|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thoái vốn Nhà nước năm 2018 trầm lắng, năm 2019 có sôi động hơn?

06:07 | 28/12/2018
Chia sẻ
Trái với dự báo đầu năm khi cho rằng 2018 sẽ là một năm bùng nổ các thương vụ bán vốn nhà nước thì quá trình này lại diễn ra khá trầm lắng.

Thoái vốn nhà nước diễn ra chậm chạp

Trong giai đoạn 2018 - 2020, theo kế hoạch, Việt Nam sẽ tiếp tục cổ phần hóa 89 doanh nghiệp Nhà nước. Riêng năm 2018 được kỳ vọng có bước chuyển mình trong việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, với việc thoái vốn khỏi 181 doanh nghiệp, chiếm 70% số doanh nghiệp thoái vốn cả giai đoạn trên.

Tuy nhiên, quá trình thoái vốn nhà nước thực tế lại diễn ra không như mong muốn. Trong 11 tháng, các doanh nghiệp Nhà nước đã thoái được 5.067 tỉ đồng, thu về 10.499 tỉ đồng.

Thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị thuộc Quyết định số 1232 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 1.308 tỉ đồng, thu về 2.511 tỉ đồng, trong đó chỉ có 2 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017.

Bên cạnh đó có những doanh nghiệp như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Xi măng, các doanh nghiệp lớn ở TP HCM đang đua nhau xin giãn tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, hoặc áp dụng những “đặc cách” phi thị trường.

Một số doanh nghiệp khác cũng đang trong tình trạng “bặt vô âm tín” kế hoạch thoái vốn và lỡ hẹn với kế hoạch năm nay như tại Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (Mã: TVN), Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (Mã: DVN), Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp - CTCP (Mã: MIE), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCT (Mã: HAN)…

Theo các chuyên gia, kết quả đạt được từ cổ phần hóa và thoái vốn không đồng đều. Nhiều thương vụ cổ phần hóa và thoái vốn đã không đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Đơn cử như thương vụ IPO Becamex IDC chỉ thu về 588 tỉ đồng so với giá trị 9.650 tỉ đồng dự kiến. Nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư không quyết định mua cổ phần Becamex IDC là do Nhà nước nắm tỉ lệ vốn lớn trong thời gian quá dài, tình hình nợ vay, triển khai dự án chậm...

Ngoài ra, còn có trường hợp khác là Tổng công ty Sông Đà, dù kế hoạch bán đấu giá 219,7 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 48,8% vốn) với giá khởi điểm 11.000 đồng/cp, Nhà nước sẽ nắm 51% đến 2019. Tuy nhiên phiên đấu giá gần 220 triệu cổ phần của Công ty mẹ - Tổng Công ty Sông Đà, chỉ có 790.900 cổ phần được bán thành công, tương đương 0,35% lượng chào bán, Nhà nước chỉ thu về gần 9 tỉ đồng.

Thương vụ bán vốn đình đám của SCIC tại Vinaconex

Mặc dù câu chuyện thoái vốn nhà nước diễn ra khá trầm lắng nhưng cuối năm nay, thương vụ bán vốn của SCIC tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã thu hút sự quan tâm của thị trường.

Sự thu hút này đến từ việc Vinaconex bất ngờ công bố khóa room ngoại trước phiên đấu giá 10 ngày, hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư ngoại.

Bên cạnh đó, mặc dù giá trị bán ra của SCIC nếu tính theo giá khởi điểm 21.300 đồng/cp lên đến 5.430 tỉ đồng nhưng có tới 3 nhà đầu tư nội tham gia, trong đó có 1 nhà đầu tư cá nhân. Ba nhà đầu tư vào cuộc đấu giá đều không mấy tên tuổi; thậm chí một cá nhân không ai tin nổi là có thể chi vài nghìn tỉ cho cuộc đấu giá cũng đã nộp cọc hơn 500 tỉ đồng để bước vào vòng đấu cuối cùng.

Và điều bất ngờ cuối cùng được giới đầu tư quan tâm khi Công ty TNHH An Quý Hưng đã trả giá 28.900 đồng/cp để sở hữu trọn lô cổ phần của SCIC. Mức giá này cao hơn 35,6% giá khởi điểm và hơn 50% thị giá cổ phiếu Vinaconex giao dịch trên sàn chứng khoán ngày đấu giá. SCIC qua đó thu về nhiều hơn kỳ vọng ban đầu 1.938 tỉ đồng.

An Quý Hưng cũng được giới đầu tư quan tâm khi trong quá khứ, đơn vị này từng mua cổ phần Vimeco (công ty con do Vinaconex nắm 51% vốn) cuối năm 2013.

Trải qua vài lần mua vào, An Quý Hưng đã nâng tổng số cổ phần nắm giữ lên gần 3,1 triệu cổ phần, tương đương 30,97% vốn. Trong khoảng 4/2014 - 4/2017, bản thân ông Nguyễn Xuân Đông còn giữ chức Thành viên HĐQT Vimeco.

Ngoài Vimeco, An Quý Hưng đã từng hợp tác đầu tư vào dự án tòa nhà hỗn hợp Văn Phú Complex tại Hà Nội cùng với Văn Phú Invest (mã VPI). Tuy vậy, An Quý Hưng đã rút khỏi dự án này chỉ sau một thời gian ngắn tham gia.

Không những thế, doanh nghiệp của ông Đông cũng từng tham gia cạnh tranh với Thaigroup của "bầu" Thụy để mua cổ phần khách sạn Kim Liên, nhưng đã thất bại khi Thaigroup "bạo tay" chi hơn 1.000 tỷ đồng.

Hiện tại, An Quý Hưng đã lập ra công ty bất động sản An Quý Hưng Land chuyên phân phối các sản phẩm bất động sản. Doanh nghiệp này đang thực hiện các dự án như Manhattan Tower tại quận Thanh Xuân, Hà Nội); Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ, Văn phòng và Chung cư cao cấp 105 Chu Văn An tại quận Hà Đông, TP Hà Nội.…

Ngày 4/12 vừa qua, công ty này đã thanh toán số tiền còn lại sau đấu giá cho SCIC và qua đó trở thành cổ đông kiểm soát của Vinaconex.

Nguồn tiền lớn sẽ quay lại thị trường nhờ hoạt động thoái vốn

Trong một báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định năm 2019 quy mô thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Với những tập đoàn lớn trong nước đang và sẽ tiếp tục thoái vốn trong thời gian tới như Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM - mã: VEA), Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), Viglacera…, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng rằng nguồn tiền lớn sẽ quay lại thị trường trong năm 2019. Theo VCBS, trong năm 2018, quá trình này khá trầm lắng.

Từ góc độ nội tại, với nền kinh tế nhỏ và độ mở cao như Việt Nam, áp lực lên tỉ giá trong bối cảnh bất ổn là điều có thể được dự báo. Tuy nhiên, với đặc điểm quy mô nhỏ, thì chỉ một nguồn cung ngoại tệ “không quá lớn” cũng là đủ để giữ cân bằng cung cầu ngoại tệ. Trong đó, VCBS cho rằng nguồn cung ngoại tệ mới vẫn tiềm tàng từ các thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài đến từ cả khối doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước.

Nhắc đến bán vốn không thể không nói tới thương vụ giữa Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và đối tác chiến lược KEB Hana Bank. Được biết, cuối tháng 11, BIDV đã đưa ra phương án phát hành 603,3 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn cho KEB Hana Bank. Nếu thực hiện thành công, BIDV sẽ nâng mức vốn điều lệ lên 40.220 tỉ đồng. Dự kiến sau khi phát hành hoàn tất cổ đông nhà nước sẽ giảm tỉ lệ sở hữu từ 95,3% xuống 81%; KEB Hana Bank sẽ nắm 15%.

Xem thêm

Minh Anh