|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đà tăng giá tiêu sẽ kéo dài đến khi nào?

14:05 | 25/02/2023
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu dự báo hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sẽ diễn ra sôi động hơn trong các tháng còn lại của quý I/2023 do Việt Nam vừa kết thúc vụ thu hoạch, sản lượng dồi dào. Đến quý III và IV/2023, khách hàng sẽ tìm đến các nước sản xuất như Brazil và Indonesia vì đây là thời điểm thu hoạch hạt tiêu của hai nước này

Nhu cầu tăng trở lại

Hiện các vùng trồng tiêu của nước ta đang bước vào chính vụ thu hoạch, giá tiêu sau khi giảm nhẹ vào tháng 1 đã đảo chiều tăng mạnh trở lại trong tháng 2.

Tính đến ngày 24/2, giá tiêu đen tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ dao động ở mức 64.500 – 67.000 đồng/kg, tăng 8.500 – 9.000 đồng/kg (tương ứng 15 – 16%) so với cuối tháng trước và là mức giá cao nhất trong 5 tháng trở lại đây.

Hoàng Hiệp tổng hợp

Đà tăng giá này được các chuyên gia lý giải là do nhu cầu từ một số thị trường lớn có dấu hiệu phục hồi trong bối cảnh lạm phát bắt đầu hạ nhiệt và triển vọng kinh tế toàn cầu tốt hơn dự kiến.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng trở lại mua hàng sau khi nước này mở cửa hoàn toàn biên giới kể từ ngày 8/1.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ trong vòng 15 ngày đầu tháng 2 các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu 14.156 tấn hồ tiêu, vượt con số 12.653 tấn đạt được trong cả tháng trước.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/2, xuất khẩu tiêu đạt 26.637 tấn, kim ngạch hơn 86,3 triệu USD, tăng tới 32,4% (6.518 tấn) về lượng nhưng giảm 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

Với thị trường Trung Quốc, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), lượng tiêu xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 1 đạt 1.475 tấn, cao gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường nhập khẩu tiêu lớn thứ hai của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 12%, đứng sau Mỹ (26%) và chủ yếu nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo hoạt động xuất khẩu hồ tiêu sẽ diễn ra sôi động hơn trong các tháng còn lại của quý I do Việt Nam vừa kết thúc vụ thu hoạch, sản lượng dồi dào. Đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước sản xuất như Brazil và Indonesia vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này. 

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp) 

Cùng với sự cải thiện về nhu cầu, những thông tin trái chiều về nguồn cung cũng góp phần đẩy giá tiêu tăng lên. 

Một số vùng của Đắk Nông năm ngoái bị ảnh hưởng bởi mưa sớm nên cây tiêu không kịp phân hóa mầm hoa, ảnh hưởng tới năng suất năm nay. Ngược lại, cũng có một số vùng ở ngay chính Đắk Nông cho sản lượng thu hoạch tốt hơn so với năm ngoái. Vụ mua cũng tương đối khả quan ở Cư Kuin - Đắk Lắk và Đắk Đoa ở Gia Lai. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, sau Tết Nguyên đán Quý Mão, người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện Châu Đức bước vào cao điểm vụ thu hoạch. Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Sở NN-PTNT), trên địa bàn tỉnh đang canh tác gần 10.700 ha hồ tiêu, giảm hơn 800 ha so với đầu năm 2022.

Thông tin trên Cổng thông tin điện tử Tỉnh Gia Lai, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, cho hay do thời tiết bất thường nên năng suất hồ tiêu năm nay có nơi được, nơi mất. Riêng tại huyện Chư Sê và Chư Pưh, năm nay nhiều diện tích cây hồ tiêu bị mất mùa, ước tính năng suất giảm khoảng 30%.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, tại huyện Bù Đốp và Lộc Ninh, thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, hầu hết người trồng tiêu kém vui vì năng suất tiêu giảm, giá hồ tiêu ở mức thấp.

Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Bù Đốp, toàn huyện hiện duy trì khoảng 4.000 ha hồ tiêu, những năm gần đây do dịch bệnh và giá tiêu liên tục xuống thấp, diện tích hồ tiêu tại địa phương hiện đã giảm hơn 50%.

Giá tiêu sẽ còn tăng tiếp?

Mặc dù giá tiêu đã phục hồi khá mạnh trở lại trong thời gian gần đây nhưng lượng hàng vụ mới đưa ra thị trường vẫn tương đối chậm.

Đà tăng của giá tiêu có phần hạn chế khi khách hàng từ EU, Mỹ… đang ở trạng thái chờ đợi giá thấp hơn.

Bên cạnh đó, đồng Nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 tháng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường Trung Quốc, bởi giá tiêu nhập khẩu từ Việt Nam đang cao hơn thị trường nội địa nước này. 

Cục Xuất nhập khẩu mới đây dự báo thị trường hạt tiêu thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực do nền kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, cơ quan này cho rằng thị trường hồ tiêu của Việt Nam sẽ sôi nổi đến hết quý I.

"Dự báo, hoạt động xuất khẩu hạt tiêu của nước ta sẽ diễn ra sôi động hơn trong các tháng còn lại của quý I/2023 do Việt Nam vừa kết thúc vụ thu hoạch, sản lượng dồi dào. Đến quý III và IV/2023, khách hàng sẽ tìm đến các nước sản xuất như Brazil và Indonesia vì đây là thời điểm thu hoạch hạt tiêu của hai nước này", Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Về sản lượng tiêu toàn cầu, theo báo cáo từ Hội nghị Gia vị Quốc tế, tổ chức tại Chennai - Ấn Độ, sản xuất hồ tiêu toàn cầu dự kiến ​​sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2023 với sản lượng vào khoảng 539.850 tấn, tăng so với mức 521.000 tấn của năm 2022, trang commodity3 đưa tin.

Trong đó, Việt Nam tiếp tục đứng đầu sản lượng tiêu toàn cầu năm 2023 với thị phần vào khoảng 42%. Brazil đứng thứ hai với 20% và Ấn Độ đứng thứ ba với 10%. Theo sau là Indonesia với thị phần 9%, sau đó là Trung Quốc với 6%, Sri Lanka 4% và Malaysia 3%.

Theo VPA, sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2023 dự kiến tăng khoảng 5% so với 2022 lên 180.000 - 185.000 tấn.

Sản lượng của Brazil cũng được dự báo ​​sẽ tăng lên 108.000 tấn từ 104.000 tấn năm ngoái. Tuy nhiên, những trận mưa gần đây ở bang Espirito Santo đã ảnh hưởng phần nào đến sản lượng và những tác động đến sản xuất sẽ được xem xét và đánh giá lại.

Ngược lại, sản lượng được dự báo giảm tại Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka và ổn định tại Trung Quốc, Malaysia và các nước khác.

Báo cáo của Hội nghị cũng cho biết nông dân trồng tiêu trên thế giới đã phải vật lộn để duy trì các vườn trồng của mình trong và sau đại dịch COVID-19.

Ngay cả những vùng trồng tiêu quy mô lớn cũng gặp phải tình trạng thiếu lao động và chi phí đầu vào cao hơn. Thị trường hồ tiêu quốc tế sau đại dịch cũng chứng kiến lợi nhuận thấp hơn, nhu cầu và giá giảm, hàng tồn kho cao hơn cùng với gián đoạn chuỗi cung ứng.

Các chuyên gia tham dự Hội nghị cũng cho rằng nhập khẩu tiêu của Trung Quốc đang phục hồi mang lại hy vọng cho thị trường.

Giá tiêu trắng có thể ổn định do sản lượng dự kiến thấp hơn ở mức 87.000 tấn so với 95.000 tấn của năm ngoái, trong khi lượng dự trữ chuyển sang dự kiến vào khoảng 17.000 tấn so với 26.400 tấn trước đó. 

Hoàng Hiệp