|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những vụ phá rừng phòng hộ làm dự án gây ‘nóng’ dư luận trên cả nước

19:00 | 01/06/2017
Chia sẻ
Theo quy định, việc chuyển mục đích sử dụng từ 20 ha rừng phòng hộ trở lên phải được Thủ tướng đồng ý; muốn lấy từ 50 ha rừng trở lên phải trình Quốc hội. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc phá rừng làm dự án gây bức xúc dư luận thời gian gần đây đều chưa hề xin ý kiến Quốc hội về chủ trương đầu tư…

Thái Bình phá gần 150 ha rừng ngập mặn làm Khu công nghiệp

Mới đây, báo chí đưa tin Thái Bình sẽ phá gần 150 ha rừng ngập mặn để xây dựng dự án khu công nghiệp tại 2 xã Thụy Hải và Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, đe dọa đến sinh kế của hầu hết người dân địa phương nơi đây.

nhung vu pha rung phong ho lam du an gay nong du luan tren ca nuoc
Thái Bình phá gần 150 ha rừng ngập mặn làm Khu công nghiệp. (Ảnh: Thanh Niên)
Dự án được UBND tỉnh Thái Bình giao cho Ban quản lý dự án đầu tư các công trình phát triển nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình) làm chủ đầu tư, sẽ lấn 320 ha biển làm công nghiệp, trong đó phá bỏ gần 150 ha rừng ngập mặn.

Hiện dự án đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐMT) và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định, phê duyệt. Báo cáo xác định, gần 150 ha rừng ngập mặn không phải là rừng nguyên sinh mà chỉ là rừng nghèo nên việc phá bỏ diện tích rừng không làm mất đi những nguồn gen thực vật quý hiếm, không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái. Dự án chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của 80 hộ dân đang thuê bãi, nuôi trồng thuỷ hải sản.

Tuy nhiên, nhiều người dân không đồng ý kết luận trên và cho biết hồi đầu tháng 2 Bộ trưởng Bộ TN&MT còn kêu gọi trồng rừng bảo vệ đất ngập mặn và bảo tồn sinh thái, nhưng cuối tháng thì việc phá rừng đã được bàn đến. Tỉnh Thái Bình cũng phê duyệt kế hoạch sẽ trồng rừng ở phía ngoài đê mới nhưng cư dân địa phương cho rằng sau 20 năm, sú, vẹt mới cao được quá đầu người, nếu giờ phá đi và trồng lại ra ngoài đê mới thì còn lâu cây mới lớn.

Người dân cho rằng gần 150 ha rừng này có tác dụng phòng hộ, bảo vệ trực tiếp tính mạng, cuộc sống của bà con khi Thụy Hải là xã duy nhất ở huyện Thái Thụy không làm nông nghiệp mà nuôi trồng, chế biến thủy hải sản… nếu rừng bị phá, toàn xã sẽ mất sinh kế.

Trong khi báo cáo ĐMT khẳng định đã tham vấn cư dân hai xã Thủy Hải và Thụy Xuân thì chính quyền xã lại xác nhận: tỉnh, huyện có về gặp dân một lần nhưng là để giới thiệu dự án chứ không phải dể lấy ý kiến người dân, chính lãnh đạo xã cũng không hay biết thông tin cụ thể như thế nào…

nhung vu pha rung phong ho lam du an gay nong du luan tren ca nuoc Lại nóng chuyện phá rừng phòng hộ
nhung vu pha rung phong ho lam du an gay nong du luan tren ca nuoc Thái Bình phá 150 ha rừng ngập mặn làm khu công nghiệp

Phú Yên san 115 ha rừng phòng hộ cho dự án New City

Tháng 4, báo chí cũng thông tin UBND tỉnh Phú Yên giao hàng trăm ha đất rừng phòng hộ ven biển cho công ty TNHH New City Việt Nam thực hiện dự án khu du lịch cao cấp New City Việt Nam. Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên khẳng định dự án này triển khai khi chưa được phê duyệt báo cáo ĐMT và chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.

nhung vu pha rung phong ho lam du an gay nong du luan tren ca nuoc
Phú Yên san 115 ha rừng phòng hộ cho dự án New City. (Ảnh: Vietnamnet)
Dự án Khu du lịch cao cấp New City Việt Nam được triển khai xây dựng tại địa bàn xã An Phú, thành phố Tuy Hòa, được UBND tỉnh Phú Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 9/9/2014. Dự án có tổng diện tích 122,5 ha, trong đó đất rừng phòng hộ khoảng 115 ha.

Trước đó vào tháng 8/2016, tỉnh Phú Yên đã có thông báo kết luận của Phó chủ tịch Nguyễn Chí Hiến đồng ý cho New City vừa triển khai xây dựng vừa hoàn tất các thủ tục đầu tư đối với các khu vực đã giải phóng mặt bằng và lập đồ án quy hoạch. Nhà đầu tư được phép triển khai thi công trước các hạng mục cầu cảng, khu vui chơi công viên nước… Được biết, chủ đầu tư đã hoàn tất việc lập báo cáo ĐMT, chuyển cho Bộ TN&MT vào ngày 15/2 và đang chờ thẩm định.

Dù các thủ tục chưa hoàn thành nhưng dự án vẫn được triển khai khá rầm rộ, phát dọn những cây phi lao 30 năm tuổi trở lên để lấy đất triển khai các hạng mục đường nội bộ, trồng cỏ và làm sân golf…

Không lâu sau Thủ tướng Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì kiểm tra, làm rõ các vấn đề liên quan đến việc này. Ngày 28/4, tỉnh Phú Yên tổ chức họp báo và nhận khuyết điểm trước Thủ tướng khi không làm đúng quy định, trình tự; đồng thời trình bày cụ thể để Thủ tướng xem xét, quyết định. Dự án tạm bị đình chỉ cho đến khi có ý kiến chính thức của Thủ tướng.

nhung vu pha rung phong ho lam du an gay nong du luan tren ca nuoc Phó Thủ tướng yêu cầu Phú Yên giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng
nhung vu pha rung phong ho lam du an gay nong du luan tren ca nuoc Phú Yên nhận thiếu sót vụ phá rừng làm sân golf

Vĩnh Phúc quy hoạch hơn 150 ha rừng phòng hộ để xây nghĩa trang

Vào hồi tháng 2, báo chí phản ánh người dân huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc đã viết đơn nêu kiến nghị, phản đối việc UBND tỉnh cho triển khai quy hoạch, xây dựng khu công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng tại núi Ngang (xã Bồ Lý).

nhung vu pha rung phong ho lam du an gay nong du luan tren ca nuoc
Vĩnh Phúc quy hoạch hơn 150 ha rừng phòng hộ để xây công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng. (Ảnh: Thanh Niên)
Dự án khu công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng do Công ty Bình Minh Xanh làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư là 685 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý I/2017 đến năm 2025.

Khu vực được duyệt xây nghĩa trang là 153 ha đất trồng rừng phòng hộ, vốn được giao cho các hộ gia đình, cá nhân trồng, chăm sóc và bảo vệ từ năm 2002. Đơn thư của người dân cho biết không được họp hay lấy ý kiến về chủ trương này trong khi họ là những người trực tiếp bị mất đất sản xuất, đất ở và chịu ảnh hưởng bởi dự án.

Đặc biệt, chỉ hai ngày sau khi tờ trình về quy hoạch xây dựng Công viên nghĩa trang trên được ký, Ban thường vụ tỉnh đã họp và thống nhất với tờ trình, mọi việc diễn ra vô cùng chóng vánh. Sau nhiều ý kiến phản đối, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xin dừng dự án.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011, trong thuyết minh đã có vị trí này và bây giờ tỉnh mới đặt vấn đề thực hiện. Theo thông tư của Bộ Nông nghiệp thì cơ quan chức năng sẽ sớm đưa khu vực liên quan ra khỏi diện tích rừng phòng hộ để phát triển kinh tế xã hội, "chứ không phải đây là rừng phòng hộ đầu nguồn"…

Hiếu Quân