Thị trường hàng hóa (9/7): Giá gạo tại Philippines dự kiến sẽ ổn định trong tháng 8, đáp ứng nhu cầu điện năm 2019 rất khó khăn
1. Tồn kho than của TKV giảm 2,47 triệu tấn
Theo Bộ Công Thương, tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng than sạch ước đạt 22,42 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ, trong đó Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đạt 19,37 triệu tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Thị trường hàng hóa (9/7): Giá gạo tại Philippines dự kiến sẽ ổn định trong tháng 8, đáp ứng nhu cầu điện năm 2019 rất khó khăn |
6 tháng đầu năm, thời tiết thuận lợi cho công tác khai thác của ngành than, do đó, các chỉ tiêu sản xuất của ngành đều có bước tăng trưởng so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ của ngành cũng gặp nhiều thuận lợi, lượng tồn kho giảm nhiều so với đầu năm. Tính đến ngày 30/6 tồn kho của Tập đoàn TKV là 6,55 triệu tấn giảm 2,47 triệu tấn so với đầu năm.
Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2018 là thời điểm bước vào mùa mưa lũ, do đó, hoạt động khai thác của ngành sẽ gặp khó khăn hơn.
Điều kiện khai thác của các mỏ ngày càng khó khăn do các mỏ ngày càng khai thác xuống sâu và đi xa hơn, làm tăng cung độ vận chuyển, hệ số bóc đất đá đối với các mỏ lộ thiên; gia tăng áp lực mỏ lớn, khí, nước,… đối với các mỏ hầm lò nên đã làm tăng chi phí sản xuất than trong nước.
2. Cuba tìm cách tăng xuất khẩu nông sản không truyền thống
Theo các quan chức hàng đầu tại Tập đoàn Agroforestry (GAF), một đơn vị của Bộ Nông nghiệp Cuba, tập đoàn đang lên kế hoạch tạo ra 34 triệu USD nhờ xuất khẩu các sản phẩm hàng đầu của công ty.
“Kế hoạch của chúng tôi trong năm nay là vượt qua giá trị xuất khẩu đạt được trong năm 2017 ở 30 triệu USD, và tiếp tục giúp nền kinh tế Cuba giảm nhập khẩu bằng cách sản xuất hàng hóa với nguồn nguyên liệu của riêng mình”, ông Arturo Forteza, Phó Chủ tịch đầu tiên của GAF, cho biết trong một buổi họp báo gần đây.
Ông Forteza giải thích rằng việc nuôi ong và những sản phẩm từ hoạt động này như mật ong, sáp và sữa ong chúa royal jelly, tạo ra doanh thu nhiều nhất cho tập đoàn, với trung bình 28 triệu USD giá trị xuất khẩu mỗi năm.
Con số doanh thu này là lý do các khoản đầu tư được tập trung chủ yếu vào ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong việc thiết lập nhà máy chế biến mật ong và đóng gói sản phẩm loại nhỏ.
“Chúng tôi đang tạo ra giá trị gia tăng cho ngành công nghiệp nuôi ong, ngoài việc sản xuất mật ong. Chúng tôi muốn phát triển cấu trúc thị trường và sản xuất”, ông Forteza cho biết.
Ông Mercedes de la Cruz, Giám đốc hoạt động phòng thị trường tại GAF, cho biết thị trường chính của mật ong Cuba là châu Âu, với Đức là nơi có nhu cầu cao nhất.
GAF cũng đang tìm kiếm thị trường tại những quốc gia khác, như Canada, Costa Rica, Colombia và Trung Quốc.
3. Gà Việt ngày càng xuất hiện nhiều trong bếp ăn người Nhật
Dù mới xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên vào Nhật Bản từ tháng 9-2017 nhưng các doanh nghiệp cho biết tiềm năng của thị trường này rất lớn. Singapore và Hong Kong cũng là hai thị trường mà Việt Nam đang tiếp cận để xuất khẩu vào cuối năm nay.
Chỉ sau hơn nửa năm đưa lô hàng thịt gà đầu tiên vào thị trường Nhật Bản, Công ty TNHH Koyu&Unitek (trụ sở tại Đồng Nai) đã phải đầu tư thêm hai dây chuyền chế biến mới để đáp ứng các đơn hàng từ đối tác.
Ông Khưu Nhơn Hiếu, tổng giám đốc Koyu&Unitek, cho biết năm 2017 dây chuyền sản xuất của nhà máy đạt công suất tối đa 100 tấn thành phẩm/tháng thì nay với việc lắp thêm 2 dây chuyền mới, "mục tiêu của chúng tôi từ nay đến tháng 9 sẽ đạt công suất 200 tấn/tháng và đến cuối năm nay sẽ chạy đầy đủ công suất 350 tấn/tháng, quy đổi ra gà lông là trên 1.100 tấn".
Để xuất khẩu được lô thịt gà đầu tiên đi Nhật, các công ty đã phải chuẩn bị trong thời gian gần 3 năm. Cho đến hiện tại, trang trại miền Đông ở Đồng Nai do ông Nguyễn Minh Kha làm chủ vẫn là trang trại duy nhất tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn chăn nuôi xuất khẩu vào Nhật Bản.
Cơ hội lớn cho chăn nuôi gà ở Việt Nam. Tuy nhiên, để tham gia chuỗi liên kết với Công ty Koyu&Unitek, theo ông Kha, trang trại chăn nuôi phải đạt các tiêu chí, không kháng sinh tồn dư, thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, không sử dụng chất cấm, có biện pháp kiểm soát chặt chẽ bệnh cúm, E.coli, Salmonella...
4. Giá heo tại EU tăng nhờ nguồn cung thắt chặt
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, trong tuần tính đến ngày 24/6, giá heo trung bình đạt 145,49 euro/100kg, tăng 2,37 euro với 5 tuần trước.
Giá heo tại Tây Ban Nha đã tăng vọt trong 5 tuần qua, đạt 7,70 euro trong giai đoạn này. Trong khi đó, Hà Lan và Ba Lan đều ghi nhận mức tăng khiêm tốn hơn, lần lượt là 1,65 euro và 2,60 euro. Ngược lại, giá heo ở Đan Mạch và Đức khá ổn định. Còn giá heo tại Anh đã tăng 2,20 euro kể từ cuối tháng 5, đạt 169,76 euro/100kg.
Với giá heo ở châu Âu trung bình tăng nhanh hơn một chút so với giá tại Anh, mức phí bảo hiểm mà các nhà sản xuất Anh nhận được đã giảm nhẹ xuống còn khoảng 24 euro/100kg. Mặc dù vậy, con số này vẫn cao hơn mức trung bình 5 năm. Giá heo bằng đồng bảng Anh ghi nhận một xu hướng tương tự như đồng euro, do đồng bảng Anh vẫn còn khá ổn định trong năm tuần qua. Tính theo bảng Anh, giá heo trung bình của EU đã tăng 2,09 bảng trong 5 tuần qua, lên 127,46 bảng Anh/kg.
5. Giá đồng sụt giảm thể hiện sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc
Sau khi chạm đỉnh 4 năm ở mức 7.348 USD/tấn hôm 7/6, giá đồng đã giảm 14% (tương đương hơn 1.000 USD) xuống 6.300 tấn, và vì Australia là nhà sản xuất đồng khổng lồ nên đồng tiền của quốc gia này cũng bị tác động. Đồng đô la Australia đã giảm 4,5% so với đồng USD trong 2 tuần sau khi giá đồng lên cao nhất ngày 7/6.
Giá đồng tiếp tục giảm sâu trong tuần trước, vì các nhà đầu cơ Trung Quốc từ bỏ kim loại này. Giới thương lái cho biết, sự sụt giảm đã trở nên tồi tệ hơn bởi tính thanh khoản của vị thế mua lớn trên sàn giao dịch Thượng Hải.
Biến động của giá đồng và đồng đô la Australia diễn ra chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc công bố số liệu kinh tế tháng 5 hôm 14/6, cho thấy một sự thắt chặt về tín dụng. Căng thẳng theo thang với Mỹ đã làm gia tăng lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
6. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Hàng hóa của Trung Quốc có thể tràn về Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cảnh báo trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, “dòng chảy” các mặt hàng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chuyển hướng sang nhiều nước khác trong đó có Việt Nam.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là vấn đề lớn, là tổng thể chung của nhiều vấn đề, khía cạnh, phản ánh vấn đề mang tính toàn diện về chính trị, không phải chiến tranh thương mại đơn thuần. Mỹ đang chủ động áp dụng hàng loạt vấn đề kinh tế mang tính đơn phương. Đồng thời, những vấn đề liên quan tới cuộc chiến này không chỉ là sắc thuế mà còn chứa đựng cả vấn đề công nghệ, cơ cấu kinh tế, tiền tệ, tín dụng…
“Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ do độ mở nền kinh tế cao”, Bộ trưởng nhận định.
7. EVN: Đáp ứng nhu cầu điện năm 2019 rất khó khăn
Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 6 tháng đầu năm, mặc dù nhu cầu điện tăng cao so với kế hoạch nhưng sản lượng điện 6 tháng đầu năm ước đạt 99.681,1 triệu kWh, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017. Điện thương phẩm ước đạt 91.487,1 triệu kWh, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Về thành phần tiêu thụ, ngành công nghiệp chiếm 55%, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại dịch vụ tăng 12,43%, điện tiêu dùng tăng 10,04%. Điều này thế hiện nắng nóng gay gắt hơn so với năm ngoái khiến nhu cầu điện tăng cao.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết thêm, với tốc độ tăng nhu cầu điện như hiện năm là 10%/năm trong khi tốc độ nguồn điện chỉ tăng từ 4.000 MW đến 5.000 MW, việc đáp ứng nhu cầu điện trong năm 2019 rất khó khăn
“Năm 2018, nguồn cung cũng chỉ ước tăng khoảng 3.000 MW. Từ năm 2016 đến nay, không có dự án nào có thể đưa vào vận hành trong năm tới trong khi nó cầu điện không ngừng tăng. Điều này hết khó khăn”, ông Thành nhấn mạnh.
8. Giá gạo tại Philippines dự kiến sẽ ổn định trong tháng 8
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) dự đoán giá gạo sẽ bắt đầu bình ổn vào cuối tháng sau vì các nỗ lực phân phối vẫn chưa thể giúp giảm giá.
Người phát ngôn của NFA, bà Rebecca Olarte, cho biết vì mưa liên tục trên cả nước, hầu hết các lô gạo vẫn chưa được giao tới tất cả các tỉnh và thành phố.
Tính đến thứ Năm tuần trước (5/7), trong số 250.000 tấn gạo được nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan, chưa đến 5% được bán trên thị trường.
"Thực sự chưa có sức ảnh hưởng nào tới giá gạo. Chúng tôi ước tính vào giữa tháng 8, gạo từ NFA sẽ có hiệu quả. Vấn đề bây giờ là thời tiết”, bà Olarte nói.
Xem thêm |