|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thái Bình phá 150 ha rừng ngập mặn làm khu công nghiệp

08:03 | 31/05/2017
Chia sẻ
Dự án xây dựng khu công nghiệp tại H.Thái Thụy (Thái Bình) sẽ phá gần 150 ha rừng ngập mặn đang khiến người dân địa phương lo lắng trước nguy cơ mất nghề mưu sinh và ảnh hưởng do bão gió.
thai binh pha 150 ha rung ngap man lam khu cong nghiep
Thái Bình phá 150 ha rừng ngập mặn làm khu công nghiệp

Đó là dự án nâng bãi đê biển số 8 từ K26+700 đến K31+700, thuộc H.Thái Thụy để phát triển công nghiệp - dịch vụ. Dự án được UBND tỉnh Thái Bình giao cho Ban quản lý dự án đầu tư các công trình phát triển nông nghiệp nông thôn (Sở NN-PTNT Thái Bình) làm chủ đầu tư, sẽ lấn 320 ha biển làm công nghiệp, trong đó phá bỏ gần 150 ha rừng ngập mặn thuộc 2 xã Thụy Hải và Thụy Xuân của H.Thái Thụy.

Hiện dự án đã hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và trình Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt. Báo cáo ĐTM do Trung tâm quan trắc, phân tích tài nguyên và môi trường thuộc Sở TN-MT tỉnh Thái Bình lập.

Trong báo cáo ĐTM của dự án, ngoài xác định gần 150 ha rừng ngập mặn không phải là rừng nguyên sinh, việc phá bỏ diện tích rừng này không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái và dự án chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của 80 hộ dân đang thuê bãi, nuôi trồng thuỷ hải sản. Ngoài ra, báo cáo cũng khẳng định đã tham vấn cộng đồng dân cư tại 2 xã Thụy Hải và Thụy Xuân.

Để chuẩn bị cho dự án này, UBND tỉnh Thái Bình đã cùng Bộ TN-MT mở hội thảo và kết luận: “Việc phá rừng không ảnh hưởng nhiều lắm đến bảo tồn đa dạng sinh học vì đây là rừng nghèo, không làm mất đi những nguồn gen thực vật quý hiếm, tác động không đáng kể đến môi trường di trú, tránh đông của cò mỏ thìa vì không trú chỗ này thì trú chỗ khác”, từ đó đồng thuận với tỉnh về quyết định phá bỏ diện tích rừng ngập mặn.

Tuy nhiên, tại xã Thuỵ Hải và Thuỵ Xuân (H.Thái Thuỵ), nhiều người không đồng ý kết luận trên. Ông Trần Văn Thu, một người dân ở thôn Tam Đồng, xã Thuỵ Xuân nói: “Mới đầu tháng 2, Bộ trưởng Bộ TN-MT còn về đây trồng rừng và kêu gọi người dân trồng rừng bảo vệ đất ngập mặn và bảo tồn sinh thái nhưng cuối tháng thì họ bàn việc phá rừng”. Theo ông Thu, gần 150 ha rừng này có tác dụng phòng hộ, bảo vệ trực tiếp tính mạng, cuộc sống của người dân.

"Năm 1986, vì không có rừng nên bão đánh vỡ đê, hơn 20 năm nay chúng tôi chăm lo trồng rừng nên bão lớn những năm 2015 và 2016 vẫn không việc gì”, ông Thu nói.

Trong dự án nêu trên, tỉnh Thái Bình cũng phê duyệt kế hoạch sẽ trồng rừng ở phía ngoài đê mới. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thu, một người dân xã Thuỵ Hải từng nhiều lần tham gia trồng rừng ngập mặn cho biết, sau 20 năm, sú, vẹt mới cao được quá đầu người, nếu giờ phá đi và trồng lại ra ngoài đê mới thì còn lâu cây mới lớn.

Bỏ qua tham vấn người dân?

Trong báo cáo tác động môi trường trình Bộ TN-MT, UBND tỉnh Thái Bình thống kê chỉ có 80 hộ bị ảnh hưởng sinh kế. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Dương Luân, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải, chỉ tính riêng khu đầm bãi trong khu dự án đã có 297 hộ đang thuê.

Đặc biệt, ông Luân cho biết, Thụy Hải là xã duy nhất ở H.Thái Thụy không làm nông nghiệp mà tất cả người dân ở đây đều làm nghề nuôi trồng, chế biến thủy hải sản… Nếu phá rừng, lấy bãi làm khu công nghiệp, toàn xã sẽ mất sinh kế.

Tại xã Thuỵ Xuân, Chủ tịch UBND xã Bùi Ngọc Hiện cho biết, dự án ảnh hưởng trực tiếp 57 hộ nuôi trồng thủy hải sản. Ngoài ra là hàng trăm hộ khác làm nghề đánh bắt, kinh doanh hải sản có thể cũng bị ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Tiến Quyền, Phó chủ tịch UBND H.Thái Thuỵ, huyện đã được tỉnh chỉ đạo lập đề án dân sinh cho các hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều người cũng không tin vào đề án này. Anh Nguyễn Xuân Minh, một ngư dân xã Thuỵ Hải nói: “Chúng tôi sống bằng nghề cá, nay họ phá rừng, lấp biển làm khu công nghiệp thì chúng tôi biết làm nghề gì để sống, liệu có làm công nhân được không?”.

Đáng chú ý, người dân địa phương còn cho rằng dự án trên đã bỏ qua một nội dung rất quan trọng là tham vấn ý kiến cộng đồng. Chủ tịch UBND các xã Thuỵ Xuân và Thuỵ Hải cùng xác nhận “tỉnh, huyện có gặp dân một lần, nhưng là để giới thiệu về dự án chứ không phải để lấy ý kiến người dân. Chính chúng tôi đến nay cũng chưa biết dự án viết gì, cụ thể như thế nào”.

Để làm rõ các thông tin về dự án, PV liên lạc với đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình và được cho biết việc phát ngôn đối với dự án này là của UBND tỉnh Thái Bình. PV đã nhiều lần liên hệ và nhắn tin qua điện thoại di động đặt câu hỏi liên quan đến dự án nhưng cả lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình và Chánh Văn phòng UBND tỉnh này đều không phản hồi. Tìm đến UBND tỉnh Thái Bình thì PV được bảo vệ cho biết "lãnh đạo đi họp vắng".

thai binh pha 150 ha rung ngap man lam khu cong nghiep Lại nóng chuyện phá rừng phòng hộ

Vĩnh Phúc định lấy hơn 100 ha rừng phòng hộ Tam Đảo làm nghĩa địa, thì mới đây, dư luận lại hết sức bức xúc ...

thai binh pha 150 ha rung ngap man lam khu cong nghiep Tân Tạo tăng cho thuê đất khu công nghiệp để thanh toán nợ

Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Mã CK: ITA) vừa có giải trình về việc kết quả kinh doanh năm ...

thai binh pha 150 ha rung ngap man lam khu cong nghiep Điều chỉnh quy hoạch các Khu công nghiệp Đà Nẵng đến năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các Khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng ...

Văn Đông