|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hồ tiêu cuối năm liệu đã hết u ám?

15:00 | 08/07/2022
Chia sẻ
Bức tranh thị trường hồ tiêu trong nửa cuối năm nhìn chung không mấy khả quan khi nhu cầu thế giới có dấu hiệu chậm lại, trong khi giới đầu cơ trong nước đang chịu áp lực xả hàng thu hồi vốn.

Nhu cầu giảm đẩy giá tiêu đi xuống

Mặc dù sản lượng hồ tiêu của Việt Nam năm nay giảm khoảng 10% nhưng giá mặt hàng này không hề tăng mà ngược lại có chiều hướng đi xuống.

Tính đến ngày 7/7, giá tiêu đen nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động ở mức 68.000 – 71.000 đồng/kg, giảm 13-15% (tương đương 10.000 – 11.500 đồng/kg) so với trên dưới 80.000 đồng/kg hồi đầu năm nay.

Nhu cầu tiêu thụ toàn cầu giảm được cho là nguyên nhân chính dẫn đến đà đi xuống của giá tiêu thời gian qua.

Cuộc xung đột diễn ra ở Ukraine, cộng với việc Trung Quốc kiên trì chính sách Zero COVID và lạm phát cao tại nhiều quốc gia đã khiến nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu giảm khoảng 40.000 - 50.000 tấn từ đầu năm cho đến nay.

 (Tổng hợp và Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Số liệu thống kê bộ sơ bộ mà Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) công bố mới đây cho thấy, trong tháng 6 xuất khẩu hồ tiêu của nước ta đạt 24.214 tấn hồ tiêu, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, lượng hồ tiêu xuất khẩu đạt 125.553 tấn, giảm 19% (tương đương 29.621 tấn) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 13,5% (tương đương 67,6 triệu USD), lên 568,8 triệu USD.

VPA cho biết, do ảnh hưởng của lạm phát kinh tế toàn cầu nên hầu hết thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều giảm lượng mua vào.

6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tiêu tới Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta đạt 30.109 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ. Tính riêng trong tháng 6, Mỹ chỉ nhập khẩu 5.136 tấn, giảm 11,2% so với tháng trước và giảm đến 36,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Còn với thị trường Trung Quốc, thị trường này nhập khẩu 2.999 tấn từ Việt Nam trong tháng 6, cao hơn tổng lượng nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 5 là 2.610 tấn. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng xuất khẩu tiêu sang thị trường Trung Quốc mới chỉ đạt 5.609 tấn, giảm mạnh 80,2% tương ứng 22.739 tấn và chiếm 77% tổng sụt giảm của cả nước. 

Ngoài ra, xuất khẩu tiêu sang một số thị trường khác như Anh, Nga, Pháp, Pakistan, Ai Cập, Nam Phi… cũng giảm sút trong nửa đầu năm nay. Chỉ một vài thị trường có lượng nhập khẩu tăng như Đức, Hà Lan, Ierland, Ấn Độ, Hàn Quốc..

 Nguồn: Tổng hợp từ VPA. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Sóng gió còn ở phía trước

Mặc dù xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc đang ấm dần lên nhưng các chuyên gia dự báo giá tiêu chưa thể tăng trở lại trong ngắn hạn, thậm chí có thể tiếp tục giảm. Nguyên nhân là bởi thị trường đang xuất hiện một số yếu tố gây bất lợi cho sự phục hồi của giá tiêu.

Chia sẻ với người viết, một số nguồn tin cho biết, đầu vụ năm nay, các đại lý đã đem cà phê người dân gửi kho đi bán để lấy tiền ôm tiêu vì cho rằng giá cà phê ổn định còn giá tiêu sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, thực tế thì giá tiêu thời gian qua đi xuống trong khi cà phê tăng cao. Việc người dân chốt bán cà phê khiến các đại lý buộc phải mang tiêu ra thanh lý lấy tiền trả cho dân.

Trong khi đó, sức ép của việc tăng lãi suất cơ bản tiền tệ buộc những đơn vị nhập khẩu không vội vàng ký hợp đồng mới bởi tồn kho vẫn còn. Trong khi giới đầu cơ trong nước cũng tính đến phương án bán cắt lỗ do phải gánh lãi suất cao. Điều này khiến thị trường liên tục rơi vào trạng thái thừa cung, thiếu cầu.

Đặc biệt, càng về thời điểm cuối năm, áp lực bán ra càng lớn bởi các đại lý cũng như đầu cơ nắm giữ hồ tiêu cần xoay vòng vốn để chuyển sang vụ cà phê.  

Không những thế, thị trường cũng đối mặt với nỗi lo nhu cầu giảm sút khi lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, hai thị trường tiêu thụ hồ tiêu chủ lực của nước ta.

 Ảnh minh họa: VPA

Với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tiêu sang thị trường này tuy đã tăng trở lại nhưng vẫn còn “bấp bênh”. Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn đang duy trì chính sách “Zero COVID” và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát hàng hóa, phương tiện… nhằm phòng, chống dịch COVID-19 tại các cửa khẩu biên giới.

Vì vậy các hoạt động giao thương có nhiều hạn chế và vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường. Điều đáng quan ngại là hiện nay phần lớn hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đi theo đường tiểu ngạch vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, để xuất khẩu hồ tiêu bền vững vào thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cần có chiến lược bài bản và sớm chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch.

Về phía các doanh nghiệp, rút kinh nghiệm từ năm ngoái khi giá tiêu bất ngờ tăng cao nhiều đơn vị xuất khẩu thua lỗ do trót ký các hợp đồng bán hàng giao xa.

Năm nay, một số đơn vị này có chiến lược mua đến đâu bán đến đó, còn một số chọn phương án giảm thiểu rủi ro bằng cách nhập khẩu một lượng lớn hồ tiêu từ nước ngoài để dự phòng sản xuất. Vì vậy, họ đang tỏ ra khá chủ động trong việc thu mua và điều tiết giá tiêu trên thị trường.

Số liệu cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu 21.299 tấn hồ tiêu, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong những năm gần đây. 

Ngoài ra, các nguồn tin khảo sát thị trường cũng cho thấy những tín hiệu đầu tiên từ vụ mùa 2023 của Việt Nam cũng tương đối tích cực, nhiều vùng sản xuất có khả năng được mùa trong năm tới. Đây cũng là một trong những yếu tố có thể gây áp lực lên giá tiêu cuối năm.

Giá tiêu giảm trong thời gian qua đã bào mòn lợi nhuận của người nông dân trồng tiêu trong bối cảnh giá phân bón, xăng dầu, nhân công… đều tăng cao.

Vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đưa ra nhận định, thị trường hồ tiêu toàn cầu sẽ khởi sắc trở lại khi một vài thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu gỡ phong tỏa. Tuy nhiên, giá tiêu thế giới vẫn chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu khiến nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp.

Doanh nghiệp xuất khẩu lớn vẫn sống khỏe

Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu của khối doanh nghiệp ngoài VPA ghi nhận sự sụt giảm tới 53,5% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Sự sụt giảm này cũng bắt đầu lan sang các doanh nghiệp thuộc VPA khi số liệu cho thấy xuất khẩu của khối này trong tháng 6 đạt thấp nhất 4 tháng gần đây (18.629 tấn), qua đó khiến xuất khẩu 6 tháng giảm 5,9%.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành hồ tiêu vẫn ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu lên tới hai con số trong nửa đầu năm nay. Trong đó, Trân Châu tiếp tục đứng đầu xuất khẩu trong 6 tháng với khối lượng 16.131 tấn, tăng 16,1%.

Tiếp theo là Olam đạt 14.029 tấn, tăng 19,8%; Haprosimex JSC đạt 7.695 tấn, tăng 21,3%, Harris Freeman tăng 40,3%, DK Commodity tăng 16,2%, Ottogi Việt Nam tăng 72,7%… 

Ngược lại, một số doanh nghiệp khác có lượng xuất khẩu giảm như: Nedspice đạt 9.602 tấn, giảm 0,2%; Phúc Sinh đạt 8.119 tấn, giảm 5,5%; Liên Thành giảm 28,9%, Gia vị Sơn Hà giảm 28,4%...

 Nguồn: VPA

Hoàng Hiệp