. Tổng diện tích đất ước khoảng 312 ha.
5. Hậu World Cup đi 'săn' iPhoneX, xe SH giá bèo từ tiệm cầm đồ
Sau 1 tháng tranh tài, giải bóng đá lớn nhất hành tinh cũng đã kết thúc. Các tiệm cầm đồ cũng bớt tình trạng bận rộn mỗi đêm và thay vào đó là tìm hàng tốt bán bớt cho người quen, anh em bạn bè hoặc đem các tài sản cầm cố được ra dùng cho đỡ lãng phí.
Mùa bóng đá năm nay, anh L.M.Đ. (Long Biên, Hà Nội) không bận rộn bằng những năm trước, do dân chơi càng ngày càng có ít đồ tốt, chính chủ đến cầm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà lượng điện thoại hay xe máy “xịn” giảm nhiều.
Anh Đ. cho biết: “Mùa này, đồ cắm như iPhone X, SH nhập, SH Việt, Vespa không thiếu, thấp hơn như các dòng Liberty, AirBlade cũng có. Khách đến cắm sát giá lấy tiền chơi bóng mà không có tiền trả thì thường bỏ luôn.
Cắm sát giá ở đây có thể ví dụ như 1 chiếc xe SH đời 2010 125 phân khối, mang đến đây tôi có thể cầm 90 - 95 triệu đồng tùy độ mới, cũ hay xước ngoài thân vỏ. Đó là giá cao nhất có thể cầm được. Các con bạc khát máu hết tiền mà lãi lên tới 3 - 4 triệu đồng thường sẽ bỏ xe luôn..."