Thị trường hàng hóa (28/6) nguồn cung cao su thâm hụt, Kenya thiếu đường
1. Nguồn cung cao su thiên nhiên thâm hụt vẫn không thể kích thích thị trường
Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), nhu cầu của thế giới đối với cao su thiên nhiên đã vượt nguồn cung trong 5 tháng đầu năm 2018, nhưng tình hình này không tác động nhiều tới giá.
Thị trường hàng hóa (28/6) nguồn cung cao su thâm hụt, Kenya thiếu đường |
Cụ thể, ANRPC cho biết, tiêu thụ cao su thiên nhiên toàn cầu tăng 6,2% trong 5 tháng đầu năm lên 5,82 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017. Trong cùng thời gian này, nguồn cung cao su thiên nhiên trên thế giới đạt 5,25 triệu tấn, tương đương mức tăng 7,7%.
Hiệp hội lưu ý, sự thiếu hụt 570.000 tấn đã giúp hấp thụ một phần nguồn cung dư thừa sẵn có trên thị trường.
Trong suốt phần còn lại của năm 2018, ANRPC dự báo một kịch bản nguồn cung cân bằng, với sản lượng được dự kiến sẽ tăng 6,1% lên 14,2 triệu tấn và tiêu thụ tăng 6,9% lên 14,3 triệu tấn.
2. Giá đường tại Kenya tăng mạnh vì nguồn cung khan hiếm
Trong khi giá đường và nguồn cung dư thừa vẫn đang là vấn đề đau đầu cho nhiều nhà sản xuất trên toàn cầu, giá đường tại một số vùng của Kenya tăng đột biến.
Theo đó, giá đường đang tăng mạnh tại huyện Tana River và Kilifi khi mặt hàng này trở nên khan hiếm.
Giá đường bán luôn đã tăng hơn 34% từ 3.800 Shilling Kenya/túi 50 kg (tương đương 862.058,85 đồng/túi 50 kg) lên 5.100 Shilling Kenya (gần 1,2 triệu đồng/túi 50kg).
Tại huyện Tana River, một kg đường trước đó được bán với giá gần 22.000 đồng lên hơn 34.000 đồng/kg hiện tại. Các nhà bán lẻ chia sẻ sẽ buộc phải tăng chi phí từ 22.000 đồng lên gần 29.500 đồng/kg nếu tình trạng khan hiếm tiếp tục duy trì.
3. Xuất khẩu dầu thô của Mỹ bùng nổ, cao hơn hầu hết thành viên OPEC
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ tuần trước chạm kỷ lục 3 triệu thùng/ngày, cao hơn hầu hết thành viên của Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tính cả các sản phẩm nhiên liệu như dầu diesel và xăng, xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm liên quan của Mỹ đạt 8,5 triệu thùng/ngày trong tuần trước, cao nhất từ trước đến nay.
Mức xuất khẩu kỷ lục trước đó của Mỹ là 2,56 triệu thùng/ngày ghi nhận vào tháng 5.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Mỹ duy trì ở mức cao kỷ lục 10,9 triệu thùng/ngày. Sản lượng này cao hơn tất cả các thành viên OPEC và chỉ thấp hơn Nga – quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới với sản lượng hơn 11 triệu thùng/ngày.
4. Ngành sản xuất nước ngọt Australia giảm hàm lượng đường chỉ là 'chiêu trò' tránh bị đánh thuế?
Theo Reuters, Các công ty sản xuất nước giải khát lớn ở Australia trong đó có Coca - Cola và Pepsi hôm thứ Hai (25/6) đồng loạt tuyên bố sẽ giảm 1/5 hàm lượng đường trong các sản phẩm nước ngọt. Nỗ lực này kéo dài trong vòng 7 năm nhằm giảm tình trạng béo phì tại Australia - nơi có tới 1/3 dân số đang thừa cân.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Australia đứng thứ 5 trong danh sách các nước phát triển có nhiều người béo phì nhất thế giới.
Các nhà sản xuất nước giải khát tại Australia cũng đã chứng kiến xu hướng hạn chế uống đồ uống chứa nhiều đường do lo ngại vấn đề sức khỏe. Các nhà sản xuất, dưới sức ép của đề xuất áp thuế tiêu thụ đường trong đồ uống giống như Brazil đã từng làm hồi tháng 4, đã quyết định giảm hàm lượng đường khoảng 20%.
Hiệp hội Dược Australia (AMA) kêu gọi chính phủ thực hiện chiến dịch hạn chế tiêu thụ nước ngọt bằng cách đánh thuế. Chủ tịch AMA ông Tony Bartone cho rằng các công ty sản xuất nước ngọt đang cố đánh lạc hướng của dư luận đối với đề xuất tăng thuế bằng cách giảm hàm lượng đường.
Xem thêm |