Sẽ giảm phí BOT Cai Lậy xuống còn 25.000 đồng
Hàng loạt băn khoăn về dự án BOT Cai Lậy được các thành viên của UB Thường vụ QH đặt ra tại phiên thảo luận báo cáo giám sát chuyên đề về BOT chiều nay.
Tráng thêm 1 lớp bên trên rồi thu phí
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra thực trạng có một số dự án, đường nhà nước đã làm sẵn, nhà đầu tư BOT vào nâng cấp, tráng thêm 1 lớp bên trên rồi thu phí.
“Như ở Tiền Giang, dự án trên QL1A là như thế và thu phí cao hơn cả cao tốc Trung Lương, vì thế nên dân bức xúc là đúng”, ông Phúc dẫn chứng và cho rằng một số nơi khác cũng có tình trạng tương tự.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc |
Tổng thư ký QH cũng nêu tình trạng thời hạn thu phí đường chính hết rồi nên nghĩ ra việc mở đường tránh cho nhanh hồi vốn. Chính vì vậy nhiều khi nhà đầu tư lợi dụng việc này mở trạm thu phí BOT làm dân bức xúc, phản ứng với BOT là đương nhiên.
“Giám sát phải chỉ rõ địa chỉ. Tôi đề nghị đoàn giám sát bổ sung giám sát dự án BOT Cai Lậy, đưa ra kiến nghị giải quyết. Ta làm luôn cho hiệu quả, không chờ đợi gì cả”, Tổng thư ký nhấn mạnh.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhắc lại một số sai phạm từ báo cáo giám sát và băn khoăn về trách nhiệm của Thanh tra Bộ GTVT, thu hồi về cho Nhà nước bao nhiêu tiền, xử lý trách nhiệm cá nhân như thế nào. Đề nghị cung cấp thêm cho đoàn giám sát để lấy căn cứ trả lời cho cử tri.
“Hiện chưa nhận được đơn thư ở Cai Lậy Tiền Giang nhưng các trạm Bến Thủy, Lương Sơn, Hòa Bình chúng tôi đều nhận được đơn thư”, bà Hải nói.
Chủ nhiệm UB Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên nhi đồng Phan Thanh Bình cũng nêu thắc mắc liên quan đến sự cố Cai Lậy: "Với tư cách tư lệnh ngành, Bộ trưởng GTVT nắm vấn đề này như thế nào? Tôi đề nghị đồng chí báo cáo tình hình Cai Lậy trước Thường vụ QH".
Theo ông, đang có độ lệch rất lớn giữa người dân, người sử dụng với các phát ngôn của cơ quan chức năng, cụ thể là lãnh đạo Bộ GTVT. Vì vậy, ông đề nghị rà soát lại các dự án BOT. Riêng hệ thống pháp luật, nếu thiếu gì cần bổ sung, từ đó thu hút được nhà đầu tư mạnh ở trong nước.
Ông Bình cũng cho rằng cần phải tôn trọng ý kiến của người sử dụng và người dân tại chỗ khi làm BOT. Cứ coi là lo cho dân, nhưng suy nghĩ của người dân ở đó thế nào thì chúng ta thực sự không biết.
Bộ trưởng GTVT: Nên có nhìn nhận công bằng hơn
Giải trình băn khoăn của các ĐB, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng nói là tuyến tránh Cai Lậy là chưa đầy đủ. Đây là dự án hơn 26km trên QL1A và 12km tuyến tránh. Trên QL1A còn xử lý 14 cây cầu.
Bộ trưởng mong các ĐB chia sẻ với ngành. Dự án này xuất phát từ nhu cầu địa phương cần 1 tuyến tránh để cơ hội mở rộng thị trấn, thành phố. Vì vậy Bộ GTVT và địa phương lập dự án, trong quá trình làm lấy đầy đủ các ý kiến từ HĐND, ĐBQH, hiệp hội, địa phương.
Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa |
“Khi xảy ra sự việc, nhiều người chỉ nghĩ đến nhà đầu tư, thực sự tôi đề nghị có cái nhìn công bằng hơn, trước hết phải là địa phương và Bộ GTVT”, Bộ trưởng Nghĩa chia sẻ.
Ông kể có người gọi điện thoại đề nghị cần thanh tra dự án này và cho rằng cách thức tiếp cận này thiếu công bằng.
“Tôi nghĩ cần khách quan, công bằng, vì đây là nỗ lực, cố gắng của ngành. Tôi đánh giá cao hơn cả đó là sự chuyển biến quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân cần đánh giá đúng chỗ đó”, ông nói.
Nói về trạm Cai Lậy những ngày vừa qua, Bộ trưởng Nghĩa cho biết nhân dân, DN, hiệp hội vận tải tại chỗ thật sự không có phản ứng gì.
“Chỉ có 7 DN ở nơi khác phản ứng nhưng cách thức làm chúng tôi thấy rất buồn. Buồn ở chỗ khi xảy ra sự việc ở đây có chính quyền nhưng lại giành 3 cái xe dừng ở đó để cản trở”, Bộ trưởng Nghĩa kể.
Ông cho biết, vừa rồi địa phương có ý kiến hợp lý và trong hôm nay chúng tôi mời nhà đầu tư ra để làm việc.
“Đề xuất của địa phương là giảm từ 35 ngàn xuống 25 ngàn, nhà đầu tư sẵn sàng. Suy cho cùng thì nó vẫn là một tủ tiền đấy thay vì phương án thu gần 7 năm thì hiện nay kéo dài 12-13 năm.
Sau khi chúng tôi tập trung quyết toán, phương án là đối với các dự án có khả năng giảm phí thì chọn giảm phí chứ không giảm thời gian. Riêng về dự án Cai Lậy, sau chiều nay, các đề xuất của địa phương và nhân dân sẽ giải quyết được”, Bộ trưởng Nghĩa khẳng định.
Nhà đầu tư ngoại ‘chê’ BOTTrước thắc mắc của các ĐB tại sao chỉ có nhà đầu tư trong nước tham gia vào các dự án BOT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu vướng mắc từ sự “mặc cả” của các nhà đầu tư ngoại. Ngoài tiêu chí chính sách, môi trường đầu tư phải minh bạch, rõ ràng, thông thường các nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu Chính phủ phải bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh vay vốn… “Đây đều là các yêu cầu 'quá sức' bởi quy định pháp luật hiện nay chưa cho phép. Do đó DN cũng chưa thực sự 'say', thực sự mong muốn đầu tư dù nhìn thấy cơ hội”, Phó Thủ tướng nói. |
Phó Chủ tịch Quốc hội: 'Vấn đề trạm thu phí Cai Lậy là điều đáng buồn' “Mấy ngày nay nổi lên trạm thu phí Cai Lậy, đây là điều đáng buồn. Lái xe phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ thanh ... |
Quản lý thiếu minh bạch, dự án BOT bị đánh giá tiêu cực Năng lực giám sát về cơ chế thu phí còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng, chưa làm tốt công ... |
Ai là chủ đầu tư thực sự của BOT Cai Lậy? Một trong 2 doanh nghiệp chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy là Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa ... |