|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nikkei: Vốn ngoại đổ dồn về Đông Nam Á, Việt Nam hưởng lợi?

15:06 | 27/06/2018
Chia sẻ
Tờ Nikkei nhận định, Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang trở thành một trong những thị trường chứng khoán nóng nhất thế giới thu hút các quỹ đầu tư cổ phiếu quốc tế.
nikkei von ngoai do don ve dong nam a viet nam huong loi Thị trường chứng khoán Trung Quốc đứng trước nguy cơ lún sâu vào suy thoái
nikkei von ngoai do don ve dong nam a viet nam huong loi Việt Nam - điểm đến cho dòng vốn 'tháo chạy' từ thị trường giá xuống?

Quỹ ngoại đổ bộ

nikkei von ngoai do don ve dong nam a viet nam huong loi

Các quỹ đầu tư ngoại được biết đến với phong cách đầu tư ưa rủi ro và thích các thương vụ mua lại sử dụng nợ vay. Do đó, Việt Nam trở thành một mục tiêu hấp dẫn: nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, thị trường chứng khoán hoạt động tốt và chính phủ đang đề ra nhiều kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Đây đều là những điều kiện lý tưởng để thu hút các quỹ đầu tư cổ phiếu khổng lồ như Warburg Pincus, KKR và TPG bơm tiền vào Việt Nam trong bối cảnh cơ hội đầu tư ở nước nhà đang ít dần.

Dẫn đầu làn sóng là Warburg Pincus (đến từ Mỹ) với giá trị đầu tư 1 tỷ USD vào nhiều công ty Việt. Tháng 3 vừa qua, quỹ này thực hiện khoản đầu tư cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam bằng việc mua cổ phần tại Ngân hàng Techcombank (Mã: TCB) với tổng giá trị 370 triệu USD trước khi ngân hàng này niêm yết trên HOSE vào tháng 6.

Khoản đầu tư đầu tiên của Warburg tại Việt Nam là thương vụ trị giá 200 triệu USD – sau đó nâng lên thành 300 triệu USD – với Vincom Retail, một công ty trong ngành bán lẻ hiện được định giá khoảng 3,5 tỷ USD.

Quỹ KKR cũng đang hướng sự chú ý tới Việt Nam. Năm ngoái Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu nước Mỹ này đã đầu tư vào Tập đoàn Masan – một doanh nghiệp lớn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Ông Ashish Shastry, giám đốc quỹ KKR khu vực Đông Nam Á nhận định: “Việt Nam có nhiều cơ hội đầu tư nhờ nền kinh tế tăng trưởng nhanh và cơ cấu dân số thuận lợi”.

Xu thế chung của khu vực

Sự tăng trưởng của Việt Nam nằm trong xu thế chung của toàn Châu Á. Theo thống kê của công ty nghiên cứu Preqin, đầu tư vào thị trường cổ phiếu Châu Á tăng 38% trong năm 2017 lên mức 158 tỷ USD, vượt mặt Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử. Và dòng tiền sẽ tiếp tục chảy vào.

Tập đoàn Carlyle đã thành lập quỹ đầu tư vào Châu Á lớn nhất từ trước tới nay với quy mô 6,65 tỷ USD. Còn Tập đoàn Blackstone thì tuyên bố giữa tháng 6 vừa qua đã kết thúc vòng gọi vốn cho quỹ cổ phiếu tập trung vào Châu Á với quy mô 2,3 tỷ USD. Cùng với nguồn lực từ các quỹ khác đang hoạt động trên toàn cầu, tập đoàn này tuyên bố có 3,8 tỷ USD để đầu tư vào Châu Á.

Ông Joe Baratta, giám đốc đầu tư cổ phiếu toàn cầu của Blackstone cho biết: “Khu vực [Châu Á] tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn so với các thị trường khác và do vậy có nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn ở nhiều ngành, lĩnh vực”.

Tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á đặc biệt cao, năm 2017 quy mô đầu tư cổ phiếu tăng gấp gần 3 lần lên 23,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế cao, đẩy mạnh đầu tư và công nghệ và sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu.

nikkei von ngoai do don ve dong nam a viet nam huong loi

Báo cáo của Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF dự báo 5 nền kinh tế lớn của ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định với tốc độ 5,3% trong năm 2018 và 5,4% năm 2019.

Tốc độc tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo là còn cao hơn nữa tuy nhiên chuyên gia tại một quỹ đầu tư ở Hong Kong nhận định giá cổ phiếu ở các nước này hiện đã ở mức quá cao và do vậy rất khó thu được suất sinh lợi cao nếu đầu tư.

Ngược lại, ở khu vực Đông Nam Á các nhà đầu tư đang có nhiều cơ hội để giải ngân vào cổ phiếu các công ty có triển vọng với giá khá rẻ. Do vậy, vị chuyên gia ở Hong Kong nhận định “nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ thu lợi lớn trong khoảng 3-5 năm tới”.

Một nhân tố tích cực khác thu hút sự chú ý của các quỹ ngoại vào khu vực Đông Nam Á là các chiến dịch cải cách sâu rộng thị trường vốn.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ 1997 gây thiệt hại nặng nề cho các quốc gia Đông Nam Á, thúc đẩy các nước này đưa ra các chính sách quản lý mới để tránh khủng hoảng tái diễn, trong đó có chính sách cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Các hoạt động cải cách này được thực hiện theo hình mẫu của Mỹ và Anh bắt đầu từ khoảng năm 2000 và đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn ngoại chảy vào khu vực.

nikkei von ngoai do don ve dong nam a viet nam huong loi
Vốn đầu tư vào cổ phiếu chia theo khu vực địa lý. Nguồn: Preqin, Nikkei

Những nỗ lực cải cách đã có tác dụng

Các chính sách cải cách ở Việt Nam tập trung vào khu vực doanh nghiệp nhà nước bao gồm hoạt động cổ phần hóa gần đây. Chiến dịch cổ phần hóa chính thức bắt đầu khoảng năm 2011 nhưng chỉ thực sự tăng trưởng nóng từ năm 2016 dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Số lượng các doanh nghiệp nhà nước giảm từ khoảng 1.500 năm 2010 xuống còn 583 năm 2016 và Bộ Tài chính dự báo sẽ chỉ còn khoảng 120 vào năm 2020.

Trong khi đó, theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng từ con số 2 năm 2000 lên 686 vào cuối năm 2015. Vốn hóa thị trường trong giai đoạn này tăng từ 0,28% GDP lên 34,5% GDP.

Ban đầu chính phủ dự định cổ phần hóa dần dần, nhưng giờ đây đang muốn đẩy nhanh tiến độ, một phần là nhằm bù đắp khoản thâm hụt ngân sách 9 tỷ USD trong năm 2018. Đầu năm nay, một nghị định mới có hiệu lực (Nghị định 126/2017/NĐ-CP) cho phép các nhà đầu tư dễ dàng tham gia các đợt IPO hơn.

Các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa trong năm nay bao gồm Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power và Tập đoàn Cao Su. Các đợt chào bán cổ phần lớn sắp tới bao gồm MobiFone, VNPT, và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam

Thủ tướng đã quảng bá các đợt IPO này tại nhiều sự kiện trong nước cũng như quốc tế, coi đây là “những cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp Viêt”.

Những nỗ lực này đã phần nào phát huy tác dụng. Tại một cuộc hội nghị cấp cao tại Hà Nội hồi tháng 3, ông Ousmane Dione – giám đốc World Bank Việt Nam cho biết “Các tiến bộ gần đây của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh là rất đáng khích lệ và thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển”.

Xem thêm

Kiên Dương

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.