Thị trường phái sinh lên ngôi với vai trò đầu cơ
Quý I, thị trường phái sinh tăng 79% về giá trị giao dịch, vẫn tập trung chủ yếu ở NĐT cá nhân | |
Chứng khoán cơ sở biến động mạnh, thị trường phái sinh ghi nhận nhiều kỷ lục tháng 2 |
Theo Chứng khoán Sài Gòn (SSI), trong bối cảnh thị trường chứng khoán cơ sở rơi vào xu hướng giảm và biến động mạnh trong phiên, chứng khoán phái sinh đã phát huy lợi thế giao dịch hai chiều để tạo thêm cơ hội cho nhà đầu tư.
Kể từ đầu năm 2018 thị trường cơ sở đã trải qua hai đợt giảm vào tháng 2 và tháng 4, đây cũng là những giai đoạn chứng khoán phái sinh lên ngôi với thanh khoản tăng mạnh.
Trong đợt giảm tháng 4, giá trị giao dịch của thị trường phái sinh tăng gấp 3 lần từ mức bình quân hơn 2.000 tỷ hồi đầu tháng lên mức 6.000 tỷ đồng, đạt đỉnh với giá trị 7.100 tỷ đồng trong phiên ngày 3/5, gần bằng giá trị giao dịch trên thị trường cơ sở là 7.300 tỷ đồng.
Thị trường phái sinh đã thu hút một lượng vốn đáng kể từ thị trường cơ sở và chủ yếu từ khối nhà đầu tư trong nước. Mặc dù khối lượng giao dịch tăng mạnh nhưng khối lượng hợp đồng mở lại không tăng và giữ ở mức bình quân 9.000 hợp đồng, dẫn tới tỷ lệ khối lượng hợp đồng mở rất thấp so với khối lượng giao dịch trong phiên, chỉ khoảng 14% so với mức 50% vào đầu tháng.
Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, đa phần các hợp đồng tương lai được đóng vị thế ngay trong phiên để bảo toàn trạng thái. Xu hướng thị trường giảm kéo dài với các phiên phục hồi kỹ thuật xen kẽ, đồng thời các chỉ số biến động mạnh đã tạo cơ hội cho nhà đầu tư phái sinh giao dịch ngay trong phiên.
Tuy nhiên, việc khó có thể xác định xu hướng thị trường đã khiến nhà đầu tư không đủ tự tin để duy trì vị thế hợp đồng trong thời gian dài. Thị trường phái sinh giai đoạn này đóng vai trò là phương án đầu cơ ngắn hạn thay thế cho thị trường cơ sở và vẫn chưa thể hiện được vai trò phòng vệ rủi ro.
Nguyên cớ gì khối ngoại bán ròng liên tục?
Xét riêng giá trị khớp lệnh, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3 nghìn tỷ trong tháng 4 và bán tiếp 1.8 nghìn tỷ chỉ trong 3 ngày sau dịp nghỉ lễ. Tính từ tháng 2, nước ngoài đã bán ròng 8.4 nghìn tỷ, nhiều hơn giá trị mua ròng trong tháng 1 là 5.3 nghìn tỷ.
Khi cơn hưng phấn của thị trường dâng cao, sự đảo chiều của dòng vốn nước ngoài ít được nhà đầu tư trong nước chú ý. Tuy nhiên khi nhà đầu tư bán ròng 3 tháng liên tiếp, nhà đầu tư trong nước cuối cũng đã nhận thấy tầm ảnh hưởng của dòng vốn này.
Nhóm cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất trong tháng 4 là bất động sản với VIC bị bán ròng với giá trị 2.1 nghìn tỷ (chỉ tính giao dịch khớp lệnh). Đây có thể coi là một nguyên nhân khiến cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị giảm điểm, tạo áp lực lên thị trường chung. Ngoài VIC, xu hướng bán ròng mạnh còn thể hiện rõ ở nhiều cổ phiếu trụ khác như VCB, VJC, NVL và MSN.
SSI cho rằng, khó có một lý giải đầy đủ về nguyên nhân khiến nhà đầu ngoại tăng bán ròng trong tháng 4. Một điều tương đối dễ nhận thấy là xu hướng này đã xuất hiện vào đầu tháng 2, thời điểm thị trường chứng khoán thế giới giảm mạnh, cục diện kinh tế và lãi suất trên thế giới thay đổi khi chính quyền của Donald Trump quyết liệt thực thi các chính sách bảo vệ các doanh nghiệp Mỹ.
Khả năng Fed nâng lãi suất nhanh hơn so với dự kiến và rủi ro về cuộc chiến thương mại lan rộng rất có thể đã có ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, việc có thêm nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn IPO và lên niêm yết cũng có thể dẫn đến việc cơ cấu lại danh mục của các quỹ nước ngoài.
Ngược với xu hướng bán ròng trên sàn của nhà đầu tư ngoại, dòng tiền ở các quỹ ETF đang cho những dấu hiệu tích cực hơn. Quỹ VFM VN30 không còn bị rút vốn và thay vào đó dòng tiền được ghi nhận vào trở lại quỹ từ cuối tháng 4 và liên tục trong những phiên đầu tháng 5.
Quỹ VanEck bị rút vốn nhưng không liên tục. Tổng cộng trong tháng 4, các quỹ ETF đã thu hút được thêm 107 tỷ, đảo ngược dòng vốn sau khi bị rút hơn 930 tỷ đồng trong tháng 3.